Tới đây, nhiều vi phạm của phương tiện thủy sẽ bị phạt nặng - Ảnh minh họa
Ngày 2/6, đại diện Ban soạn thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (thay thế Nghị định 132/2015) cho biết, dự thảo lần này bổ sung và làm rõ các hành vi vi phạm về trách nhiệm, điều kiện của thuyền viên, người lái phương tiện thủy; đồng thời nâng mức xử phạt tiền gấp đôi so với quy định hiện nay.
Theo đó, xử phạt 500 nghìn - 1 triệu đồng (hiện mức phạt 300-500 nghìn đồng) với thuyền trưởng nếu có hành vi: không trực tiếp bàn giao nhiệm vụ cho thuyền phó hoặc người được ủy quyền khi rời phương tiện; không bố trí thuyền viên trông coi phương tiện khi neo đậu hoặc không bố trí người cảnh giới khi phương tiện hành trình trong điều kiện tầm nhìn bị hạn chế; thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó không có mặt trong ca làm việc theo quy định khi phương tiện đang hành trình.
Mức phạt trên cũng áp dụng đối với thuyền viên được bố trí trông coi phương tiện khi neo đậu mà không có mặt hoặc không thực hiện trông coi phương tiện theo quy định; đối với phương tiện thủy sau khi rời cảng mà có sự thay đổi về thuyền viên nhưng không thông báo cho cảng vụ đường thủy (nơi cấp phép).
Đáng chú ý, dự thảo cũng tăng mức phạt tối đa từ 500 nghìn đồng lên mức 2-3 triệu đồng đối với các hành vi: sử dụng phương tiện thủy không đảm bảo điều kiện hoạt động hoặc không đủ định biên theo quy định; sử dụng thuyền viên làm việc trên phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận