Từ phản ánh của bạn đọc, những ngày cuối tháng 4/2024, PV Báo Giao thông có mặt tại công trường dự án cải tạo, nâng cấp ĐH11 (từ quốc lộ 10 đến UBND xã Tam Quang, huyện Vũ Thư) và ghi nhận, công trình ngổn ngang vật liệu, nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).
Tại nhiều vị trí, rãnh thoát nước đã thi công xong nhưng cột điện vẫn chưa được di dời, vật liệu, máy móc thi công công trình, cống hộp bê tông vẫn để ngổn ngang trên đường, không được rào chắn bằng cọc tiêu, dây phản quang cảnh báo nguy hiểm...
Tuyến đường vừa thi công vừa khai thác nhưng trên toàn tuyến chỉ có hai tấm biển cảnh báo công trình đang thi công ở đầu và cuối tuyến; Không có biển báo thông tin công trình để người dân giám sát; Thiếu biển cảnh báo, rào chắn tại vị trí thi công; không đèn tín hiệu cảnh báo ban đêm; Không có người cảnh giới hướng dẫn giao thông...
Đất thải công trình được nhà thầu sử dụng mở rộng mặt đường, lề đường, ụ cống bê tông, vật liệu, máy móc công trình ngổn ngang khiến người và phương tiện tham gia giao thông gặp khó khăn.
Theo tìm hiểu, dự án cải tạo, nâng cấp ĐH11 huyện Vũ Thư có tổng chiều dài trên 1,4km, điểm đầu giao với quốc lộ 10 tại Km 95+280, điểm cuối giao với đường trục xã tại UBND xã Tam Quang. Chủ dự án là Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng huyện Vũ Thư, nhà thầu là Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Thành An, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 27 tỷ đồng.
Ông Vũ Tiến Thành, Chủ tịch xã Tam Quang xác nhận, quá trình thi công dự án cải tạo, nâng cấp ĐH11, nhà thầu thi công để vật liệu ngổn ngang, đường rất trơn trượt, thi công dàn trải, các điểm chênh cao giữa mặt đường cũ và nền đường mới nên gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
"Sau phản ánh của PV Báo Giao thông, phía xã sẽ báo lại Ban Quản lý dự án huyện để chấn chỉnh nhà thầu", ông Thành cho biết.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Xuân Quỳnh, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Vũ Thư cho biết, trong quá trình lập dự toán dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐH.11 (quốc lộ 10 đến UBND xã Tam Quang), Ban QLDA huyện có đưa việc tận dụng đất thải của công trình cũ để tái sử dụng vào dự án. Do đó có thể nhà thầu đã sử dụng đất thải công trình để đắp nền đường và mở rộng mặt đường.
"Việc tái sử dụng đất thải công trình là để tiết kiệm ngân sách, tránh lãng phí. Còn về việc nhà thầu thi công không đảm bảo về ATGT, chúng tôi sẽ làm việc với nhà thầu để giám sát, đôn đốc, chấn chỉnh", ông Quỳnh cho biết.
Tuy nhiên, sau phản ánh của PV Báo Giao thông, những ngày đầu tháng 5/2024, PV Báo Giao thông quay trở lại và ghi nhận công trình này vẫn ngổn ngang, nhếch nhác và mất ATGT.
Một số hình ảnh ghi nhận ngày 2/5 tại dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐH11 qua xã Tam Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận