Trong cuộc họp báo về thực trạng xe buýt trên địa bàn TP. HCM mới đây, trả lời các câu hỏi của nhiều phóng viên về tác dụng của thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trong quản lý, điều hành xe buýt, lãnh đạo Sở GTVT TP đã thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập.
Việc phát hiện và xử lý nhiều xe buýt sai phạm hiện nay chủ yếu dựa vào phản ánh của người dân và báo chí |
Trước những thắc mắc của nhiều PV về tình trạng số vụ TNGT liên quan đến xe buýt đang có chiều hướng “nóng” lên. Cụ thể như, theo số liệu của Sở GTVT TP, năm 2013 đã xảy ra 62 vụ và từ đầu năm đến nay là 11 vụ TNGT liên quan đến xe buýt. Bên cạnh đó, là việc mỗi ngày hơn 3.000 buýt thành phố đưa đón khách với khoảng 17.000 lượt; trong đó có rất nhiều trường hợp tài xế xe buýt đua nhau phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ nhưng con số xử lý vi phạm còn quá “khiêm tốn”… Thiết bị GSHT phải chăng chưa thể phát huy tác dụng giám sát, ngăn ngừa?
Ông Dương Hồng Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT thừa nhận, hiện thiết bị GSHT lắp trên các xe buýt tại TP. HCM mới chỉ định vị, kiểm soát tốc độ chứ không thể xác định được xe buýt đó đậu sai lề đường, di chuyển ở làn nào. “Trường hợp vượt đèn đỏ thì hầu như không thể xử lý vì thiếu cập nhật trong bản đồ số; không thể dựa vào thiết bị GSHT mà cách tốt nhất là trong thời gian tới sẽ tập trung lực lượng ở các ngã tư, những “điểm đen” theo sự phản ánh của nhân dân, báo chí để xử lý các sai phạm” – ông Thanh cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT TP, thiết bị này chỉ phạt nguội được các hành vi vi phạm như chạy quá tốc độ, không đóng cửa khi chạy, không chạy đúng lộ trình, còn việc xác định xe đậu xa lề đường vừa chạy vừa để khách lên, xuống thì không thể dùng thiết bị GSHT xác định được. Thực sự hiện nay, hệ thống thiết bị GSHT không thể làm mọi việc để giám sát xe buýt được.
Trước thông tin xe buýt Sài Gòn sắp triển khai gắn camera, cụ thể mỗi xe gắn 3 camera gồm vị trí ngoài xe, 2 cái ở trong xe vừa để quan sát tài xế vừa để quan sát toàn cảnh trên xe. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng có kinh phí để làm điều này. Sở GTVT biết rõ việc này cần làm nhưng không thể bởi khó khăn từ ngân sách. Sở GTVT vẫn đang chờ một gói tín dụng để triển khai và đồng thời sẽ triển khai công nghệ thông tin trên toàn hệ thống xe buýt; đồng thời, xây dựng trung tâm điều khiển chung trên toàn TP. Qua đó sẽ tích hợp các hệ thống lại để liên kết chặt chẽ với nhau. Như việc sử dụng cổng cho camera và cổng cho thẻ thông minh...
Ông Lê Hải Phong – Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải HKCC TP. HCM cho biết, năm 2013, trên toàn địa bàn xử phạt 466 trường hợp xe buýt phóng nhanh, chạy quá tốc độ và 46 trường hợp chạy sai lộ trình. Con số này còn quá khiêm tốn so với mức độ và tần suất vi phạm của rất nhiều xe buýt TP? Ngoài ra, chưa thể ghi nhận bất cứ lỗi gì từ xe buýt. Còn về các vi phạm vượt đèn đỏ hay lạng lách trên đường… ông Phong nhìn nhận, rất khó có thể kiểm soát từ thiết bị GSHT.
Cũng theo ông Lê Hải Phong, việc xác định xe buýt lạng lách và vượt ẩu rất khó nếu chỉ áp dụng mỗi thiết bị GSHT. Hiện nay, trên TP có trên 200 camera được lắp đặt trên các tuyến đường, nếu được kết nối vào mới kiểm tra được, còn bây giờ thì phải dựa vào sự phản ánh của người dân, thiết bị GSHT không thể giám sát được.
Vấn đề đặt ra là, cho đến thời điểm này, dù TP đã tích cực trang bị tương đối đầy đủ thiết bị GSHT nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao. Dẫn chứng từ hàng loạt vụ TNGT và sai phạm của rất nhiều tuyến, nhiều chuyến buýt… nhưng chủ yếu lại được phản ánh từ người dân và qua báo chí (?!).
Mai Văn Huyên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận