Đầu tiên là đoạn từ Km 426+850 - Km 428+700 QL1 (thuộc địa phận huyện Diễn Châu) mới phát sinh, thường xuyên xảy ra TNGT. Theo tìm hiểu của PV, đoạn tuyến này là đường nhựa 4 làn xe, có dải phân cách (DPC) giữa cố định rộng 1,5m.
Đoạn tuyến đi qua khu vực dân cư đông đúc là trung tâm xã Diễn Thịnh, với nhiều hàng quán, chợ nhỏ, trường học, trụ sở cơ quan hành chính xã hai bên đường. Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn với khoảng 22.000 xe ô tô/ngày đêm (theo số liệu của Cục QLĐB II).
Trên đoạn tuyến có 6 điểm mở DPC, 3 đường ngang dân sinh, trong đó ngã tư tại Km 426+960, Km 427+400, Km 428+300 giao nhau với đường liên xã, bề rộng mặt đường ngang từ 4v- 6m; Tại Km 428+420 có đường ngang vào trường tiểu học và THCS rộng 5m, lưu lượng tham gia giao thông qua nút giao khá lớn.
Thống kê của Công an huyện Diễn Châu cho biết, trên đoạn tuyến từ tháng 1/2019 đến nay đã xảy ra 5 vụ TNGT và va chạm giao thông làm 1 người tử vong, hư hỏng 9 phương tiện và công trình hạ tầng đường bộ.
Gần đây nhất, vào ngày 29/9/2019 tại Km 427+700 xảy ra vụ TNGT giữa Xe ô tô BKS 18B-001.25 va chạm với xe mô tô BKS 37F-558.95. Hậu quả làm người điều khiển xe máy tử vong tại chỗ, phương tiện hư hỏng nặng.
Phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn, lực lượng chức năng địa phương nhận thấy, ngoài yếu tố chủ quan của người điều khiển phương tiện còn có những bất cập liên quan đến hạ tầng.
Cụ thể, đoạn tuyến qua khu vực đông dân cư nhưng lại có nhiều nút giao không đồng cấp với đường dân sinh, chợ, trường học nên thường xảy ra xung đột, va chạm giao thông giữa phương tiện đi trên tuyến chính với phương tiện chuyển hướng cắt ngang đường.
Ông Nguyễn Bảo Giang, Phó chi cục trưởng Chi cục QLĐB II.2 cho biết: “Trên cơ sở nền, mặt đường hiện tại và những phân tích đánh giá nguyên nhân xảy ra tai nạn ở đoạn này, chúng tôi cho rằng việc đầu tư Dự án cải tạo “điểm đen” TNGT là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông trên QL1”.
Tương tự, tại đoạn tuyến từ Km 412+00 - Km 413+600 QL1 qua xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu cũng thường xuyên xảy ra TNGT. Chỉ trong năm 2019, tại đây xảy ra tới 9 vụ TNGT, làm chết 1 người, bị thương 5 người, 17 phương tiện hư hỏng.
Theo phân tích của cơ quan quản lý đường bộ, nguyên nhân dẫn đến việc TNGT thường xuyên xảy ra ở đoạn tuyến này là do có nhiều đường ngang dân sinh và trường học.
Trong đó, có điểm mở DPC tại Km 413+030 mở lệch so với đường vào trường học; điểm Km 413+212 và Km 413+558 mở hẹp và lệch với đường vào xã Diễn Yên dẫn đến tình trạng người dân, học sinh thường xuyên đi ngược chiều gây mất ATGT. Đoạn Km 412+380 - Km 412+480 qua khu đông dân cư nhưng chưa có rãnh thoát nước dọc nên xảy ra tình trạng nước ứ đọng vào ngày mưa, gây mất ATGT.
“Qua khảo sát, đoàn liên ngành đã thống nhất tại đoạn Km 426+850 - Km 428+700 sẽ bổ sung đinh phản quang tại các điểm mở DPC, vạch gờ giảm tốc, sơn phân làn theo quy định. Kinh phí dự kiến để khắc phục vị trí này khoảng 650 triệu đồng.
Riêng đoạn từ Km 412+00 - Km 413+600, phải điều chỉnh mở DPC tại điểm Km 413+030; mở rộng điểm mở DPC tại 2 điểm là Km 413+212 và Km 413+558 cho trùng với đường ngang.
Ngoài ra, bổ sung thêm đinh phản quang, biển báo, gờ giảm tốc và hệ thống rãnh thoát nước dọc từ Km 412+380 - Km 412+480; kinh phí dự kiến gần 2 tỷ đồng”, ông Vũ Trung Hà, Phó phòng Kế hoạch tài chính, Cục QLĐB II cho biết.
Hiện nay, các đơn vị liên quan đã lập hồ sơ xử lý “điểm đen” TNGT ở 2 đoạn tuyến trên để báo cáo Tổng cục Đường bộ VN. Nếu được phê duyệt, ngay trong năm nay, Cục QLĐB II sẽ cho thực hiện cải tạo, xóa 2 “điểm đen” này để đảm bảo ATGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận