“Ngụy trang” taxi để… chặt chém
Ngày 22/3, PV Báo Giao thông trực tiếp ngồi trên chiếc xe ô tô 4 chỗ BKS 14A-144.xx gắn mào “Hotel Hạ Long”, không có phù hiệu taxi, dọc thân xe không dán tên hãng và không sơn màu phân loại dịch vụ vận tải taxi theo quy định của Sở GTVT Quảng Ninh. Quãng đường chừng 7km từ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đến Bến xe Bãi Cháy (TP Hạ Long) được tài xế tên Q. “chém ngọt” 120.000 đồng (tương đương 17.000 đồng/km). Trong khi, giá cước của phần lớn taxi chính hãng của địa phương này chỉ dao động từ 9-11.000 đồng/km.
Tài xế Q. cho biết, những năm trước, xe ô tô của anh để mào “taxi” trên nóc xe và thường xuyên bị lực lượng phạt, có lúc mức phạt lên đến gần 10 triệu đồng về các lỗi taxi dù. Tuy nhiên, sau khi học hỏi kinh nghiệm của “đồng nghiệp” bằng cách đổi tên mào từ “taxi” sang “Hotel Hạ Long”, hơn một năm nay anh chưa bị xử phạt. “Ở đây, nhiều xe lắp mào như thế này lắm”, anh Q. nói.
Mặc dù là taxi dù, nhưng các xe này đều được trang bị đồng hồ tính tiền hoặc có lắp đàm tượng trưng để khách tin tưởng. Nhưng giá cước lại được thương lượng bằng miệng, thường cao hơn so với taxi chính thống vì chỉ cần “thuận mua, vừa bán”, hành khách sẽ mở cửa đi luôn chứ không phải gọi điện và chờ đợi xe taxi chính hãng.
Theo phản ánh của Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Ninh, thời gian gần đây tại nhiều khu vực của tỉnh như TP Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả… xuất hiện nhiều xe taxi dù, phần lớn là xe cá nhân, chủ yếu hoạt động đón khách ở các khu vực đông người như ngã tư Loong Toòng, bến xe Bãi Cháy, cổng khách sạn, trường học (TP Hạ Long); chợ Quang Trung, Bệnh viện Thụy Điển - Uông Bí (TP Uông Bí)... Hình thức nhận diện taxi dù cũng không giống nhau, có xe không gắn mào, dán tem mác, bề ngoài hoàn toàn giống như xe cá nhân bình thường. Nhưng phần lớn loại xe này sẽ gắn mào trên nóc xe, có ghi số điện thoại cá nhân để giả taxi chính hãng đón trả khách. Khi có khách lên xe, tài xế nhanh tay tháo mào xuống và dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng.
“Chúng tôi đã có công văn kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh có biện pháp quản lý hoạt động taxi dù. Hiện số lượng taxi dù đang tăng lên hàng ngày, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước xử lý để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, không làm xấu đi hình ảnh tỉnh Quảng Ninh trong mắt khách du lịch”, ông Lê Như Toản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Quảng Ninh cho biết.
Cảnh sát điều tra sẽ xử lý?
Bên cạnh hoạt động taxi dù, các xe hợp đồng đội lốt xe khách tuyến cố định cũng hoạt động ngày một bát nháo. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có đến 1.500 xe hợp đồng du lịch loại Limousine 7 - 9 chỗ đội lốt xe khách cố định. Trong đó, các xe do Sở GTVT Quảng Ninh cấp phép chưa đến 200 xe, còn lại là xe do các địa phương khác cấp phép.
Ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, để xử lý triệt để tình trạng này, ngoài việc đóng giả khách hàng, Sở GTVT sẽ cùng các ngành chức năng triển khai kế hoạch kiểm tra tại các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải khách từ ngày 20/3 đến hết tháng 6/2019. Trong đó, tập trung chấn chỉnh tình trạng tiếp tay cho taxi dù hoạt động; tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép, kiểm soát chặt việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các địa bàn trọng điểm tập trung đông xe taxi thường đón đợi khách và tuyên truyền để người dân nhận biết, không sử dụng taxi dù để đảm bảo quyền lợi...
Từ đầu năm 2018 đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã xử lý 357 vụ, tước giấy phép lái xe 10 trường hợp taxi dù. Hiện Quảng Ninh đã lắp camera tại 3 điểm ở Đông Triều, Móng Cái, TP Hạ Long để giám sát và xử hoạt động đón, trả khách trên đường và xử lý nghiêm các vi phạm giao thông.
“Do các chế tài quản lý còn nhiều bất cập nên công tác thanh kiểm tra thời gian qua gần như bất lực với loại hình này. Chúng tôi sẽ phối hợp với ngành thuế và cảnh sát điều tra để kiểm tra việc trốn thuế đối với các xe bị bắt quả tang. Nếu mức độ nghiêm trọng sẽ đề nghị khởi tố vụ việc. Các xe ngoại tỉnh thì sẽ xử lý và gửi kết quả về tỉnh đó”, ông Bùi Hồng Minh cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận