Ông Trần Văn Kế - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, sau sự cố đường sắt bị sạt lở nghiêm trọng tại Hà Tĩnh khiến các chuyến tàu đi qua bị tê liệt phải dừng chờ, ngay trong ngày 30 và ngày 31/10 đơn vị đã huy động hơn 100 cán bộ, công nhân cùng hỗ trợ để khắc phục.
Theo ông Kế, do mưa lớn, mặt khác điều kiện không gian thi công không thuận lợi nên đơn vị gặp nhiều khó khăn. Đến 16h30' ngày hôm nay (31/10) với sự nỗ lực của các lực lượng, các chuyến tàu Bắc - Nam đã thông tuyến, đảm bảo an toàn.
Ông Võ Trường Giang, Trưởng văn phòng Quản lý đường bộ II.3 - Khu Quản lý đường bộ II cho biết, do ảnh hưởng mưa lớn, tuyến quốc lộ 1A tại vị trí tứ nón cầu Kênh, cầu Thầu Dầu nhiều nơi bị xói lở, bung bật cùng bùn lẫn đất đá tràn lấp mặt đường.
Trên tuyến quốc lộ 8A, đất, đá sạt lở mái ta luy dương tại Km 79+400; Tuyến quốc lộ 12C bùn lẫn đất đá tràn lấp mặt đường 7 vị trí; Bùn lẫn đất đá bồi lấp rãnh dọc 13 vị trí.
Trên tuyến Hồ Chí Minh, vào lúc 10h00' ngày 30/10 tại Km 824+300 - Km 826+200 xảy ra ngập đường cục bộ, có điểm sâu 0.7m; Nước rút và thông xe lúc 18h20' ngày 30/10.
"Đến ngày hôm nay, do mưa ngớt các tuyến quốc lộ trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã thông tuyến đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông…", ông Giang nói.
Trên địa bàn huyện Hương Khê, do mưa lớn, huyện Hương Khê đã chủ động cho 54 trường học với 22.525 học sinh nghỉ học; Tại địa phương này, mưa lũ đã khiến 2 người đuối nước, 1 người mất tích.
Mưa lớn khiến 5.494 hộ dân ở huyện Hương Khê bị nước vào vườn, trong đó, 860 hộ nước vào nhà; 8 trường học, 16 hội quán thôn ngập nước, 1 bưu điện bị ngập nước; Đập Tắt ở xã Hòa Hải, dung tích 0,4 triệu m3 bị vỡ thân đập với chiều dài 15m, rộng 7m, gây xói lở đường giao thông, bồi lấp diện tích đất lúa hạ du.
Tới sáng 31/10, mưa lớn vẫn gây ngập nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống ở các xã: Hương Bình, Hương Đô, Điền Mỹ, Phúc Trạch, Hương Liên, Hương Lâm... khiến nhiều vùng dân cư vẫn đang bị cô lập.
Tại xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, toàn xã có 1.476 hộ, trong đó 151 hộ ngập sâu, 12 hộ bị sạt lở, 1 hộ sạt lở nặng.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, đến tận chiều nay 31/10, tại xóm 1 Điền Mỹ khu vực này vẫn bị biệt lập với xung quanh, các hộ dân muốn ra ngoài mua nhu yếu phẩm phải chèo thuyền.
Ông Trần Đăng Khoa (thôn 1 Điền Mỹ) thông tin, do các tuyến đường trong thôn vẫn bị ngập sâu trong nước nên chúng tôi dùng thuyền để đi lại. "So với những trận lụt vào năm 2007 và 2017, đợt lụt này nước lên nhanh, tuy nhiên do đã quen đối phó với thiên tai nên người dân ở đây đã chủ động cất trữ lương thực, đồ dùng để chủ động sống chung với lũ", ông Khoa nói.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Do ảnh hưởng mưa lớn, lũ trên sông lên nhanh. Mực nước trên sông lúc 7h ngày 31/10 tại các trạm thủy văn như Chu Lễ là 14,07m (trên báo động III là 0,07m); Hòa Duyệt là 9,44m (trên báo động II là 0,44m)...
Một số hồ chứa đã bắt đầu xả tràn từ 17h ngày 30/10, trong đó, hồ Sông Rác xả 50m3/s, hồ Kim Sơn xả 10m3/s, hồ Thượng Sông Trí xả 30m3/s và hồ Đá Hàn xả với lưu lượng 50m3/s. Nhà máy Thủy điện Hố Hô bắt đầu xả điều tiết lúc 1h ngày 30/10 và đang xả với lưu lượng 163m3/s. Hồ Bộc Nguyên bắt đầu xả tràn từ 8h sáng nay với lưu lượng xả qua tràn từ 10-50m3/s...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận