Ngành Đường sắt cần 3-4 tiếng không gian chạy tàu để đưa các toa tàu bị tai nạn về sữa chữa. Ảnh: Quốc Nhựt |
Ông Ngô Cao Vân, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đơn vị đang đánh giá lại hiện trạng các toa bị thiệt hại sau vụ tai nạn để lên phương án vận chuyển, đưa về sửa chữa.
Ngay sau khi TNGT xảy ra, ngành Đường sắt chọn giải pháp giải tỏa khẩn cấp đầu máy, toa tàu bị hư hại ra khỏi đường ray về hai bên để thông tuyến trở lại vào trưa qua (21/2).
“Các đơn vị vẫn đang ở hiện trường để đánh giá và lên phương án di chuyển cho từng toa. Có toa sẽ được vận chuyển bằng đường sắt nhưng cũng có toa sẽ chuyển về bằng đường bộ”, ông Vân cho biết.
Về thời gian thực hiện, theo ông Vân hiện ngành Đường sắt đang tính toán lại lịch chạy tàu để sắp xếp cho hợp lý. Bởi việc vận chuyển các toa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giờ chạy tàu. “Phải dành khoảng không gian từ 3-4 tiếng ngưng tàu chạy để các xe cẩu chuyên dụng đến hiện trường đưa các toa này về. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lịch chạy tàu. Đơn vị đang tính thời gian sao cho ít bị ảnh hưởng nhất”, ông Vân nhấn mạnh.
Trước đó, như Báo Giao thông đưa tin, lúc 14h40", ngày 20/02, đoàn tàu khách mang số hiệu SE2 do đầu máy 906 kéo, khi đến Km 738+245 (đường ngang phòng vệ bằng biển báo) khu gian Lăng Cô – Cầu Hai, tuyến đường sắt Bắc – Nam (thuộc xã Lộc Thủy, Phù Lộc, Thừa Thiên Huế) đã va chạm với xe ô tô tải chở đá biển số 75C-02691.
Tính riêng ngành Đường sắt, vụ tai nạn đã làm hư hỏng 1 đầu máy, 01 xe Bưu vụ - Phát điện, 4 toa xe khách và làm hư hỏng nặng hơn 100m đường sắt. Vụ tai nạn đã làm bế tắc chính tuyến gần 20h (từ 14h40’ ngày 20/2 đến 9h30’ ngày 21/2/2017). Tổng công ty ĐSVN cũng thực hiện việc bãi bỏ 1 đoàn tàu khách (SE20); giải thể 4 đoàn tàu hàng khu đoạn dọc đường và 6 đoàn tàu hàng chuyên tuyến phải nằm chờ tại các ga dọc đường.
Vụ tai nạn đường sắt tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm 3 người tử vong (1 lái xe, 1 phụ lái xe và 1 phó trưởng tàu) và 4 người khác bị thương nhẹ gồm lái tàu, phụ lái tàu và 2 hành khách đi trên đoàn tàu SE2.
Vụ tai nạn đã làm hư hỏng 1 đầu máy, 01 xe Bưu vụ - Phát điện, 04 toa xe khách và làm hư hỏng nặng hơn 100m đường sắt. Ảnh: Quốc Nhựt |
Đánh giá về công tác cứu nạn, ông Vân cho biết các đơn vị ngành Đường sắt cùng với sự giúp đỡ của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực, chủ động, xây dựng phương án tối ưu, tập trung làm xuyên đêm để khắc phục, thông tuyến trong thời gian nhanh nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận