• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Báo giao thông Giao thông 24h

Tai nạn thảm khốc đường sắt: Nguy hiểm đường ngang “ngày gác, đêm bỏ”

Giao thông 24h

Tai nạn thảm khốc đường sắt: Nguy hiểm đường ngang “ngày gác, đêm bỏ”

25/10/2016, 07:23

Những đường ngang do địa phương và doanh nghiệp ở Hà Nội tự tổ chức chỉ cảnh giới ban ngày...

2

Cần chắn và người cảnh giới tại đường ngang Km 15+380, nơi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng do doanh nghiệp Thành Phát tự thực hiện (ảnh lớn) Hiện trường vụ tai nạn đường sắt sáng 24/10 (ảnh nhỏ) - Ảnh: Anh Thiện

Nguy cơ đã được cảnh báo

Khoảng hơn 5h sáng qua (24/10) tại Km 15 + 380 tuyến đường sắt Thống Nhất đi qua huyện Thường Tín, Hà Nội xảy ra vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng. Chiếc xe ô tô hiệu Honda CRV BKS 30A - 602.25 khi băng qua đường ngang đã bị tàu SE2 chạy hướng về Hà Nội đâm trực diện. Trên xe ô tô có 7 người, thì 4 người chết tại chỗ và 2 người chết tại bệnh viện.

Ghi nhận của PV tại hiện trường, cú đâm mạnh đã làm đổ 1 cột đèn tín hiệu, mặt đường ngang bị bật bê tông. Theo đánh giá ban đầu của cơ quan chức năng, nguyên nhân tai nạn do người điều khiển ô tô đã cố tình băng qua đường ngang khi tàu đang đến.

Hôm qua (24/10), Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các Bộ Công an, GTVT; UBND TP Hà Nội; Ủy ban ATGT Quốc gia khẩn trương khắc phục hậu quả vụ TNGT đường bộ và đường sắt đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn TP Hà Nội. Cùng ngày, Bộ GTVT có Công điện hỏa tốc yêu cầu Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) và Sở GTVT các tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt đi qua thực hiện ngay các giải pháp trọng tâm bảo đảm ATGT tại các ví trí giao cắt đường bộ và đường sắt.

Ông Hoàng Anh Phúc, trú tại xã Vân Hòa, Văn Giáp, Thường Tín, Hà Nội - bảo vệ một công ty đối diện với chắn đường ngang trên cho biết: “Hơn 5h sáng vừa mở cửa công ty thì thấy vụ tai nạn xảy ra. Lúc này hệ thống đèn tín hiệu và chuông cảnh báo tàu đến vẫn kêu như mọi khi, nhưng chẳng hiểu sao tài xế vẫn cho xe băng qua đường ngang”.

Ông Phạm Văn Hiệp, Phó giám đốc Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội cũng xác nhận, tại đây đã xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt từ tháng 9 đến nay. Trong đó, một vụ xảy ra sáng 28/9 và một vụ xảy ra ngày 24/10.

Vụ TNGT sáng 24/10 khiến 6 người chết và 1 người bị thương nặng đang được điều trị tích cực tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Người bị thương là Nguyễn Xuân Quý SN 1983 (trú tại Vĩnh Ninh, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) cũng là người điều khiển ô tô lúc bị nạn. Bác sĩ Nguyễn Đức Chính, Phó Trưởng phòng Tổng hợp Bệnh viện Việt Đức cho biết, nạn nhân Quý bị chấn thương sọ não. Khi xét nhiệm nồng độ cồn thấy âm tính.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại Phòng Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Việt Đức sáng 24/10, khi đoàn lãnh đạo Bộ GTVT đến thăm hỏi nạn nhân Quý có nhiều đối tượng xăm trổ xung quanh. Trong đó, có một đối tượng ngăn cản PV truyền hình Thông tấn xã VN tác nghiệp quay phim. Phải đến khi người thân nạn nhân Quý lên tiếng, yêu cầu để PV tác nghiệp, đối tượng này mới dừng ngăn cản.

Từ vụ TNGT ngày hôm qua có thể thấy nguy cơ TNGT đường sắt tại các đường ngang “ngày gác, đêm bỏ” là hiện hữu. Ghi nhận của PV tại hiện trường, đường ngang Km 15+380 có cảnh báo tự động hoạt động bình thường. Đường ngang rộng, bằng phẳng và hoàn toàn không bị che khuất tầm nhìn. Tuy nhiên, phía đường ngang còn có một cần chắn do doanh nghiệp tư nhân Thành Phát tự lắp đặt và thuê người cảnh giới ban ngày.

Ông Hải, chủ doanh nghiệp Thành Phát cho biết đã bỏ tiền thuê người cảnh giới tại vị trí đường ngang này từ năm 2006. Thời gian đầu, người cảnh giới 24/24h, nhưng gần đây do kinh phí hạn hẹp nên chỉ thuê người cảnh giới đến 19h30 hàng ngày.

Khi PV hỏi đã xin phép ngành Đường sắt và địa phương về việc lắp đặt cần chắn và cử người cảnh giới chưa, ông Hải cho biết chưa xin phép.

3

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thăm hỏi gia đình nạn nhân Đặng Duy Tùng

Địa phương cần cử người cảnh giới 24/24h

Thực tế cho thấy, trên tuyến đường sắt Thống Nhất từ ga Hà Nội đến Phú Xuyên có hơn chục điểm đường ngang do địa phương và doanh nghiệp tự tổ chức cảnh giới. Tuy nhiên, các điểm này chỉ được cảnh giới ban ngày từ 5h sáng - 21h. Tất cả các điểm đều có cần chắn thủ công khiến nguy cơ TNGT thường trực vào ban đêm. Bởi lẽ ngay cả khi có tàu qua, nhưng cần chắn không được hạ xuống khiến người đi đường cứ tưởng không có tàu đến. Đã có ít nhất 3 vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các điểm đường ngang có người cảnh giới ban ngày và đều để lại hậu quả nặng nề.

Danh tính 6 người tử vong gồm: Nguyễn Duy Minh (SN 1985, ở Thanh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội); Bùi Văn Cẩn (SN 1991, ở Gia Thịnh, Gia Viễn, Ninh Bình); Nguyễn Thị Hiền (chưa rõ năm sinh, chỗ ở); Nguyễn Hoàng Dung (SN 1987); Nguyễn Thị Mai (SN 1997) và Đặng Duy Tùng (SN 1992, ở Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội).
Trong số này, nạn nhân Dung và Mai là hai chị em ruột, cùng ở địa chỉ ngõ 12/21 đường Lương Khánh Thiện, Hoàng Mai, Hà Nội.
Vụ tai nạn còn làm 1 người bị thương là Nguyễn Xuân Quý (SN 1984, ở Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội).

“Việc cảnh giới do địa phương hay doanh nghiệp thực hiện chỉ vào ban ngày. Buổi tối dễ gây hiểu lầm có người cảnh giới là có tàu qua, không người cảnh giới là không có tàu, nên người tham gia giao thông không chú ý quan sát, dễ xảy ra tai nạn tàu va. Trước thực trạng này, Tổng công ty Đường sắt VN đã hai lần có văn bản đề nghị các địa phương cử người cảnh giới 24/24h”, ông Tạ Mạnh Thắng, Trưởng ban ATGT đường sắt (Tổng công ty Đường sắt VN) nói.

Về lâu dài, ông Thắng cho rằng, tại những đường ngang thiết bị cảnh báo tự động phải lắp thêm cần chắn mới mang lại hiệu quả cao. Hiện, ngành Đường sắt đang cử nhân viên cảnh giới 24/24h tại đường ngang Km 15+380. Đường ngang này cũng thuộc kế hoạch được lắp thêm cần chắn tự động, chỉ chờ triển khai.

Trực tiếp có mặt tại hiện trường, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, ngay khi nhận được tin, Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt VN, các lực lượng chức năng đã phối hợp giải tỏa ách tắc tuyến đường, thăm hỏi các nạn nhân. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN đến gia đình nạn nhân tử vong để lo hậu sự cũng như đến túc trực tại bệnh viện đang tích cực cứu chữa người bị thương.

“Tất cả những người sử dụng phương tiện giao thông cần phải tuân thủ nghiêm túc pháp luật giao thông, luôn luôn có ý thức tôn trọng quy định về giao thông như biển báo, tín hiệu tại các điểm giao cắt, nhất là qua lại các điểm dễ mất an toàn như đường ngang”, Thứ trưởng Đông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.