Tại Trường THPT Phước Long (quận 9), nhiều học sinh đi xe đạp điện không đội MBH |
Phụ huynh thờ ơ, học sinh phớt lờ
Dạo quanh một số trường ở quận 9 như: THPT Phước Long, Nguyễn Huệ (Q. 9), THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức)… PV Báo Giao thông bắt gặp rất nhiều học sinh đi xe đạp điện không đội MBH. Mặc dù tình trạng này diễn ra phổ biến nhưng không thấy lực lượng chức năng xử lý hoặc nhắc nhở.
Tại Trường THPT Phước Long trên đường Dương Đình Hội (quận 9) vào giờ tan học, PV chứng kiến nhiều học sinh đi học bằng xe đạp điện nhưng không đội MBH. Trong đó, có cả những trường hợp phụ huynh đưa đón con bằng xe gắn máy cũng “quên” không đội MBH.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có gần 2.000 trường hợp trẻ em tử vong vì TNGT (chiếm 20% số trẻ em tử vong trong cả nước). Trong đó, gần 50% trường hợp bị chấn thương sọ não vì không đội MBH. Từ đầu năm đến nay lực lượng CSGT TP HCM đã xử phạt hơn 18.000 trường hợp không đội MBH. Trong đó chiếm tỉ lệ không nhỏ là các trường hợp học sinh đi xe đạp điện không đội MBH và trẻ hơn 6 tuổi. |
Được hỏi vì sao không nhắc con đội MBH khi đi xe đạp điện đến trường, chị Vũ Thị Hà, ở phường Phước Long B, quận 9 chia sẻ: “Tôi không biết thông tin phải đội MBH khi đi xe đạp điện. Lâu nay, tôi nghĩ CSGT chỉ xử phạt người đi xe máy thôi. Hơn năm nay con tôi đi học bằng xe đạp điện nhưng có bị CSGT xử phạt đâu!”.
Còn theo giải thích của một số phụ huynh, con em mình không đội MBH vì nhà gần trường, các em đi xe đạp điện nhưng với tốc độ chậm không như đi xe máy. Hơn nữa, trường không nằm ngoài đường lớn nên không lo.
Nói về tình trạng không chấp hành đội MBH của học sinh khi điều khiển xe đạp điện, ông Nguyễn Tiến Hỷ, Hiệu trưởng Trường THPT Phước Long, quận 9 cho biết, bên cạnh những học sinh có ý thức trong việc đội MBH, vẫn còn một bộ phận không nhỏ các em chưa nhận thức được việc này. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở, động viên các em thực hiện đội MBH nhưng chưa có chuyển biến.
“Trường cũng phát động thi đua chấp hành đội MBH, trong đó quy định, nếu học sinh nào không chấp hành, khi bị phát hiện sẽ bị trừ điểm thi đua của lớp. Tuy nhiên, trường chỉ có thể nhắc nhở học sinh tại lớp. Còn khi các em ra ngoài đường lại cần tới sự kết hợp của rất nhiều lực lượng, cơ quan chức năng khác. Đặc biệt, vai trò của gia đình trong việc giáo dục con em ý thức chấp hành Luật GTĐB”, thầy Hỷ nói.
Cần phối hợp giữa gia đình và nhà trường
Theo Nghị định 171 và Nghị định 46 vừa có hiệu lực, người điều khiển, người ngồi trên xe máy, xe máy điện, xe đạp điện không đội MBH bị phạt 100.000 - 200.000 đồng. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban ATGT TP HCM nhận định, hiện tình trạng trẻ em không đội MBH tại TP HCM còn cao, đặc biệt đối với học sinh đi xe đạp điện. Đa phần do phụ huynh học sinh chưa quan tâm đến việc cho con em mình đội MBH, cũng như chưa ý thức được tác hại đến sức khỏe, tính mạng khi không đội MBH nếu chẳng may xảy ra TNGT.
Theo ông Tường, những trường thực hiện tương đối nghiêm túc quy định đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe đạp điện phần lớn ở khu vực nội thành. Một số quận, huyện ngoại thành như: Thủ Đức, 2, 8, 9… tỉ lệ đội MBH chỉ chiếm khoảng 50%. Do đó, mỗi năm Ban ATGT TP đều phối hợp với Sở GD&ĐT tuyên truyền về ATGT tại các trường trên địa bàn. “Nếu học sinh vi phạm không đội MBH mà cơ quan chức năng bỏ qua, chắc chắn sau đó các em học sinh lại tái diễn vi phạm. Bởi vậy, các quận, huyện trên địa bàn thành phố cần phối hợp đồng bộ để ra quân tuyên truyền, xử phạt có hiệu quả”, ông Tường nói.
Đại diện Đội CSGT Công an quận 9 cho biết, xử phạt học sinh đi xe mô tô, xe đạp điện không đội MBH khó hơn người thành niên bởi theo quy định học sinh từ 14-16 tuổi đi xe máy, xe đạp điện, xe máy điện không đội MBH hoặc đội MBH mà không cài quai đúng quy cách sẽ phạt bằng hình thức cảnh cáo (chứ không phạt tiền). Từ đầu năm đến nay, CSGT quận chưa xử phạt hành chính trường hợp học sinh nào mà trên tinh thần cảnh báo, nhắc nhở để các em có ý thức khi tham gia giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận