Manh động, nguy hiểm
Mới đây, tại đường Láng (TP Hà Nội), hai nhóm thanh niên trong lúc điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, rượt đuổi nhau đã khiến một xe máy chở 3 người bị mất lái đâm vào dải phân cách giữa đường. Hậu quả khiến cả 3 người trên xe máy tử vong.
Thanh, thiếu niên tụ tập lạng lách, đánh võng trên đường rất manh động, lực lượng chức năng phải mật phục để vây bắt hạn chế thấp nhất rủi ro.
Trước đó, tại Hưng Yên cũng xuất hiện nhóm thanh, thiếu niên đi xe máy, rượt đuổi nhau, ném vỏ chai bia trên nhiều tuyến đường. Sau đó, một xe máy trong nhóm này không làm chủ tốc độ, đâm vào đuôi ô tô cùng chiều khiến 2 người bị thương.
Do nhận thức còn hạn chế, hầu hết các đối tượng đều rất manh động, sẵn sàng phóng xe bỏ chạy, thậm chí sẵn sàng sử dụng hung khí để chống trả lực lượng chức năng. Điều đó khiến việc xử lý các đối tượng càn quấy khá khó khăn.
Thiếu tá Trần Quang Chinh
Thống kê của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng phát hiện 82 vụ với 765 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng. Trong đó, cơ quan chức năng khởi tố 16 vụ, 172 đối tượng và xử lý hành chính 66 vụ.
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 9, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, đây là những con số "biết nói", phản ánh tình trạng thanh, thiếu niên dưới 18 tuổi tụ tập, điều khiển xe máy với tốc độ cao diễn ra ngày càng phức tạp.
Cá biệt, nhiều nhóm đối tượng còn mang theo cả hung khí là dao, kéo tự chế, rủ nhau thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook để tụ tập biểu diễn trên đường.
"Đa số các đối tượng có hoàn cảnh éo le, thiếu sự quan tâm, giám sát từ phía gia đình. Tiếp xúc, tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội, các đối tượng dần bị lôi kéo, nhiều khi chỉ để "lấy số cho oai" mà không lường được hậu quả", Thiếu tá Chinh cho biết.
Không chờ tái phạm mới thu xe
Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm GPLX, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên mức phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm giao thông.
Hiện trường vụ nhóm thanh, thiếu niên rượt đuổi khiến 1 xe đâm vào gốc cây trên đường Láng (Hà Nội) làm 3 người tử vong hồi tháng 6/2024.
Tuy nhiên, đối với các hành vi như: Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên điều khiển xe; điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường; điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định sẽ bị trừ 12 điểm GPLX, tịch thu phương tiện nếu tái phạm.
Trung tá Tôn Văn An, Đội trưởng Đội CSGT trật tự Công an TP Bắc Giang cho biết, với những hành vi nguy hiểm như lạng lách, đánh võng, chống người thi hành công vụ, việc tịch thu phương tiện là cần thiết, thậm chí cần tịch thu ngay từ lần vi phạm đầu tiên.
"Đừng chờ tái phạm mới tịch thu phương tiện. Hầu hết thanh, thiếu niên không đủ khả năng mua xe máy mà sử dụng của bố mẹ hoặc mượn của người thân, bạn bè. Việc tịch thu xe không chỉ răn đe với người điều khiển mà còn khiến người cho mượn có trách nhiệm hơn", trung tá An nói.
Nghiên cứu lại độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Theo thiếu tá Chinh, để ngăn chặn các hành vi tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng trong bộ phận thanh, thiếu niên cần sự vào cuộc đồng bộ từ gia đình, xã hội, lực lượng chức năng, đặc biệt là chính quyền, công an ở các cấp xã, phường.
Cần rà soát, sàng lọc để xác định các đối tượng có dấu hiệu hoặc từng thực hiện hành vi trên và đưa vào danh sách quản lý đặc biệt. Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành vi của các em.
Đối với các vụ tụ tập thành nhóm để điều khiển xe lạng lách, đánh võng, vượt quá tốc độ cho phép, mang theo hung khí để "biểu diễn", "lấy uy"… cần xem xét khởi tố hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng. Bởi đây là những hành vi nguy hiểm, có tổ chức, nếu chỉ xử lý vi phạm hành chính sẽ không đủ sức răn đe.
Thiếu tá Chinh cũng cho rằng, tới đây, cần nghiên cứu, xem xét lại độ tuổi vị thành niên trong việc chịu xử lý trách nhiệm hình sự sao cho phù hợp với thực tế, để tăng tính răn đe, ngăn chặn các hành vi nguy hiểm đến từ các đối tượng trong độ tuổi này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận