Hôm nay (6/10), Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) phối hợp với cơ quan chức năng 3 tỉnh/thành: TP.HCM, Gia Lai và Yên Bái tổ chức cuộc họp trực tuyến về dự án "Tuổi trẻ và những cung đường biết nói".
Dự án được phát động với mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ, hỗ trợ thanh, thiếu niên Việt Nam trong việc xác định và thông tin về tình trạng rủi ro, thiếu an toàn của cơ sở hạ tầng đường bộ tại Việt Nam đến cơ quan chức năng.
Cuộc họp trực tuyến giữa cơ quan chức năng TP.HCM, Gia Lai, Yên Bái với các tổ chức liên quan về dự án "Tuổi trẻ và những cung đường biết nói" trong sáng nay (6/10)
Theo bà Mirjam Sidik, Tổng giám đốc điều hành Quỹ AIP, những năm gần đây, công nghệ dữ liệu lớn đã và đang được sử dụng để cải thiện an toàn đường bộ bằng cách đưa ra những phân tích mang tính dự báo thông qua việc đánh giá các dữ liệu tồn tại trong thời gian dài nhằm xác định các điểm giao thông nguy hiểm.
Bản đồ những “điểm đen” này sẽ giúp các cơ quan chức năng chủ động đưa ra phương án phòng tránh nhiều tai nạn có thể xảy ra. Dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói” sẽ là dự án mở đường cho việc áp dụng công nghệ phục vụ các vấn đề về sức khỏe cộng đồng, là cơ hội ứng dụng dữ liệu lớn để tiếp cận và giải quyết các vấn đề trong an toàn đường bộ.
Bà Bùi Thị Hiếu, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Yên Bái cho rằng, việc sử dụng công nghệ trong tham gia giao thông, góp phần giúp người tham gia giao thông nói chung, học sinh sinh viên nói riêng tham gia giao thông an toàn là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của xã hội.
“Ứng dụng nhận diện “điểm đen” mất ATGT trên những cung đường triển khai trên địa bàn thành phố trong lĩnh vực ATGT sẽ góp phần thực hiện thành công Đề án “Xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025” với quan điểm lấy người dân làm gốc; sử dụng công nghệ một cách thông minh, mục tiêu hướng đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân”, bà Hiếu nói.
Trong khi đó, ông Saul Billingsley, Giám đốc điều hành từ Quỹ FIA cho biết, TNGT là một trong những nguyên nhân hàng đầu cướp đi mạng sống của người trẻ trong độ tuổi 5 - 29 trên toàn thế giới. Việc tạo ra một nền tảng dành cho thanh, thiếu niên để các bạn cất lên tiếng nói, kiến nghị thay đổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp cơ quan chức năng có dữ liệu để kịp thời đưa ra các phương án phòng tránh tai nạn có thể xảy ra.
Được biết, dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói sẽ được thực hiện thí điểm trên địa bàn TP.HCM, Gia Lai và Yên Bái với tầm nhìn mở rộng quy mô đến các vùng và các quốc gia khác.
Dự án sẽ được Quỹ Botnar, đơn vị chuyên về ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ số và Quỹ FIA tài trợ thực hiện trong 3 năm. Quỹ AIP cùng Chương trình đánh giá đường bộ Quốc tế (iRAP) và Công ty Anditi sẽ phát triển ứng dụng công nghệ theo chương trình, mục tiêu của dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận