Trong vai chủ xe, PV Báo Giao thông đã thâm nhập lò độ chế, cơi nới thành thùng xe để chở vật liệu xây dựng quá tải, gây mất trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Ông Ng., chủ gara “quảng cáo” với phóng viên về những thùng xe đầu kéo đang “phẫu thuật” tại xưởng
Lộ diện lò độ chế thùng xe
Những ngày cuối tháng 3, PV bám theo dàn xe đầu kéo (dán logo Hoàng Giang) hành trình từ Đắk Lắk đi tỉnh Gia Lai lấy cát.
Theo ghi nhận, tại mỏ cát nằm trên dòng sông Ba (thuộc xã Chư Gu, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), những chiếc xe chở cát cao có ngọn ì ạch rời bãi, di chuyển ra QL25 rồi chạy thẳng về đường Trường Sơn Đông, lên QL29 (thuộc tỉnh Phú Yên).
Từ đây, các xe tiếp tục chạy theo hướng QL29 về tỉnh Đắk Lắk, qua địa phận các huyện M’drắk, Ea Kar, Krông Năng, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ, đưa cát về tập kết tại thôn 9 (xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) để tiêu thụ.
Tại Km 1.729, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Krông Búk), khi chiếc xe đầu kéo BKS 47C - 106.46 (dán logo Hoàng Giang) đang di chuyển gần đến nơi tập kết, PV đã báo cho tổ TTKS của Trạm CSGT Krông Búk (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk) dừng kiểm tra.
Kết quả kiểm tra cho thấy, chiếc xe chở quá tải 188,62%, thành thùng cơi nới cao 0,3m (3,8/3,5m). Những ngày đeo bám hoạt động của xe quá tải, PV đã nghe nói rất nhiều về một lò độ chế thành thùng xe tải có tiếng ở khu vực này.
Chạm mặt “ông trùm”
Ông Ng. khoe những chiếc xe H.G. được cơi nới thành thùng, nối đuôi để chở quá tải
Sau những ngày “ăn dầm nằm dề” với cánh lái xe trên địa bàn Đắk Lắk, PV được một tài xế dẫn làm quen với chủ xe chuyên đi độ chế thành thùng để chở vật liệu xây dựng quá tải.
Tuy nhiên, do năm 2021, lực lượng TTGT, CSGT làm “gắt”, những chiếc xe của ông buộc phải cắt bỏ thùng và ông cũng “giải nghệ” từ đó.
Ngồi đối diện PV, người đàn ông này không ngần ngại chia sẻ: “Ở Đắk Lắk, gara ông Ng. độ chế thành thùng nổi tiếng nhất, cơi nới đảm bảo như mới. Xe mua về, đăng kiểm xong, bỏ ra vài chục triệu đưa vào chỗ ông Ng., họ xẻ thùng cơi thêm như mới. Trên đường không cân, không đo cứ thế mà chạy, ai biết”.
Nói xong, người đàn ông này mách cách để PV vào “lò” không bị chủ gara nghi ngờ. Ông kể tên một vài chủ xe từng đưa xe vào lò độ chế trên để làm “mật khẩu”. Khi đến đó, chủ gara hỏi ai giới thiệu thì chỉ cần nói dân xe giới thiệu đến, nếu chủ gara “test” kĩ thì đọc tên vài chủ xe từng làm ở đây là “êm” ngay.
Theo lời người đàn ông trên, PV tìm đến gara Ng. tại buôn Ea Nao B, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Gara nằm bên đường và luôn “kín cổng cao tường”, chỉ để hở một khoảng nhỏ, vừa lọt người đi vào, bên trong nhiều tiếng động vọng ra nghe chát chúa.
Bước vào bên trong, khoảng không gian rộng vài trăm m2, nhiều phương tiện xếp hàng, đang cơi thùng. Tại đây, ông Ng., khoảng 40 tuổi, quần áo lấm lem dầu nhớt, bỏ dở công việc ra tiếp PV.
Thấy khách lạ, ông Ng. giọng dè chừng: “Anh ở đâu? Ai giới thiệu anh đến đây? Xe anh loại gì?”.
PV giới thiệu nhà ở Đắk Nông và đáp lời ngay: “Anh em xe ben giới thiệu, em có mấy chiếc đầu kéo định nối thêm để chở cát”. Sau đó, PV đọc tên một vài chủ xe Đắk Nông, Đắk Lắk là “mối” của ông nên được tin tưởng và ông tiếp chuyện rôm rả.
Tận thấy lò độ chế
Xưởng của ông Ng. chuyên “sản xuất” xe cơi nới
Ông Ng. dẫn PV ra hai thùng xe đầu kéo đang cơi thùng dang dở và nói: “Chiếc này đời cũ (biển số Đắk Lắk - PV), thùng ngắn nên phải vừa nối đuôi, vừa nối cao. Còn chiếc này thùng mới, thùng này nối cao, nối đuôi ra 35cm.
Chiếc này của xe H.G., xưa giờ nó làm ở đây. Tôi làm cho H.G. gần hai chục năm nay. Dàn xe mỏ cát ở đây tôi làm hết, tận Bình Phước cũng kéo lên tôi làm”.
Nói xong, ông Ng. mở điện thoại đưa hình cho chúng tôi xem những chiếc xe H.G. từng qua tay ông “phẫu thuật”. Những chiếc xe cơi nới thùng cao ngút mà chúng tôi chưa từng nhìn thấy.
Ông Ng. tay vừa lướt màn hình vừa nói: “H.G. nó nối cỡ này luôn nè, nối cao bằng bàn thờ (phần đầu của thùng xe - PV). Nó làm thùng chở quá tải nên thùng luôn phải gia cố thêm trụ sắt. Ông này (H.G.) chở bốn mấy (khối - PV) nên mua toàn đầu máy lớn mới chạy nổi. Vừa rồi, nó mới bị “đập” biên bản một cái đó. Nhưng không chở cỡ đó thì đâu đủ tiền “chung chi” trên đường”.
Sau khi nghe ông Ng. “quảng cáo”, PV hỏi: “Chi phí nối thùng đầu kéo bao nhiêu. Bao nhiêu ngày thì giao ra xe được?”.
Đưa tay chỉ về hai chiếc xe đang nối thùng dở dang, ông Ng. giải thích: “Sắt thì không bao nhiêu nhưng công mới nhiều, công “gò” để vào được mấy cái trụ gia cố thùng rất lâu. Thùng nối phải dô (thêm) trụ chứ không khi ben hàng xuống nó banh thùng ngay.
Nối cao không thì không bao nhiêu, cỡ 20 triệu đổ lại, nối đuôi hết 15 triệu nữa. Nhiều người nối có khối (m3) thôi, như thằng A., nó nối có 10cm thôi, bạt thêm 25cm.
Còn một ông ở dưới huyện Ea H’leo chuyên chạy cát tuyến Ea H’leo, Gia Lai, Buôn Hồ, mua lần 3 cái thùng Doosung về nối gần 40cm luôn. Nối xong ổng làm bạt (ngụy trang - PV) chở 42 khối”.
Lúc này, PV nhờ ông Ng. cơi giúp hai thùng xe đầu kéo. Ông Ng. nói: “Thời gian làm phải mất 15 ngày. Làm mà hối thì không dám nhận, cho thời gian nửa tháng mới dám nhận.
Muốn làm đẹp, thợ sơn nó mài, trét rồi sơn phải mất 3 ngày, không bao giờ thằng nào dám nhận sớm hơn hết. Còn thời gian tôi làm nữa, chứ vội không bao giờ làm đẹp được. Anh xem mùa nào rảnh, mang từng chiếc đến nối, chứ nối mà vội thì không đẹp được”.
Xe đầu kéo dán logo Hoàng Giang chở cát quá tải 188,62%, thành thùng cơi nới cao 0,3m
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Thủ, Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết, lực lượng chức năng không thể xử lý việc gara độ chế, cơi nới thành thùng tại xưởng.
“Chỉ khi xe chạy ra đường, lực lượng TTGT phát hiện thì mới xử lý được. Hoặc quá trình đăng kiểm, Trung tâm đăng kiểm phát hiện sẽ không kiểm định”, ông Thủ nói và cho biết, từ ngày 1/1/2021 - 17/4/2022, TTGT tỉnh phát hiện xử phạt vi phạm 186 trường hợp với các lỗi chở hàng quá tải, cơi nới thành thùng, phạt tiền hơn 1,5 tỷ đồng, tước GPLX 38 trường hợp.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Sỹ Tuấn, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 4701D cho biết, thời gian qua, khi xe đến đăng kiểm, trung tâm phát hiện một số xe vi phạm cơi nới thành thùng.
Sau đó, trung tâm đã yêu cầu cắt bỏ, trả về thùng theo thiết kế mới được đăng kiểm.
Tuy nhiên, số trường hợp vi phạm không nhiều, vì chủ xe biết rõ quy định. Hầu hết chủ xe đã cắt bỏ trước khi đến đăng kiểm.
“Toàn bộ xe cơi nới gặp trên đường, thường đi đăng kiểm rồi mới về cơi nới. Bởi vì, thời gian đăng kiểm chu kì đầu đối với xe tải là 2 năm, chu kì thứ hai là 1 năm”, ông Tuấn khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận