Nâng cao ý thức chấp hành
Cuối tháng 11 vừa qua, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã ký văn bản ban hành kế hoạch phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên toàn tỉnh.
Kế hoạch nhằm khuyến khích mỗi người dân là tuyên truyền viên, cộng tác viên với lực lượng chức năng, chủ động phát hiện, phản ánh các vi phạm cho cơ quan chức năng xử lý, giải quyết. Tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng bảo đảm bí mật về người cung cấp thông tin, kịp thời động viên, biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Một kế hoạch tương tự cũng được tỉnh Bình Thuận phát động vài ngày trước đó.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), phong trào này đã được nhiều địa phương phát động.
"Không phải lúc nào lực lượng CSGT cũng có thể có mặt trên mọi tuyến đường đường. Hệ thống camera chưa thể phủ sóng hết, vì vậy hình ảnh người dân cung cấp có ý nghĩa quan trọng", ông Hòa nói và cho rằng, để nâng cao hiệu quả, cần có cơ chế khuyến khích bằng lợi ích vật chất. Chẳng hạn, có thể trả tỉ lệ phần trăm số tiền xử phạt cho người phát hiện, cung cấp.
"Chẳng hạn một tài xế say rượu nhưng vẫn lái xe, người dân phát hiện và báo CSGT. Sau khi ra quyết định xử phạt, CSGT có thể trích số tiền phạt để thưởng cho người cung cấp. Điều đó không chỉ khuyến khích được nhiều người dân tham gia, mà còn gián tiếp góp phần nâng cao ý thức của các tài xế, ngăn ngừa vi phạm", ông Hòa nhận định.
Tuy vậy, ông Hòa cũng cho rằng, để thực hiện được việc này cần phải có hành lang pháp lý: "Có thể không cần phải sửa luật, chỉ cần bổ sung vào các thông tư hoặc nghị định liên quan là được".
Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc khuyến khích người dân tố cáo, cung cấp hình ảnh hay clip vi phạm giao thông là rất cần thiết.
Khuyến khích bằng cách trả bằng lợi ích vật chất sẽ làm cho nhiều người tham gia tích cực hơn. Qua đó, mọi tài xế cũng sẽ nhận thức được rằng, nếu mình vi phạm, có thể bị phát hiện bất cứ khi nào, đồng thời sẽ có ý thức tuân thủ luật pháp hơn.
Ngoài ra, luật sư cho rằng trên thực tế, không phải người nào gửi hình ảnh tố cáo vi phạm cũng mong được lĩnh tiền thưởng hoặc được tuyên dương. Có những trường hợp tố cáo vi phạm chỉ để giải tỏa sự bức xúc do người vi phạm gây ra cho xã hội.
Khuyến khích sự tự nguyện
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, từ trước đến nay, cơ quan chức năng một số địa phương đã có các hình thức khuyến khích người dân phản ánh các hành vi vi phạm giao thông.
Trả tiền cho việc tố cáo vi phạm có thể tạo hiệu ứng thụ động theo kiểu được trả tiền thì tố cáo, không trả tiền thì không tố cáo. Thậm chí, có thể xuất hiện việc mặc cả lợi ích vật chất để không tố cáo, hậu quả dẫn đến hành vi bao che cho vi phạm pháp luật. Do đó, việc trả tiền để khuyến khích người dân tham gia tố cáo hành vi vi phạm giao thông không phải là giải pháp bền vững.
Luật sư Hà Thị Khuyên
Như tại Hà Nội, từ đầu năm 2023, Công an thành phố công khai đề nghị người dân chủ động cung cấp qua tài khoản Zalo của Phòng CSGT và số điện thoại đường dây nóng. Tuy nhiên, việc làm này trên tinh thần tự nguyện, không có việc trả tiền cho người cung cấp.
Cũng theo đại tá Nhật, hình thức khuyến khích người dân phản ánh vi phạm về trật tự an toàn giao thông tùy thuộc vào mỗi địa phương, nhưng nên thực hiện một cách tự nguyện như trên.
"Trước đây, lãnh đạo Cục CSGT cũng đã từng đề xuất quy định cho phép người dân gửi đến những clip tự quay hoặc trích xuất qua camera hành trình ghi lại các phương tiện vi phạm.
Khi đó, Cục CSGT có cổng thông tin tiếp nhận toàn bộ thông tin đó để xác minh, xử lý. Nếu xử phạt được người vi phạm, người cung cấp sẽ được trả một phần trong số tiền đó. Tuy nhiên, đây chỉ là đề xuất và chưa triển khai chính thức", đại tá Nhật cho hay.
Trong khi đó, luật sư Hà Thị Khuyên (Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính) phân tích, theo quy định tại Luật Tố cáo, tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật (hành chính hoặc hình sự) của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Như vậy, có thể hiểu là khi cá nhân phát hiện hành vi vi phạm và tố cáo, người tiếp nhận nội dung tố cáo có trách nhiệm xử lý, giải quyết nội dung tố cáo nếu thuộc thẩm quyền hoặc chuyển đến cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
"Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong đời sống vừa là quyền và vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân", luật sư Khuyên nói và cho rằng, các địa phương nên kêu gọi người dân tích cực tham gia.
Với những tố cáo có căn cứ, cơ quan chức năng có thể dùng nhiều hình thức để khích lệ như khen thưởng, biểu dương thành tích. Tuy nhiên, không nên trả tiền cho việc làm này vì đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận