Đèo dốc quanh co trên Quốc lộ 4D, từ Lào Cai đến Lai Châu. Ảnh: Sáu Nghệ |
Những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở nước ta ngày càng nhiều. Số người chết vì tai nạn giao thông tăng theo từng giờ, từng ngày đã lên đến mức báo động. Tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trên cả nước ta hiện nay thực sự là quốc nạn, đáng chú ý số vụ tai nạn giao thông ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang tăng cao và chủ yếu tập trung ở đường bộ.
Tai nạn giao thông sẽ giảm khi mọi người cùng có ý thức và thể hiện hành vi có văn hóa khi tham gia giao thông. Cốt lõi của xây dựng văn hóa giao thông là phải bắt đầu từ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật từ cơ sở. Đặc biệt là việc giáo dục pháp luật tại các gia đình, nhà trường và đoàn thể.
Giao thông miền núi khó khăn, hiểm trở
Theo số liệu thống kê, cả nước có 8.940 xã, trong đó 98,6% xã đã có đường ô tô đến trung tâm (tăng 2,3% so với năm 2006). 8.803 xã có đường đến trung tâm đi được 4 mùa, chiếm 97,1% (tăng 3,5% so với năm 2006); 7.917 xã có đường ô tô đến trung tâm đã được nhựa hóa, bê tông hóa, chiếm 87,3% (tăng 17,2% so với năm 2006). Đáng chú ý là không chỉ có đường đến trung tâm huyện, xã được chú trọng mà đường đến các thôn, bản miền núi cũng được các cấp chính quyền hết sức quan tâm đầu tư. Qua khảo sát cho thấy 89,5% số thôn, bản có đường ô tô đến được. So với năm 2005, tổng số chiều dài km đường giao thông nông thôn tăng thêm 34.811km; trong đó số km đường huyện tăng thêm 1.563km, đường xã tăng 17.414km và đường thôn xóm tăng 15.835km. |
Do đường giao thông ở vùng miền núi có đặc thù là địa hình phức tạp chia cắt bởi nhiều sông, suối, đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, tuyến đường giao thông đến trung tâm các xã chỉ đi được mùa khô. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên có gió lốc, mưa đá, lũ quét, sạt lở, một số tuyếnđường thường xuyên bị ách tắc…hiểm trở, nhiều đèo dốc quanh co, uốn khúc, một bên là vách núi cao chót vót, một bên là vực sâu thăm thẳm, mặt đường lại hẹp, có nơi đường lên dựng đứng, đường xuống dốc sâu và có nhiều đoạn vẫn đang trong quá trình thi công.
Bên cạnh đó các thiết bị đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông ở các cung đường hiểm trở này còn chưa đảm bảo, số vụ xe lao xuống vực trong thời gian qua có dấu hiệu gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.
Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền núi, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án và tổ chức triển khai thực hiện trên các lĩnh vực trong nhiều năm qua, đã góp phần phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng,làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, tạo cơ sở cho sự phát triển.
Theo tổng hợp từ báo cáo của Văn phòng 135, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đến năm 2014 bình quân còn khoảng 34,8%, tốc độ bình quân mỗi năm giảm trên 3,5% đồng nghĩa với việc kinh tế vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang có sự phát triển đáng kể, do đó đồng bào đã có điều kiện mua sắm các phương tiện giao thông bằng ôtô, xe máy, có nhiều điều kiện thuận tiện tham gia giao thông hơn so với trước đây.
Đồng bào các DTTS thường sống trong khu vực khó khăn về mọi mặt. Học vấn của đồng bào đa số còn thấp, bà con ít giao tiếp thậm chí nói tiếng Kinh chưa thành thạo, do đó, chúng ta không thể áp dụng những hình thức tuyên truyền, đào tạo cấp giấy phép lái xe như các đối tượng tham gia giao thông khác.
Ý thức, nhận thức còn hạn chế
Hiện nay, sự hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số cũng còn hạn chế. Địa bàn nông thôn, miền núi rộng, dân cư thưa thớt lại thiếu lực lượng chức năng kiểm soát; nhiều phong tục tập quán lạc hậu tồn tại (hoặc nặng về phong tục như phụ nữ dân tộc Thái búi Tằng Cẩu nên rất khó đội mũ bảo hiểm). Lễ hội kéo dài, người dân thường uống rượu say vẫn điều khiển phương tiện giao thông, nhất là xe máy, cho nên hiện nay tai nạn giao thông ở vùng dân tộc, miền núi xảy ra cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.
Bên cạnh đó còn nhiều hiện tượng thiếu ý thức của người dân tự ý phá các hàng rào, hộ lan bảo hộ hành lang giao thông, rồi chăn thả gia súc trên các tuyến đường cao tốc, liên tỉnh, liên huyện…
Tại những cung đường liên bản, liên xã, nơi không có sự can thiệp của lực lượng chuyên trách đảm bảo an toàn giao thông, người dân tham gia giao thông thường không đội mũ bảo hiểm xe máy, hoặc điều khiển xe máy chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu; đặc biệt tại những cung đường này có nhiều xe máy tham gia giao thông không có biển kiểm soát.
Theo đánh giá của ngành chức năng, số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường giao thông nông thôn hiện nay đang xếp thứ hai, sau số vụ tai nạn tại các tuyến quốc lộ; xếp thứ ba là số vụ tai nạn xảy ra tại các tuyến đường nội thị; tỷ lệ tai nạn trên đường liên xã, liên huyện, tỉnh lộ chiếm hơn 29%; đường làng, thôn, đường xóm chiếm 19%...
Số vụ TNGT ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang tăng cao và chủ yếu tập trung ở đường bộ |
Theo thống kê sơ bộ, 9 tháng đầu năm 2014, tại huyện Đakrông xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông, làm chết 15 người, bị thương 31 người, tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước (tăng 6 vụ, số người chết tăng 5 người, số người bị thương tăng 16 người). Điển hình như vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 12/9/2014, trên Quốc lộ 9, thuộc địa phận xã Đakrông, huyện Đakrông, giữa xe ôtô mang BKS 74B-001.77 và xe môtô mang BKS 74K-018.17 chở 5 người; khiến 2 người chết, 3 người bị thương nặng. Nguyên nhân là do xe môtô chở quá số người quy định, chạy sai phần đường, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm, không làm chủ tốc độ nên đã đâm vào xe ôtô.
Nguyên nhân có rất nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ tai nạn giao thông gia tăng tại vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như : Hạ tầng giao thông tại các địa phương dù đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa; nhiều tuyến được cải tạo, làm mới, nhất là những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giao thông nông thôn được các cấp, ngành, địa phương chú trọng đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường còn thiếu hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm; hệ thống cọc tiêu, rào chắn để hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết, lắp đặt rất hạn chế; tình trạng họp chợ, dựng xe, biển quảng cáo... lấn chiếm, vi phạm hành lang giao thông còn diễn ra phổ biến.
Mặt khác công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật nói chung và an toàn giao thông nói riêng còn nhiều điểm bất cập, hạn chế, dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông có chiều hướng tăng cả về số vụ và tỷ lệ tử vong ở vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc.
6 giải pháp cụ thể
Kể từ khi thành lập đến nay Vụ Tuyên truyền đã được lãnh đạo Ủy ban Dân tộc giao nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và các Chương trình, dự án của Ủy ban Dân tộc nói riêng, cho nhân dân nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trong mọi hoạt động của Vụ, đã có sự phối chặt chẽ giữa các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban và các Bộ, ngành cũng như Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố được chú trọng, tăng cường đẩy mạnh.
Vụ đã xác định rõ nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với từng vùng, từng thời điểm cụ thể gắn với nhiệm vụ chính trị và yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt chú trọng các tuyên truyền pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân như: Bộ luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Giao thông Đường bộ, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình,...
Trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác Tuyên truyền Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc đưa ra một số giải pháp cụ thể:
Một là, hàng năm tổ chức cấp giấy khen hoặc giấy chứng nhận cho các hộ gia đình không có người vi phạm Luật giao thông (tạo tâm lý thi đua, giáo dục trong cộng đồng không vi phạm Luật giao thông).
Hai là, xây dựng phong trào đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ hạ tầng giao thông (giao cho các tổ dân cư bảo vệ hành lang hàng rào, hộ lan nơi cư trú, tổ chức các cuộc dọn vệ sinh, kiên cố lại biển báo 2 bên đường).
Ba là, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật giao thông tại cơ sở, dành cho người dân tộc thiểu số hoặc đang sinh sống tại vùng dân tộc, miền núi, bằng hình thức sân khấu hóa, các nội dung phải được được thể hiện bằng tiếng dân tộc. Nhằm nâng cao ý thức tự tìm hiểu, tự vận động người thân, gia đình và cộng đồng tại khu vực đồng bào sinh sống.
Bốn là, sáng tác, xuất bản, in, phát hành và quảng bá các loại sách chuyên đề và các ấn phẩm truyền thông phục vụ đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số do Ủy ban ATGT QG và đơn vị phối hợp xây dựng (chủ yếu các sản phẩm song ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc theo vùng miền).
Năm là, sản xuất, biên tập, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhân dân tại các địa bàn là các xã thuộc phạm vi của Chương trình do Ủy ban ATGT QG và đơn vị phối hợp xây dựng (chủ yếu các sản phẩm song ngữ tiếng việt và tiếng dân tộc theo vùng miền).
Sáu là, xây dựng tài liệu phù hợp với trình độ, tập quán vùng miền, tập huấn cho cán bộ thôn, xã để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền, vận động đồng bào tại cơ sở tham gia thông an toàn đúng Luật.
Để góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, từng bước hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc cũng đưa ra một số kiến nghị như: Tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phối hợp, giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương cần phải đồng bộ, thống nhất, theo từng ngành, từng lĩnh vực để đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể, nên có Chương trình phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải , Ủy ban An toàn giao thông và Ủy ban Dân tộc.
Hàng năm thống nhất xây dựng kế hoạch triển khai, nội dung công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ.
Hỗ trợ kinh phí và những điều kiện cần thiết cho Ủy ban Dân tộc thực hiện công tác chỉ đạo, tuyên truyền, phát động phong trào, tập huấn và nhân rộng điển hình, mô hình điểm; sơ kết, tổng kết và khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận