Bài học lớn từ việc vượt ẩu
10h sáng ngày 18/2, tại Km48+200 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe ô tô 7 chỗ ngồi mang BKS 36A 485.67 va chạm với xe đầu kéo BKS 63C-136.59; hậu quả làm 3 người chết.
Bên cạnh sự xót xa dành cho những nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn, nhiều người cũng bày tỏ sự bất bình về hành vi vi phạm giao thông của tài xế Phan Đình Kiều (SN 1969, trú tại xã Đăk Blà, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) - người điều khiển xe ô tô con BKS 36A - 485.67.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu do xe ô tô con vượt bên phải rồi lại tạt sang trái, va vào đầu xe container dẫn đến tai nạn.
Chia sẻ về tình huống TNGT trên, ông Bùi Bộ (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và đào tạo sát hạch lái xe Hùng Vương) với khoảng 20 năm kinh nghiệm dạy lái xe cho biết, thông qua camera hành trình ghi lại vụ tai nạn, có thể thấy rõ tai nạn xảy ra là lỗi vi phạm của tài xế ô tô 7 chỗ.
Theo nhận định của ông Bộ, có hai trường hợp xảy ra dẫn đến vụ tai nạn này.
Thứ nhất, thời điểm xảy ra tai nạn, ô tô 7 chỗ lưu thông với tốc độ cao, không chú ý quan sát để hạ tốc độ dù có biển báo tốc độ giới hạn 60km/h khi xuất hiện làn dừng khẩn cấp bên phải đường cao tốc hai làn xe.
Tiếp đó, tài xế không giữ khoảng cách an toàn tối thiểu, thấy xe container phía trước đi chậm do xe tải trọng lớn nên vượt ẩu bên phải tại làn dừng khẩn cấp.
Khi đến Km48+200 - vị trí xảy ra tai nạn, phát hiện hết làn dừng khẩn cấp, tài xế xe 7 chỗ vội vàng đánh lái, lách vào làn trái thì xảy ra va chạm với xe container đi cùng chiều.
"Di chuyển với tốc độ cao xảy ra va chạm sẽ dẫn đến mất lái, lúc này, tài xế không thể xử lý được gì vì không còn làm chủ được tay lái, xe lao đi đâu biết đến đó. Trong tình huống này, có thể thấy, tài xế rất "non" kinh nghiệm lại vượt ẩu đã gây ra vụ việc đau lòng", ông Bộ nói.
Đối với trường hợp thứ hai theo nhận định của ông Bộ, có thể thời điểm xảy ra tai nạn, tài xế buồn ngủ, chỉ chừng 1-2 giây nhưng khi định thần lại đã thấy làn dừng khẩn cấp bên phải hết đường nên bị giật mình, loạng choạng tay lái dẫn đến va chạm với xe cùng chiều.
Video ghi lại vụ TNGT trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 3 người tử vong.
Trong khi đó, tài xế Đặng Đình Cường (lái xe của Công ty cổ phần thương mại du lịch và vận chuyển khách Tình Nghĩa, tài xế nhiều năm liền đoạt giải thưởng Vô lăng Vàng) cho rằng, vụ TNGT trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn xảy ra nguyên nhân do ý thức của tài xế xe 7 chỗ, không kiên nhẫn, kiên trì tuân thủ quy định pháp luật về giao thông khi lưu thông trên cao tốc, vượt ẩu tại vị trí không đảm bảo an toàn.
Đồng quan điểm, ông Bộ cho biết, lỗi của tài xế xe 7 chỗ rất nghiêm trọng, hiện nay, nhiều người bàn tán, cho rằng việc xây dựng cao tốc hai làn xe không đảm bảo an toàn dẫn đến TNGT.
"Tôi cho rằng đây là suy nghĩ không đúng, phiến diện và có tư tưởng đổ lỗi. Trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư phân kỳ là hợp lý.
Hồi mới đưa vào sử dụng giúp rút ngắn thời gian di chuyển, ai nấy đều tán dương, đường về nhà thênh thang không lo đoạn giao cắt, không lo làn hỗn hợp với xe máy, đèn đỏ trên các tuyến quốc lộ qua nội thị,… Nhưng khi xảy ra tai nạn liền đổ lỗi do hạ tầng", ông Bộ nói và cho biết, người tham gia giao thông cần tuân thủ quy định về pháp luật ATGT khi đi trên mỗi cung đường khác nhau.
Đối với cao tốc hai làn xe, khi di chuyển, ý thức của người lái xe cần phải được nâng cao hơn để đảm bảo an toàn.
Lái xe trên cao tốc hai làn xe thế nào để an toàn?
Theo ông Bộ, với cao tốc hai làn xe như tuyến Cam Lộ - La Sơn, nếu giữ khoảng cách an toàn tối thiểu theo khuyến cáo, dẫu tài xế đi với tốc độ cao nhất cho phép trên tuyến là 80km/h thì khi gặp sự cố bất ngờ hoàn toàn có thể phanh lại xử lý kịp thời mà không gây ra tai nạn.
"Đi đúng tốc độ cho phép, không vượt ẩu, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu theo quy định đối với các phương tiện đi cùng chiều là điều mà các tài xế cần ghi nhớ và luôn tuân thủ khi di chuyển trên cao tốc, đặc biệt với những cao tốc hai làn xe khi điều kiện về an toàn hạ tầng chưa được đảm bảo tuyệt đối", ông Bộ nói.
Đồng quan điểm, tài xế Đặng Đình Cường cho biết, tuy chưa di chuyển trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn nhưng ông đã di chuyển nhiều lần chở khách du lịch trên tuyến cao tốc QL45 – Mai Sơn, cũng là tuyến cao tốc hai làn xe, không có làn dừng khẩn cấp.
Các tuyến cao tốc này có điểm chung là rất ít vạch đứt để vượt xe, đa số là vạch liền, trong khi có nhiều đoạn đường dốc.
Khi di chuyển trên các tuyến cao tốc này, gặp xe phía trước là xe container, xe đầu kéo, các xe có tải trọng lớn thường họ phải di chuyển chậm, "bò" trên đường. Lúc này, các tài xế di chuyển cùng chiều phía sau cần giữ được tính kỷ luật của người lái xe, kiên nhẫn "bò" phía sau và giữa khoảng cách an toàn.
"Tuyệt đối không được vượt tại đoạn đường có vạch liền mà kiên nhẫn chờ đến đoạn đường có vạch đứt, chú ý quan sát đến khi cảm thấy an toàn mới được vượt để đảm bảo an toàn. Nếu vượt ẩu, việc xảy ra TNGT rất dễ xảy ra và hậu quả để lại rất lớn", ông Cường chia sẻ.
Về vấn đề này, mới đây, Cục CSGT cũng có khuyến cáo dành cho các tài xế điều khiển ô tô lưu thông trên các tuyến cao tốc, đề nghị phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật trật tự an toàn giao thông, mà cụ thể là các quy định tại Điều 26 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về quy tắc giao thông trên đường cao tốc.
Cụ thể, người lái xe khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài.
Nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc.
Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc.
Đáng chú ý, tài xế không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường; không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.
Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu.
Tài xế cũng cần lưu ý chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định. Trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
Cũng theo Cục CSGT, tốc độ của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc không vượt quá 120km/h.
Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường, người lái xe phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo.
Khi mặt đường khô ráo, phương tiện lưu thông với tốc độ đến 60 km/h thì đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu là 30m; tốc độ trên 60 km/h đến 80 km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 50m; tốc độ trên 80 km/h đến 100 km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m; tốc độ trên 100 km/h đến 120 km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 90m.
Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận