Kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm vi phạm
Trung tuần tháng 11, liên ngành Cục Đường thủy nội địa VN, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm VN do Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Tống Hoàng Kha làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra bến vật liệu xây dựng Bảy Lá trên sông Năm Thôn (Tiền Giang)
Tại Tiền Giang kiểm tra bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên tuyến kênh 28; bến vật liệu xây dựng Bảy Lá trên sông Năm Thôn; bến vật liệu xây dựng Út Bướm trên rạch Mù U; cảng du thuyền Mỹ Tho trên tuyến sông Tiền...
Tại Bến Tre, kiểm tra bến Phà Tân Phú; nhà hàng nổi TTC Bến Tre; bến thủy nội địa OASIA; vị trí thi công cầu Rạch Vong, sông Bến Tre... Tại Đồng Tháp, kiểm tra bến khách ngang sông Doi Lửa, bến phà Sa Đéc - Bình Thạnh; bến khách ngang sông Bà Dư - Bình Mỹ A- Bình Hưng; bến thủy nội địa trên sông Cái Nhỏ.
Đoàn đã làm việc với Ban ATGT, Sở GTVT, Công an các các tỉnh, tiếp nhận thông tin về thực trạng, những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, đảm bảo TTATGT đường thủy. Đồng thời giải đáp các kiến nghị, vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác quản lý và bảo đảm ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn các tỉnh nhằm đưa công tác quản lý, an toàn mọi mặt đạt kết quả tốt.
Để công tác đảm bảo ATGT hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Tống Hoàng Kha đề nghị Ban ATGT, Sở GTVT, Công an các tỉnh và các đơn vị liên ngành cơ sở tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm ATGT đường thủy trên địa bàn.
Tăng cường tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định của pháp luật đối với chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và hành khách. Đồng thời kiểm tra việc khắc phục của các đơn vị cảng, bến thủy nội địa về những tồn tại được đoàn liên ngành đã chỉ ra.
“Cần tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác rà soát và kiên quyết đình chỉ hoạt động, giải tỏa các bến hoạt động không phép, hết hạn giấy phép hoạt động, nhất là các bến có hoạt động đón trả khách vì tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông đường thủy nội địa.
Cùng đó tăng cường và nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp các ngành, phối hợp với các địa phương từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh trong công tác đảm bảo ATGT đường thủy”, Phó Cục trưởng Tống Hoàng Kha đề nghị.
Tăng cường phối hợp, khắc phục các tồn tại
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, cùng với kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, hoạt động liên ngành luôn được Cục và các đơn vị cơ sở đặc biệt chú trọng, tăng cường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, khắc phục các tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nói chung, công tác đảm bảo ATGT đường thủy nói riêng.
Kiểm tra công tác bảo đảm ATGT vị trí thi công cầu Rạch Vong, sông Bến Tre (Bến Tre)
Chỉ tính 9 tháng năm 2022, Cục đã tổ chức 13 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa tại các địa phương như tỉnh khu vực miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; Các tỉnh khu vực phía Bắc lòng hồ: lòng hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, lòng hồ Na Hang tỉnh Tuyên Quang và lòng hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái.
Cùng đó triển khai chương trình lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN làm việc với Sở GTVT Tây Ninh về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đường thủy và bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (vùng lòng hồ Dầu Tiếng); Kiểm tra công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa khu vực lòng hồ Hòa Bình. Tổ chức 3 đoàn kiểm tra về công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến từ bờ ra đảo do Cục quản lý.
Cục cũng đã tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa tại các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Sơn La khu vực lòng hồ Sơn La, tuyến sông Đà.
Tổ chức 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn lĩnh vực đường thủy nội địa năm 2022 tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng (Sar 79).
Cục đã chỉ đạo các Chi cục Đường thủy nội địa, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 1 tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý và tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng, các cơ quan, địa phương có liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh trong hoạt động kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa, đặc biệt là đối với hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch.
Qua các hoạt động liên ngành, thanh tra, kiểm tra đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; Cùng đó tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, quy định chuyên ngành về quản lý, ATGT đường thủy nội địa.
“Thời gian tới, Cục Đường thủy nội địa VN tiếp tục tăng cường các hoạt động liên ngành. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa; Tổ chức kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm, xử lý nghiêm...
Đặc biệt là các hành vi đưa phương tiện không có giấy chứng nhận hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp hết hiệu lực vào hoạt động chở khách; Không trang bị đủ phao áo, dụng cụ nổi cứu sinh.
Thuyền viên, người lái phương tiện không có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; Chở quá số người quy định được phép chở trên phương tiện; Vi phạm điều kiện an toàn tại các cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông...”, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN nhấn mạnh.
9 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thuộc Cục Đường thủy nội địa VN đã thực hiện 114 cuộc thanh tra, kiểm tra, phối hợp kiểm tra; Xử phạt vi phạm hành chính 932 trường hợp cảng, bến, phương tiện và thuyền viên; Số tiền xử phạt nộp kho bạc nhà nước hơn 2,4 tỷ đồng.
Trong đó, 78 trường hợp cảng, bến vi phạm, phải xử phạt; 844 trường hợp phươngtiện, thuyền viên; 10 trường hợp là các đối tượng khác.
Qua thanh tra, kiểm tra đã đình chỉ hoạt động 130 trường hợp, trong đó: 54 trường hợp thuộc cảng, bến, 28 trường hợp là phương tiện, thuyền viên; 48 trường hợp là các đối tượng khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận