Ngày 27/6, ông Phan Hữu Hiếu - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình TNGT đang có chiều hướng giảm ở các tiêu chí.
Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng hôm 9/2 tại đường liên xã ở huyện Đak Đoa (Gia Lai) khiến 6 người tử vong.
Ông Hiếu cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 167 vụ TNGT, làm 124 người chết và 137 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, TNGT giảm 4 vụ, giảm 3 người chết nhưng tăng 2 người bị thương. Trong đó, TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số xảy ra 70 vụ, làm 54 người chết và 54 người bị thương (giảm 14 vụ, giảm 9 người chết và tăng 1 người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái).
"TNGT trong đồng bào thiểu số giảm là một tín hiệu đáng mừng. Đây là kết quả của sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền cũng như tăng cường xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Gia Lai", ông Hiếu cho biết.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 3 địa phương tăng cả 3 tiêu chí TNGT so với cùng kỳ năm 2021 là huyện Kông Chro, Chư Prông và thị xã Ayun Pa.
Riêng huyện Đak Đoa năm 2021 là một trong những địa phương có số vụ TNGT tăng cao, tuy nhiên năm 2022 số vụ, số người bị thương nhưng tăng cao số người chết do TNGT. Vụ TNGT có số người chết nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong 6 tháng đầu năm 2022 xảy ra tại huyện Đak Đoa xảy ra vào rạng sáng ngày 9/2.
Vụ xe tải chở mì đi trên đường liên xã Đăk Sơ Mei - Hà Đông (huyện Đak Đoa, Gia Lai), khi đang xuống dốc dài ở địa phận làng Bokrei để tới quốc lộ 19D, đã đâm vào taluy, rồi lao xuống vực bên phải làm chết 6 người.
Ông Hiếu cũng cho biết, nhằm phấn đấu kéo giảm TNGT 5-10% cả 3 tiêu chí so với năm 2021, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu với lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện có hiệu quả.
Tiếp tục khắc phục các nguyên nhân dẫn đến TNGT như: nâng cao hiệu quả tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT; kiến thức về ATGT, kỹ năng điều khiển phương tiện.
Mạnh tay xử lý tình trạng thanh-thiếu niên càn quấy, điều khiển xe mô tô sau khi đã uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, chở nhiều người, phóng nhanh, vượt ẩu, cố tình vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra nhưng xử lý chưa triệt để.
Cũng theo ông Hiếu, Gia Lai là một tỉnh có diện tích lớn, dân cư phân tán thưa thớt điều đó dẫn đến lực lượng chức năng còn mỏng khó có thể xử lý tình trạng vi phạm giao thông tại địa phương. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của một số địa phương, nhất là ở cấp xã trong công tác bảo đảm TTATGT chưa thực sự quyết liệt.
Công tác tuyên truyền còn đơn điệu, chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành, cơ quan, đơn vị của địa phương; chưa bố trí hợp lý các lực lượng để tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe mô tô vào khung giờ cao điểm, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận