Theo báo cáo của Ban ATGT TP.HCM, từ đầu năm đến nay tai nạn giao thông ở TP.HCM tăng cả 3 mặt về số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm 2021. Để kéo giảm tình trạng này, Ban ATGT TP.HCM cùng với các sở ngành tăng cường các giải pháp nhằm kéo giảm TNGT trong năm tới.
TP.HCM còn 8 “điểm đen” cần khắc phục
Năm 2022, ùn tắc và TNGT ở TP.HCM có chiều hướng gia tăng
Sở GTVT TP.HCM cho biết, đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố chỉ còn 4 “điểm đen”, nhưng trong 9 tháng phát sinh thêm 5 điểm (giao lộ Thoại Ngọc Hầu - Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú; đường Ba Tháng Hai, Q.11; giao lộ QL1K -đường số 8, TP.Thủ Đức; giao lộ Võ Trần Chí - Trần Văn Giàu, Q.Bình Tân; cầu Thủ Thiêm 2.
Hiện thành phố mới xóa được 1 điểm (nút giao Võ Trần Chí - đường dẫn cao tốc Bình Thuận - Chợ Đệm, huyện Bình Chánh). Như vậy đến nay thành phố còn 8 điểm.
Riêng về các điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, thành phố còn 18 điểm. Qua theo dõi Sở GTVT cho biết, có 3 điểm chuyển biến tốt, 8 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp và 7 điểm không chuyển biến, nguy cơ kẹt xe rất cao.
Theo Ban ATGT TP.HCM, tại các vị trí “điểm đen”, trước mắt ngành giao thông TP đã điều chỉnh tăng cường cảnh báo để hạn chế ùn tắc và TNGT. Về lâu dài, những vị trí trên cần có phương án đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng đường.
Để kéo giảm ùn tắc giao thông, Ban ATGT các quận, huyện và TP Thủ Đức đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm kéo giảm ùn tắc và TNGT thực hiện chủ đề “xây dựng văn hóa giao thông gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong năm 2022.
Tuy nhiên, trong năm qua sau dịch Covid-19, tình hình ùn tắc giao thông có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, ý thức của người tham gia giao thông không cao, vẫn còn xảy ra nhiều trường hợp không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, biển báo giao thông, lưu thông ngược chiều, dừng đỗ xe không đúng quy định... Tình trạng dừng đỗ xe sai quy định vẫn còn diễn ra trên nhiều tuyến đường gây cản trở giao thông, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố như đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Ngạn...
Thống kê của Ban ATGT TP, trong 9 tháng đầu năm, Ban ATGT các quận, huyện và TP Thủ Đức đã tập trung xử lý 166.506 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là do nồng độ cồn và dừng đỗ xe không đúng quy định; cơ quan chức năng tạm giữ 29.023 phương tiện; tước giấy phép lái xe 17.456 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính về trật tự đô thị trên 20.000 lượt với số tiền 9.000 tỷ đồng.
Điều chỉnh nhiều giao lộ để giảm TNGT
Để đảm bảo ATGT năm vừa qua, Sở GTVT đã rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông ở 17 tuyến đường cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm hạn chế ùn tắc và TNGT.
Đơn cử như cấm xe đầu kéo lưu thông theo giờ trên phần đường hỗn hợp đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 và quận 8; tăng tốc độ tối đa cho phép từ 50 km/h lên 60 km/h trên phần đường hỗn hợp tuyến Xa lộ Hà Nội; cấm ô tô tải lưu thông theo giờ trên đường Hoàng Phan Thái, huyện Bình Chánh.
Giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con, Q.1 được gia tăng cảnh báo an toàn cho người tham gia giao thông
Sở GTVT cũng đã triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trên một số giao lộ như lắp đặt thùng giảm chấn nhằm tăng cường cảnh báo và giảm thương vong nếu xảy ra tai nạn tại 5 giao lộ trên tuyến QL1, 2 giao lộ trên QL22, 3 vị trí trên đầu dải phân cách cầu Bình Lợi - đường Phạm Văn Đồng; lắp đặt dải phân cách thép tim đường Nguyễn Hữu Hào, Q.4; lắp đặt gờ giảm tốc trên đường Phan Đăng Lưu tại giao lộ Phan Đăng Lưu - Nguyễn Công Hoan, Q.Phú Nhuận; cải tạo kích thước hình học 7 vị trí giao lộ: Lý Thường Kiệt - Bắc Hải, Q.10; giao lộ Nguyễn Văn Tăng - Nguyễn Xiển, TP Thủ Đức; giao lộ Võ Văn Kiệt - Nguyễn Thái Học và Võ Văn Kiệt - Ký Con, Q.1; giao lộ Lê Văn Việt - đường Vành đai khu CNC; QL22 - Nguyễn Văn Bứa, QL22 - Dương Công Khi (huyện Hóc Môn).
Đồng thời lắp đặt mới 4 chốt đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi, bổ sung thêm pha đèn trên đường Trường Sơn tại giao lộ Trường Sơn - đường vào ga quốc nội.
Đối với các công trình thi công trên đường bộ, vi phạm không đảm bảo ATGT, hệ thống biển báo, rào chắn… Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra, nhắc nhở như dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cải tạo hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân...
Phương hướng để kéo giảm ùn tắc, TNGT trong thời gian tới, Ban ATGT TP tiếp tục phối hợp với hợp các Sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, thu hút, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cụ thể như kiểm soát tốc độ, kiểm soát uống rượu bia đối với lái xe, an toàn đường sắt, bến khách ngang sông…
Ngoài ra, Ban ATGT kiến nghị Ủy ban ATGT Quốc gia nghiên cứu ban hành Bộ tiêu chí chung về xác định tình trạng ùn tắc giao thông để áp dụng đồng bộ trong phạm vi cả nước, đồng thời xem xét việc điều chỉnh chỉ tiêu đánh giá tai nạn giao thông cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và thông lệ quốc tế (tính theo tỉ lệ dân số, số lượng phương tiện).
Theo báo cáo của Ban ATGT TP.HCM, từ đầu năm đến nay thành phố xảy ra 1.519 vụ tai nạn giao thông làm chết 481 người và bị thương 971 người. So với cùng kỳ năm 2021, tăng 194 vụ, tăng 127 người chết và tăng 159 người bị thương. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 1.514 vụ làm chết 476 người và bị thương 971 người. So với cùng kỳ năm 2021, tăng cả 3 mặt về số vụ, số người chết và bị thương, cụ thể tăng 195 vụ, tăng 124 người chết và tăng 160 người bị thương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận