Khi gặp các loại xe dùng quyền ưu tiên đang đi ngược chiều, tài xế ô tô cần xử lý tình huống thế nào cho an toàn? |
Sau vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hôm 18/3, nhiều độc giả thắc mắc, việc xe cứu hỏa chạy từ đường nối vào cao tốc rồi chạy thẳng sang bên kia đường là đúng hay sai? Ngoài ra, trong trường hợp gặp các loại xe ưu tiên đang đi ngược chiều để thực hiện công vụ thì tài xế xe ô tô cá nhân cần thực hiện những nguyên tắc, cách xử lý thế nào để đảm bảo an toàn giao thông.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tống Thuận, giáo viên Trung Tâm Dạy Nghề và Sát Hạch Lái Xe Đông Đô cho biết: "Dưới góc độ là giáo viên đào tạo lái xe lâu năm, tôi đánh giá tay lái của tài xế xe cứu hỏa khá non, mặc dù xe có tín hiệu cảnh báo và còi ưu tiên. Tuy nhiên, khi xe đã vào đường cao tốc, nơi có các phương tiện lưu thông với tốc độ cao, việc đầu tiên người tài xế cần phải làm là điều khiển ô tô sát vào lề bên trái trong cùng!".
Ông Thuận cũng nhấn mạnh hành động đi thẳng sang đường như vậy là không được phép bởi lúc đó trời đang mưa, đường trơn trượt, tầm nhìn bị hạn chế nên sẽ gây khó khăn trong việc xử lý cho các phương tiện khác đang đi nhanh trên cao tốc.
Về câu hỏi tài xế ô tô cá nhân cần xử lý thế nào trong các tình huống gặp xe đang thực hiện quyền ưu tiên lưu thông trên đường, ông Vũ Tuấn N. (Trung tâm đào tạo lái xe H.K) cho hay, khi gặp các loại xe ưu tiên trên đường dù đang đi đúng chiều hay ngược chiều, tài xế lái ô tô cá nhân cần chú ý quan sát từ xa, lắng nghe tín hiệu cảnh báo và chủ động giảm tốc độ, tìm hướng đi thích hợp để nhường đường tránh gây ra cản trở, va chạm.
"Dù là đường thông thường hay đường cao tốc thì mọi tài xế khi gặp tình huống nhạy cảm như trên đều phải chủ động giảm tốc độ, đi sát vào một bên và nhường đường cho xe ưu tiên đi qua. Ngay khi học lái xe, mỗi người đều được trang bị kiến thức về cách quan sát, khoảng cách di chuyển giữa các xe và chuyển hướng thế nào cho đúng và an toàn!" - ông N. nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông N. cũng cho biết thêm, kể cả trên tuyến đường có làn đường phân biệt cho từng loại xe rõ ràng, nhưng khi gặp tình huống khẩn cấp bắt buộc phải nhường đường cho xe ưu tiên, các xe ô tô vẫn có thể nhập sang làn (không đúng loại ô tô của mình) rồi sau đó nhanh chóng nhập về lại làn của mình một cách an toàn sau khi xe ưu tiên đã đi qua.
Cũng theo đại diện của Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe T.C, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Các loại và thứ tự xe ưu tiên tại Việt Nam Theo khoản 1, điều 22 của Luật Giao thông đường bộ. Có các 5 loại xe ưu tiên, cụ thể như sau: 1. Xe chữa cháy đang trên đường làm nhiệm vụ. 2. Xe công an, xe quân sự đang trên đường đi làm nhiệm vụ khẩn cấp được giao, các đoàn xe mà có cảnh sát dẫn đường. 3. Xe cứu thương đang đưa bệnh nhân đi cấp cứu, đang làm nhiệm vụ. 4. Xe hộ đê, xe khắc phục sự cố thiên tai, lũ lụt…xe đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. 5. Xe tang, đoàn xe tang. Quyền và nghĩa vụ của các xe ưu tiên Các phương tiện được ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ phải có cờ, đèn, còi theo đúng quy định và được phép vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều, các đường cấm và đường khác, không yêu cầu về tốc độ mà chỉ tuân thủ chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Quy định về xử phạt Theo quy định mới nhất về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ được quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi không nhường đường cho các loại xe ưu tiên khi đang đi làm nhiệm vụ được quy định rất chặt chẽ. Đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô, mức phạt sẽ từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, được quy định tại Điểm d, Khoản 6, Điều 5. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi trên còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng, được quy định tại Điểm b, Khoản 12, Điều 5. |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận