Đơn vị quản lý đường bộ đang hot đất, đá trên các tuyến đường bị sạt ta luy dương |
Ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 nên những ngày qua đã xảy ra mưa lũ và sạt lở đất lở các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa . Nhiều tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ bị tê liệt do nước làm ngập, sạt ta luy dương và ta luy âm gây ách tắc giao thông.
Ghi nhận trên tuyến QL16 ở các Km43 (đoạn qua xã Trung Lý, huyện Mường Lát); Km64+200, Km64+530 (đoạn qua xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa), Km74+200 (đoạn qua xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn), Km143+300, Km146+900 (xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh)… hàng nghìn khối đất, đá ở trên cao sạt xuống, tràn ra đường gây ách tắc giao thông. Tương tự, trên tuyến QL217, huyện Quan Sơn xảy ra sạt lở với khối lượng khoảng 8.000m3; đoạn qua cầu Mùn ở Km92+709 (thuộc thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước) nước ngập sâu 1,2m khiến giao thông bị tê liệt.
Đoàn công tác của Sở GTVT Thanh Hóa đang kiểm tra thực tế tình hình sạt lở trên các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ |
Do khối lượng sạt lở lớn trên 2 tuyến đường, Công ty CP quản lý đường bộ 2 Thanh Hóa phải điều nhiều đội thi công, phân ca làm việc suốt ngày đêm để hót dọn đất, đá bị sạt; dựng rào chắn các điểm sạt ở taluy âm và ngập nước.
Gần 1 tuần lễ bám trụ trên tuyến QL16, anh Nguyễn Văn Cường (cán bộ kỹ thuật) đang tích cực chỉ đạo anh em vận chuyển nhanh số lượng đất, đá bị sạt cho hay: “Cứ hễ mưa bão là trên các huyện miền núi lại xảy ra sạt lở. Mấy anh em chúng tôi lúc nào cũng phải trực chiến 24/24h ở công trường. Với phương châm nhanh, an toàn nên tất cả anh em chúng tôi đều nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Có những hôm làm xuyên đêm để thông tuyến trong thời gian sớm nhất. Hiện các tuyến đều đã thông bước 1, nhưng khối lượng đất đá phủ lấp mặt đường vẫn còn nhiều, trong những ngày tới chúng tôi sẽ tập trung làm nốt".
Ở trên tuyến QL217 đoạn qua các xã: Nhi Sơn và Trung Lý, huyện Mường Lát, Sở GTVT Thanh Hóa cũng đang yêu cầu Công ty cổ phần quản lý đường bộ 2 Thanh Hóa điều động thêm máy xúc và xe vận chuyển để xử lý 1.500m3 đất sạt mặt đường.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Văn Dựng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quản lý đường bộ 2 Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi đã huy động hơn 100 cán bộ công nhân viên cùng với 26 xe tải, máy xúc dải dọc các điểm sạt lở để dọn dẹp cây cối, đất đá, thông cống rãnh ở ta luy dương và dựng rào chắn cảnh báo ở ta luy âm. Lúc nào trên tuyến cũng có người túc trực để xử lý khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.
Được biết, ngay sau khi mưa lũ diễn ra, Sở GTVT đã thành lập các đoàn công tác phối hợp UBND các huyện nơi có tuyến đường đi qua cùng đơn vị quản lý đường bộ, đơn vị tư vấn đi hiện trường kiểm tra, xác định cụ thể các vị trí, khối lượng sạt lở taluy gây ách tắc, các hư hỏng kết cấu công trình giao thông để chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ xử lý, đảm bảo giao thông.
Cảnh báo tại đường tràn bị ngập nước |
Ông Nguyễn Văn Khiên - Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: Để đảm giao thông thông suốt và an toàn trên các tuyến Quốc lộ, Sở GTVT đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN xem xét bố trí kinh phí khắc phục đảm bảo giao thông bước 1 trên các tuyến: QL15C, QL16, QL47, QL217, với kinh phí khoảng 23 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí để tỉnh khắc phục đảm bảo giao thông bước 1 trên các tuyến đường tỉnh, đường Tuần tra biên giới với tổng kinh phí ước tính khoảng 42 tỷ đồng.
Được biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, các tuyến QL15, 15C, 217, 16, 47, 217B và đường tỉnh lộ, đường tuần tra biên giới sạt lở 163.700 m3 đất, đá, gây hư hỏng 66.100 m3 mặt đường, rãnh dọc bị hư hỏng sa bồi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận