Lực lượng liên ngành thường xuyên kiểm tra công tác an toàn giao thông đường thủy tại các bến đò ngang |
Ngày 8/11, Ban ATGT TP.HCM tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 - 2018.
Tập trung tuyên truyền, ý thức người dân được nâng cao
Theo Ban ATGT TP.HCM, thông qua cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” các đơn vị liên quan đã chủ động phát động và nâng cao công tác tuyên truyền Luật Giao thông Đường thủy nội địa bằng nhiều hình thức. Đơn cử như các buổi tổ chức tọa đàm trực tiếp để lắng nghe ý kiến thắc mắc, đóng góp của nhân dân. Thông qua các hội thi tìm hiểu pháp luật về ATGT đường thủy, phòng chống đuối nước cho học sinh đã trực tiếp tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân; biên soạn, in ấn tài liệu tuyên truyền cấp phát cho nhân dân tại các cảng, bến. Xây dựng nội dung tuyên truyền phát sóng các bản tin, tiểu phẩm vui nhằm phản ánh tình tình trật tự ATGT đường thủy.
Trong 3 năm, Ban ATGT TP đã tổ chức lễ gắn biển công nhận 27/126 đơn vị đăng ký mô hình văn hóa đường thủy cho các đơn vị quản lý. Tổ chức tuyên truyền kết hợp đăng kiểm cho 140 phương tiện chưa đăng kiểm hoặc quá hạn đăng kiểm cho người dân huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Trao tặng 220 phao tròn cho 110 chủ phương tiện có hoàn cảnh khó khăn. Thường xuyên kiểm tra kết hợp tuyên truyền đối với các bến khách ngang sông, phát tặng 550 dụng cụ nổi cầm tay cho các bến khách ngang sông.
Theo Ban ATGT, bên cạnh những kết quả đạt được còn những tồn tại như hình thức, nội dung triển khai cuộc vận động chưa thật phong phú, chưa làm thường xuyên; cuộc vận động chưa thật sự đi sâu đến từng đối tượng.
Đối với đối tượng là thuyền viên, do thường xuyên di chuyển nên rất khó tổ chức tuyên truyền tập trung. Cư dân ven sông rạch đa số là dân nghèo, trình độ học vấn thấp, nghề nghiệp không ổn định gây khó khăn trong tổ chức tuyên truyền và nhận thức về pháp luật ATGT đường thủy.
Ngoài ra một số cơ quan thành viên và địa phương chưa thật sự quan tâm đến cuộc vận động còn để tồn tại các hoạt động không phép hoặc tình trạng lấn chiếm kênh rạch. Đồng thời chưa thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, xử lý các vi phạm trong hoạt động của bến ngang sông…
Ban ATGT TP.HCM trao tặng giấy khen cho các đơn vị đạt thành tích trong công tác ATGT đường thủy |
Để cuộc vận động thật sự trở thành phong trào sâu rộng, xây dựng được văn hóa trong các hoạt động giao thông đường thủy, Ban ATGT TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa giao thông đường thủy. Hằng năm tổ chức, kiểm tra đánh giá đối với các mô hình văn hóa giao thông đã đăng ký để công nhận các mô hình đạt tiêu chí. Phối hợp công tác kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, giáo dục. Mục tiêu kéo giảm từng năm về TNGT, kéo giảm các vi phạm trong hoạt động bến, cảng.
Nếu xảy ra TNGT đường thủy, người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho biết, hiện có 15 quận, huyện trên địa bàn TP gắn chặt với phong trào vận động văn hóa giao thông với bình yên sông nước. Các quận, huyện làm tốt công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát về an toàn giao thông đường thủy. Từ khi phát động phong trào đến nay nhận thức của người tham gia giao thông đường thủy có chuyển biến tốt hơn.
Theo ông Tường, mục tiêu cuộc vận động không chỉ xây dựng ý thức nâng cao văn hóa giao thông của người dân mà kể cả những người thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh tuyên truyền, xử lý các vi phạm cũng thường xuyên phải duy trì, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, không để xảy ra tai nạn TNGT tại các bến khách ngang sông.
“Từ nay đến cuối năm 2020, các đơn vị chức năng, địa phương cần tập trung công tác tuyên truyền, đặc biệt tuyên truyền đến các em học sinh phòng tránh đuối nước. Xây dựng và nhân rộng thêm mô hình về văn hóa giao thông đường thủy, đến năm 2020 sẽ có nhiều mô hình về văn hóa giao thông. Nếu để xảy ra TNGT đường thủy do công tác an toàn yếu kém thì chủ tịch các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước tiên”, ông Tường nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận