Tai nạn giảm nhưng số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng còn cao
Tin từ Cục Hàng hải VN, liên tục trong nhiều năm qua, số vụ tai nạn hàng hải đều giảm. Nếu như các năm 2016, 2017, số vụ tai nạn hàng hải lần lượt là 21 và 19 vụ, đến năm năm 2018, 2019, con số này giảm còn 18 vụ. Đến năm 2020 chỉ còn 14 vụ và năm 2021 có 9 vụ. Phần nhiều tai nạn xảy ra ngoài biển xa.
Tuy nhiên, số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng và số người chết vẫn còn cao. Cụ thể, tổng số người chết là 45 người, trong đó, năm 2016: 5 người, năm 2017: 12 người, năm 2018: 4 người, năm 2019: 14 người, năm 2020: 10 người và năm 2021: 6 người).
Tỷ lệ tai nạn hàng hải của Việt Nam trong 5 năm qua liên tiếp giảm
Cục Hàng hải VN nhận định, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn hàng hải là do sĩ quan, thuyền viên đã không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn hàng hải, quy trình trực canh buồng lái.
Việc chủ quan, thiếu mẫn cán, thiếu kinh nghiệm đi biển cần thiết nên nhiều sĩ quan, thuyền viên rất lúng túng khi gặp tình huống khó khăn, phức tạp và đã không có những biện pháp xử lý thích đáng.
Ngoài ra, Cục Hàng hải VN cho rằng còn một số tàu thuộc các công ty vận tải biển không được đầu tư thích hợp cho công tác duy tu bảo dưỡng theo quy định nên thường xảy ra các sự cố kỹ thuật. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các tai nạn, sự cố hàng hải.
Bên cạnh đó là mật độ tàu thuyền ra vào các cảng biển Việt Nam ngày một gia tăng, một số cảng đã đón nhiều tàu tải trọng lớn. Cùng đó, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông hàng hải còn yếu. Một số tàu còn thiếu các trang thiết bị thông tin liên lạc, hoạt động đan xen của phương tiện thuỷ nội địa, tàu cá trong khu vực ven biển gia tăng cũng là những nguy cơ tiềm ẩn gây ra tai nạn hàng hải.
Tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn kỹ thuật của tàu
Tàu Nam Thịnh 126 bị chìm tại khu vực biển Hải Phòng hồi cuối tháng 6/2022
Theo thông tin của Báo Giao thông, trong năm 2022, Cục Hàng hải VN đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của người tham gia giao thông trên biển.
Trong đó, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát về điều kiện an toàn kỹ thuật của tàu và phương tiện, định biên an toàn tối thiểu và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, công tác xếp dỡ, chằng buộc hàng hóa cũng như số lượng thuyền viên, hành khách đi trên phương tiện theo đúng số lượng khai báo khi làm thủ tục đến, đi và phù hợp với bố trí trang thiết bị cứu sinh của phương tiện.
Các cảng vụ hàng hải được giao nhiệm vụ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không cho phương tiện rời cảng khi có các khiếm khuyết nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn chưa được khắc phục.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đón trả và dẫn tàu của hoa tiêu tại khu vực (đúng người, đúng thời gian, đúng địa điểm, đúng tốc độ), bố trí sử dụng tàu lai hỗ trợ, kiên quyết xử lý các cá nhân, đơn vị vi phạm.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ vận tải hành khách trên các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, bảo đảm an toàn cho nhân dân đi lại.
Bên cạnh đó là thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường sử dụng các trang thiết bị hỗ trợ, giám sát (VTS, AIS, LRIT...) trong công tác quản lý an toàn giao thông hàng hải.
Theo thống kê của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, trung tâm nhận được 148 vụ báo nạn. Trong đó, báo nạn xác định là 111 vụ, chiếm 75%.
Trung tâm đã tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn 89 vụ, cứu và hỗ trợ 287 người cùng 16 tàu. Số người chết và mất tích là 85 người cùng 15 phương tiện bị hư hỏng, chìm đắm. Đáng chú ý, chiếm phần lớn các vụ tai nạn chủ yếu là tàu cá. Số lượng tàu hàng vận tải biển chiếm tỷ lệ nhỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận