Nhiều năm qua, tại tỉnh Gia Lai nổi lên tình trạng thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng rượu bia sau đó tham gia giao thông. Nhiều vụ TNGT đã gây chết người, chết nhiều người đến mức đáng báo động.
Siu Quên người có liên quan vụ trong vụ TNGT trên QL25 khiến đôi vợ chồng trẻ tử vong cùng với cha của mình tham gia tuyên truyền pháp luật về ATGT tại làng Queng Mép, Chư Sê.
TNGT trong thanh thiếu niên ở Gia Lai đáng báo động
Thống kê các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến thanh thiếu niên điều khiển phương tiện giao thông ở Gia Lai nổi lên tình trạng thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng rượu bia sau đó tham gia giao thông. Nhiều vụ TNGT đã gây chết người, chết nhiều người đến mức đáng báo động. Các địa phương đã xảy ra các vụ TNGT nêu trên phải kể đến các huyện trong thời gian qua như: Chư Sê, Chư Pưh.
Trong các đợt cao điểm trấn áp tội phạm và đảm bảo ATGT các dịp Tết Dương lịch, lễ Noel, đêm Giao thừa Tết Nguyên đán nhiều lực lượng Công an của tỉnh Gia Lai đã ra quân xử lý hàng trăm trường hợp, thu giữ hàng chục chiếc xe độ chế do các thanh thiếu niên sử dụng để tham gia giao thông trái phép.
Theo công an huyện Chư Sê, nhiều trường hợp vi phạm là học sinh còn đi học. Các em học sinh thiếu sự quản lý giáo dục từ gia đình nên a dua, đua đòi.
"Nhiều thanh thiếu niên tụ tập chơi bời và có tâm lý thích thể hiện bản thân bằng việc đua xe, nẹt pô, lạng lách đánh võng, gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, một bộ phận thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức kém và tâm lý chủ quan, thường xuyên vi phạm các quy định về bảo đảm ATGT. Nhiều trường hợp các đối tượng thanh thiếu niên thách đố trên mạng xã hội để tụ tập, lập nhóm đua xe, lạng lách đánh võng gây mất trật tự an ninh, ATGT. ", một cán bộ CSGT huyện Chư Sê cho biết.
Điển hình nhất, mới đây một vụ TNGT đã khiến 2 vợ chồng tử vong khi lưu thông trên QL25, đoạn qua huyện Chư Sê (Gia Lai). Theo đó, khoảng 20h ngày 26/6, Siu Quên (SN 2003, trú tại làng Queng Mép, xã Dun) điều khiển xe máy BKS 81P4 - 3775 lưu thông trên quốc lộ 25 hướng từ Chư Sê đi Phú Thiện đã va chạm vào xe mô tô đi chiều ngược lại. Vụ tai nạn khiến anh Phạm Văn T. A. (SN 1992, trú tại tổ 9, thị trấn Chư Sê) và vợ là chị Vũ Thị N. M. (SN 1993) tử vong, để lại 3 người con lâm cảnh mồ côi.
Đáng chú ý, qua kiểm tra của lực lượng CSGT Gia Lai, Siu Quên điều khiển xe không có giấy phép lái xe, đặc biệt có nồng độ cồn trong hơi thở ở mức rất cao là 0,98 miligam/lít khí thở.
Thanh-thiếu niên các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đak Đoa ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Lê Anh
Cần đẩy mạnh tuyên truyền
Còn tại huyện Đak Đoa, chỉ tính riêng tại huyện này trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện này đã xảy ra 17 vụ TNGT, làm 19 người chết và 19 người bị thương; trong đó tỷ lệ thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô gây TNGT chiếm 47% trên tổng số vụ, làm 6 người chết và 11 người bị thương.
Theo Ban ATGT huyện Đak Đoa, các vụ TNGT chủ yếu xảy ra ở đường liên thôn xã, vào khoảng thời gian từ 11h đến 17h và từ 22h đến 5h sáng hôm sau. Nguyên nhân chủ yếu là do vi phạm tốc độ, lấn đường, không chú ý quan sát, tập trung ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhất là thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số, phương tiện gây TNGT chủ yếu là mô tô.
Để kiềm chế, kéo giảm TNGT trong thanh thiếu niên thời gian tới, Ban ATGT huyện Đak Đoa đề nghị các cấp, ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn huyện phối hợp chặt chẽ; tăng cường công tác quản lý, giáo dục, tuyên truyền thanh thiếu niên chấp hành nghiêm Luật Giao thông Đường bộ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT.
Ông Phan Hữu Hiếu - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, "Hậu quả của TNGT để lại rất lớn, cảnh cha mẹ mất con, chồng mất vợ, vợ mất chồng, những đứa trẻ ngây thơ mất đi người thân là nỗi đau không gì bù đắp được; những di chứng thương đau của TNG là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong kí ức của mỗi người thân, bạn bè người bị nạn, khiến xã hội cũng bị tổn thương nghiêm trọng".
Cũng theo ông Hiếu, những năm qua, dưới sự nỗ lực các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội và sự tham gia tích cực của Nhân dân, công tác bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, TNGT được kéo giảm.
Tuy nhiên, TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, số người chết do TNGT vẫn ở mức cao, nhiều trường hợp người chưa đủ tuổi, người chưa có giấy phép lái xe theo quy định vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông; hiện tượng thanh thiếu niên điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, chạy tốc độ cao diễn ra ở một số địa phương nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn triệt để.
Ông Hiếu cho biết, Ban ATGT tỉnh Gia Lai vừa phối hợp với Phòng CSGT công an tỉnh Gia Lai và huyện Đak Đoa đã triển khai lễ phát động đẩy mạnh tuyên truyền ATGT trong thanh thiếu niên trên địa bàn huyện Đak Đoa năm 2022. Lễ phát động nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các các cấp, các ngành trong công tác quản lý, giáo dục, tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên cá biệt, thường xuyên vi phạm trật tự, ATGT; tăng cường công tác vận động, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1, A4."
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận