Cán bộ chiến sỹ Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) dán thông báo vi phạm trên kính xe phương tiện dừng đỗ nơi có biển cấm
Từ 15/12, CSGT Hà Nội ra quân đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT cuối năm 2020. Một trong những điểm đặc biệt trong đợt cao điểm này là lực lượng CSGT Hà Nội thay đổi biện pháp xử phạt các ô tô dừng, đỗ trái phép bằng việc dán thông báo phạt nguội trên kính xe.
Kết hợp dán phiếu phạt và ghi hình
Từ 8h ngày 15/12, các đội CSGT thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý ô tô dừng đỗ sai quy định.
Tại trước số 9 đường Liễu Giai, phát hiện ô tô Mazda màu trắng BKS Hà Nội đỗ sai quy định, Tổ công tác Đội CSGT số 2 lại gần nhưng không thấy lái xe. Một chiến sỹ đọc loa thông báo, vẫn không thấy lái xe xuất hiện, CSGT liền dán phiếu thông báo vi phạm lên kính xe. Toàn bộ quá trình đều được ghi hình, lưu trữ để phục vụ việc xử lý sau này.
Việc dừng đỗ phương tiện sai quy định gây ùn tắc giao thông và nguy cơ mất ATGT rất cao. Theo đó, việc áp dụng hình thức xử lý vi phạm mới là dán thông báo trên kính xe sẽ thuận tiện cho CSGT lẫn người vi phạm, nhất là trong dịp gần Tết phương tiện tham gia giao thông thường có xu hướng tăng cao như hiện nay. Sau một thời gian triển khai hình thức xử lý mới này, Cục CSGT sẽ tổng kết lại, có đánh giá, đề nghị có biện pháp cách thức thu thập chứng cứ để xử lý một cách tốt hơn.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an)
Thiếu tá Nguyễn Quang Thành, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 2 cho biết, việc ghi hình đảm bảo ghi nhận địa điểm, thời gian, biển số xe; Ghi hình xung quanh, bên trong xe thể hiện người vi phạm không ngồi trên xe, không có mặt nơi vi phạm, không có mặt khi CSGT gọi loa, dán phiếu phạt…
Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền giải quyết tai nạn, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho hay, các phiếu thông báo có đủ nội dung, thời gian, địa điểm vi phạm kèm xác nhận của lực lượng chức năng, người làm chứng, địa điểm, thời gian tài xế cần tới cơ quan chức năng để nộp phạt.
So với cách làm cũ, CSGT lập biên bản có xác nhận của người làm chứng, sau đó dán niêm phong và cẩu xe về nơi tạm giữ thì phương pháp mới tiện lợi hơn cho CSGT cũng như người vi phạm.
Việc phải cẩu xe vi phạm về đơn vị tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, TNGT. Chưa kể, thủ tục cẩu xe cũng mất thời gian và tài xế ngoài tiền phạt còn phải trả tiền cẩu xe.
Với xe bị dán thông báo vi phạm, trong thời hạn 3-5 ngày tiếp theo, CSGT sẽ xác minh thông tin về phương tiện và chủ phương tiện để gửi thông báo, yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan đến giải quyết.
Vi phạm cũng được cập nhật vào phần mềm trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT. Quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo mà chủ phương tiện, người vi phạm không đến giải quyết, CSGT sẽ gửi thông báo đến Công an địa bàn nơi chủ phương tiện cư trú, học tập, đồng thời gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để phối hợp xử lý.
Người vi phạm đồng tình
Ghi nhận trên phố Bà Triệu - Hai Bà Trưng trong sáng 15/12, tổ công tác Đội CSGT số 4 đã dán thông báo phạt nguội lên 6 ô tô đỗ sai quy định; khu vực cổng Bệnh viện Bạch Mai có 8 xe.
Có việc vào ngõ Bà Triệu hơn nửa tiếng, quay ra ô tô, chị Văn Thị X. (SN 1977, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội), chủ ô tô BKS 29A - 323.2x bất ngờ khi thấy phiếu phạt dán trên kính xe.
Cầm tờ thông báo phạt nguội về lỗi dừng đỗ với mức phạt 900 nghìn đồng, chị X. cho biết, trước đây có lần xe bị cẩu đi, phải nháo nhào bắt xe taxi tới trụ sở công an để nộp phạt rồi còn phải trả thêm tiền xe cẩu. “Cách xử phạt mới này văn minh, đỡ gây tốn kém cho tài xế, sai thì phải phạt, tôi đồng tình”, chị X. nói.
Khoảng 11h cùng ngày, tại phố Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy (TP Hà Nội), tổ công tác Đội CSGT số 6 gọi loa “ai là lái ô tô 30G - 532… màu trắng ra chấp hành xử lý vi phạm đỗ xe nơi có biển cấm dừng cấm đỗ”.
Sau khoảng 5 phút, anh Đào Trọng H. (SN 1969, ở phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm) xuất hiện, nhận là chủ nhân chiếc xe. Anh H. phân trần, vừa vào nhà người quen 15 phút ra luôn, cũng hoàn toàn nghĩ không có CSGT. “Nếu bị xử lý như này, lần sau tôi sẽ tìm điểm trông giữ phương tiện để gửi cho an tâm”, anh H. nói.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong ngày 15/12, các tổ công tác của Phòng CSGT Hà Nội đã lập biên bản 236 trường hợp ô tô đỗ dừng đỗ sai quy định, trong đó 11 trường hợp CSGT phải dán thông báo trên kính xe, còn lại 225 trường hợp lập biên bản tại chỗ. “Đây là những trường hợp, “khổ chủ” nghe loa CSGT gọi đã xuất hiện và chấp hành việc xử lý vi phạm”, một cán bộ CSGT Hà Nội cho hay.
Đồng tình với cách xử phạt mới nhưng luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) lo ngại việc dán thông báo phạt nguội sẽ nảy sinh các tranh chấp về dân sự.
Ví dụ, người đi mượn, thuê xe cầm giấy thông báo xử phạt nhưng không nộp phạt, khi đó chủ xe sẽ không biết. Cơ quan chức năng lại chỉ ghi số xe, loại xe... nên người nhận thông báo nộp phạt sẽ là chủ xe chứ không phải người trực tiếp vi phạm.
Về lo ngại này, Trung tá Nguyễn Văn Công, Đội phó Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, việc dán thông báo phạt nguội lên kính xe sẽ giúp chủ xe có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc cho thuê/mượn xe bởi nếu không, chủ xe sẽ phải là người nộp phạt thay người vi phạm.
Quảng Ninh, Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì dán thông báo phạt nguội
Trung tá Nguyễn Văn Năng, Phó đội trưởng Đội CSGT-TT Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, biện pháp dán thông báo phạt nguội vi phạm dừng đỗ xe không đúng quy định được đơn vị thực hiện từ tháng 2/2019. Từ đó đến nay, đơn vị đã dán 7.328 thông báo vi phạm TTATGT và trật tự đô thị.
Trong đó đã xử lý 5.007 trường hợp với số tiền xử phạt trên 2,97 tỷ đồng; tuyên truyền, nhắc nhở 2.321 trường hợp, số còn lại đang chờ xử lý (tỷ lệ người vi phạm chấp hành nộp phạt đạt 99%). Đối với các trường hợp không chấp hành, đơn vị đang phối hợp với cơ quan đăng kiểm để xử lý.
“Hầu hết chủ phương tiện bị dán thông báo đều có thái độ hợp tác, rất ít trường hợp chống đối; Tình trạng dừng đỗ xe sai quy định trên địa bàn TP Hạ Long đã giảm mạnh”, Trung tá Năng cho hay.
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ngay khi Nghị định 100 có hiệu lực, lực lượng CSGT toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai hình thức dán thông báo xử phạt trên kính phương tiện vi phạm. Đến nay, hình thức này vẫn được duy trì và thực tế cho thấy phát huy hiệu quả. Toàn tỉnh đã phát hiện, dán thông báo xử lý đến hơn 4.000 trường hợp vi phạm; đến nay có hơn 2.000 trường hợp đến làm thủ tục nộp phạt theo quy định.
“Hiện, lực lượng CSGT vẫn đang tiếp tục xác minh, gửi thông báo vi phạm đến chính quyền địa phương để phối hợp xử lý. Đồng thời, tiếp tục triển khai hình thức xử lý hiệu quả này”, lãnh đạo Phòng CSGT Vĩnh Phúc cho hay.
Quang Minh - Nguyễn Thương
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận