Tình huống giao thông trong đoạn camera hành trình dưới đây được ghi lại vào khoảng 15h22' ngày 7/8 vừa qua. Vào thời điểm ấy, khi chạy tới đoạn đường giao cắt với đường tàu, tài xế ô tô 4 chỗ đã có quyết định khiến nhiều phương tiện lưu thông phía sau bị "choáng". Người này đã cố tình nhấn ga, cho ô tô lách qua khoảng trống hẹp giữa hai thanh chắn để vượt qua đường tàu, bất chấp mọi cảnh báo, nguy hiểm.
Không chỉ có một mình tài xế ô tô 4 chỗ "cố chấp", trong đoạn camera hành trình còn ghi nhận nhiều người điều khiển xe máy thản nhiên vượt qua đường tàu khi thanh chắn đã hạ xuống. Hành động của họ khiến số đông không khỏi bất bình.
"Đây là cái ý thức thôi... Thanh chắn tàu đã hạ rồi, mấy phút quan trọng hay mạng sống của bạn quan trọng?", tài khoản Hoàng Nhã bình luận.
"Nhanh chậm gì vài phút thế bác tài ơi? Bao nhiêu vụ tai nạn đường sắt đã xảy ra vì hành động này rồi? Lần này tài xế may mắn vượt qua, nhưng nếu vẫn còn giữ thái độ như vậy trên mọi cung đường sau này thì may mắn sẽ không thể theo bạn mãi được", tài khoản Lan Minh bình luận.
"Cứ lắp camera phạt nguội. Đánh thẳng vào túi tiền cho nhanh, túi tiền sẽ giúp những người đó có ý thức", tài khoản Minh Hiếu bình luận.
Nguồn clip:OFFB
Người vượt rào chắn đường sắt có thể bị phạt tiền và buộc ra khỏi đường sắt, cầu, hầm dành riêng cho đường sắt, mức phạt tiền đối với cá nhân hiện nay là từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Các điều khoản được quy định cụ thể như sau:
Theo khoản 1 Điều 49 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt như sau:
“1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên đường sắt, trong cầu, hầm dành riêng cho đường sắt, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ;
b) Vượt tường rào, hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với khu vực xung quanh;
c) Để súc vật đi qua đường sắt không đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển;
d) Đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên nóc toa xe, đầu máy, bậc lên xuống toa xe; đu bám, đứng, ngồi hai bên thành toa xe, đầu máy, nơi nối giữa các toa xe, đầu máy; mở cửa lên, xuống tàu, đưa đầu, tay, chân và vật khác ra ngoài thành toa xe khi tàu đang chạy, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ;
đ) Phơi rơm, rạ, nông sản, để các vật phẩm khác trên đường sắt hoặc các công trình đường sắt khác;
e) Để rơi vãi đất, cát, các loại vật tư, vật liệu khác lên đường sắt”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận