8 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã xảy ra 335 vụ tai nạn và va chạm giao thông làm chết 131 người, làm bị thương 347 người, tăng trên 60% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tai nạn giao thông tăng cao chủ yếu vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông, chiếm khoảng 90% trong số các nguyên nhân gây tai nạn.
Tìm nguyên nhân gia tăng tai nạn giao thông
Điển hình, ngày 28/8, tại nút giao QL47 với đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hoá xảy ra vụ TNGT giữa xe tải BKS 80A-041.57 do tài xế Nguyễn Văn Quý (sinh năm 1985, ngụ huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) điều khiển và chạm với xe khách BKS 12B-004.73 do tài xế Triệu Văn Dũng (sinh năm 1972, ở xã Ealy, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) điều khiển.
Hậu quả cả hai phương tiện lao vào một cửa hàng bán nội thất ngay ngã tư có tín hiệu đèn giao thông. Tài xế xe khách tử vong ngay sau đó, còn tài xế xe tải bị thương nặng đang được điều trị.
Bước đầu theo đánh giá của cơ quan chức năng, vụ TNGT do lỗi hỗn hợp của cả hai tài xế không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát khi đến nơi đường giao nhau.
Hoặc như sáng 7/9, tại Km 83+220 QL45 đoạn qua địa phận phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa, xe máy BKS 36C1-305.43 do anh Hoàng Huy Tư (sinh năm 1995, trú xã Xuân Khang, huyện Như Thanh) điều khiển bất ngờ va chạm với ô tô tải Howo BKS 36H-006.68 do tài xế Cao Xuân Chiến (sinh năm 1994, trú xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy) điều khiển. Hậu quả vụ TNGT khiến anh Tư tử vong tại chỗ.
Qua đánh giá ban đầu, cơ quan chức năng đã xác định, tài xế xe ô tải thiếu chú ý quan sát, đi không đúng phần đường gây nên va chạm với xe máy của anh Tư.
Số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh Thanh Hoá cho thấy trong 8 tháng năm 2023, trên đường bộ xảy ra 331 vụ TNGT làm chết 128 người, bị thương 346 người. Tai nạn đường bộ chiếm 98,8% về số vụ, 97,7% số người chết, 99,7% số người bị thương.
Nguyên nhân các vụ tai nạn được chỉ ra chủ yếu do người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, vi phạm phần đường, thiếu chú ý quan sát, tránh vượt sai quy định, không giữ khoảng cách, không chấp hành biển báo, tín hiệu đèn...
Các tuyến đường xảy ra TNGT chủ yếu là QL1A, QL45, QL47, QL217, QL15A, đường Hồ Chí Minh, đường tránh Thanh Hoá...
Trung tá Trịnh Xuân Tùng, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, số vụ TNGT trong 8 tháng qua tăng cao do nhiều nguyên nhân.
Chúng tôi cũng đã phân tích, đánh giá từng nhóm nguyên nhân dẫn đến TNGT và chủ yếu ở ý thức chấp hành luật giao thông ở một số bộ phận còn kém, hạn chế.
Mặt khác, hằng năm, số lượng phương tiện đăng ký mới rất nhiều. Tổng số xe hiện đang quản lý đến tháng 8/2023 là 154.283 ô tô, 2.253.351 mô tô, 130.131 xe máy điện trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện như hiện nay.
Cùng với đó, ở một số tuyến quốc lộ trọng điểm chưa được cấp có thẩm quyền trang bị hệ thống camera giám sát để xử lý vi phạm giao thông trong khi lực lượng CSGT mỏng, không dàn trải hết trên các tuyến đường nên tình trạng cố tình vi phạm giao thông xảy ra nhiều, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Là một trong những địa phương có tỉ lệ TNGT tăng cao, trong 8 tháng trên địa bàn xảy ra 29 vụ TNGT, ông Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, qua phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn chủ yếu vẫn là do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.
Các lỗi vi phạm thường xuyên vẫn là đi sai phần đường, không nhường đường và tránh vượt sai quy định...
Trong khi đó, huyện có tuyến QL45 đi qua nên lưu lượng phương tiện vận tải lớn, các nhà máy, khu công nghiệp, trường học tập trung với mật độ cao ở dọc hai bên đường dẫn đến gia tăng nguy cơ xảy ra va chạm và TNGT.
Giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông
Bàn về giải pháp cấp bách phòng ngừa TNGT thời gian tới, Trung tá Trịnh Xuân Tùng cho hay: Từ những đánh giá, phân tích, chúng tôi đã tập trung xử lý nhóm nguyên nhân dễ dẫn tới TNGT đó là vi phạm nồng độ cồn, chở quá tải và quá tốc độ.
"Ngoài các kiến nghị về lắp đặt hệ thống camera, biển báo, đèn tín hiệu thì các địa phương cũng cần quản lý chặt đầu mối hàng hoá trước khi ra ngoài đường lưu thông.
Việc xử lý vi phạm phải thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, không có vùng cấm. Có như vậy mới kéo giảm được TNGT", Trung tá Tùng nói.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Định cho rằng ở khu vực tập trung các nhà máy, trường học gần các trục đường giao thông, huyện chủ động trao đổi với các nhà máy bố trí chênh lệch giờ tăng ca, hình thành các tuyến đường riêng để phục vụ công nhân, học sinh, tránh các tuyến chính như QL45.
Mặt khác cũng xem xét đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hạ tầng giao thông đã xuống cấp gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Tại cuộc họp, Đại tá Phan Thị Hường, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá nhìn nhận: Để TNGT trên địa bàn tăng cao, tôi cũng có trách nhiệm trong đó.
Thời gian qua, Công an tỉnh đã chủ động tuyên truyền, xử lý vi phạm nhưng tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp. Phân tích nguyên nhân cho thấy có tới 90% số vụ tai nạn giao thông xảy ra là do ý thức của người tham gia giao thông.
"Chúng tôi rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành đảm bảo trật tự ATGT. Thậm chí, đã giao khoán chỉ tiêu về đến tận phường, xã, yêu cầu trong tháng phải có hình ảnh vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát để phục vụ việc xử lý nguội.
Đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh đang quản lý 157 camera giám sát trên địa bàn. Thiết bị này thay CSGT trên đường và đã phát huy hiệu quả khi tiến hành xử phạt nguội các trường hợp vi phạm", Đại tá Hường nói.
Theo ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, đối với hạ tầng giao thông thì phân cấp rõ ràng để đầu tư và có lộ trình khi có nguồn vốn.
Đã làm thì phải đồng bộ, không thể để chỗ này đẹp, chỗ kia bẩn, xuống cấp được. Đừng vội lo làm đẹp mà phải làm cho an toàn để người dân đi lại thuận tiện.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hoá xử phạt 68.359 trường hợp vi phạm giao thông, nộp Kho bạc Nhà nước với số tiền là gần 166 tỉ đồng; so với cùng kỳ năm 2022 tăng 14.567 trường hợp (tăng 27%), số tiền phạt tăng 51,9 tỉ đồng (tăng 45%).
Ngành Công an, Sở GTVT phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá tỉ lệ giáo viên, học sinh vi phạm đồng thời thống kê các trường hợp vi phạm gửi làm cơ sở xử lý trách nhiệm.
"Cán bộ, đảng viên không nêu gương thì làm sao người dân noi theo. Các địa phương xây dựng kế hoạch TTKS, xử lý vi phạm về giao thông thường niên, không thể chờ cao điểm rồi mới làm", ông Mai Xuân Liêm nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung rà soát các điểm đen về TNGT, chấn chỉnh hoạt động xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định. Với tinh thần không có vùng cấm trong xử lý vi phạm thì mới mong kéo giảm TNGT trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận