Ảnh minh họa |
Nguy cơ tai nạn cao gấp 3 lần
Câu chuyện ẩn họa khi sử dụng điện thoại trong lúc điều khiển phương tiện không phải là mới và đã được cảnh báo rất nhiều lần. Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng người dân vừa tham gia giao thông vừa sử dụng điện thoại di động vẫn xảy ra khá phổ biến. Đáng nói là hành vi nguy hiểm này còn xuất hiện với cả những tài xế điều khiển các phương tiện có trọng tải lớn, hay xe chở khách, có thể đe dọa đến tính mạng của rất nhiều người nếu không may xảy ra sự cố.
Tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của việc sử dụng điện thoại di động trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và Công ty TNHH Ford Việt Nam tổ chức hôm qua (16/1), TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho biết, nhóm đã thực hiện quan sát trên 210.000 người điều khiển phương tiện có hành vi sử dụng điện thoại di động trong khi lái xe tại 9 địa điểm ở TP.HCM và Bình Dương. Kết quả cho thấy, hình thức sử dụng phổ biến là gọi điện thoại dạng cầm tay và nhắn tin, có rất ít người gọi điện thoại dạng rảnh tay (handsfree).
"Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ chuyển kết quả nghiên cứu tới các cơ quan có liên quan phục vụ cho việc nghiên cứu các giải pháp phù hợp bao gồm hoàn thiện quy định pháp luật, hạ tầng kỹ thuật, tuyên truyền giáo dục và kiểm tra giám sát, cưỡng chế thực thi”. Ông Khuất Việt Hùng |
Đối tượng điều khiển xe đạp điện có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động đặc biệt cao, gấp khoảng 32-38 lần so với tỷ lệ vi phạm ở đối tượng đi xe máy và xe đạp. Trong những người sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện, chỉ có khoảng 6% dừng hẳn xe vào lề đường, 33% chuyển vào làn giáp lề và đi chậm lại, còn khoảng 61% vẫn giữ tốc độ như các xe khác trên đường.
Cũng theo TS. Tuấn, khảo sát ngẫu nhiên trong 2 năm qua cho thấy, có 24% số người được hỏi bị TNGT thì từ 6-8% sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện hàng ngày cao nhất rơi vào nhóm đối tượng lái xe tải (50%), tiếp đến là nhóm đối tượng lái xe con (39%), nhóm lái xe khách/xe buýt (37%) và thấp nhất là nhóm đối tượng lái xe máy (8%).
“Khoảng 50-60% người được phỏng vấn trả lời rằng họ vẫn điều khiển xe chạy bình thường khi sử dụng điện thoại di động. Đa phần người được phỏng vấn cho rằng, họ có niềm tin vào khả năng kiểm soát tay lái cũng như có sự tự tin trong thực hiện hành vi sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Qua một kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên sa hình ôtô cho thấy, sử dụng điện thoại khi đang lái ôtô có thể làm xác suất xảy ra TNGT tăng cao gấp gần 3 lần so với trường hợp không sử dụng điện thoại”, ông Tuấn cho hay.
Luật chưa quy định vẫn được xử phạt
Thiếu tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Tuần tra kiểm soát, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, hiện có nhiều hành vi quy định nhưng khó thực hiện trong thực tiễn, khó trong phát hiện hành vi và áp dụng. Ví dụ, việc phát hiện người lái xe ô tô sử dụng điện thoại, trong điều kiện mật độ giao thông lớn, nhiều xe ô tô dán kính mờ không nhìn rõ bên trong. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các hành vi vi phạm tức thời mà không có biện pháp chứng minh trực tiếp rất khó thực hiện.
“Những hành vi liên quan đến ý thức người dân nên tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động phòng ngừa. Đồng thời, trang bị thêm thiết bị cho lực lượng tuần tra, kiểm soát”, ông Công đề xuất.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tác hại của việc sử dụng điện thoại di động khi điều khiển xe đã quá rõ, nhiều nước trên thế giới đã cấm 100% hành vi này. Đối với hình thức sử dụng rảnh tay mà không an toàn vẫn bị phạt. Hiện, ở Việt Nam đang có bất cập trong công tác xử phạt là cái gì cũng cần bằng chứng, người vi phạm tranh cãi với lực lực lượng chức năng. Nhiều nước trên thế giới, cảnh sát được ủy thác để thực thi nhiệm vụ, khi phát hiện vi phạm họ có quyền dừng xe lại phạt mà không cần chứng minh bằng chứng. Còn ở ta Luật Xử lý vi phạm hành chính còn đang lấn cấn vấn đề này.
“Điều 30, Khoản 3, Luật GTĐB đã cấm người đi xe máy không được dùng điện thoại di động nhưng lại không cấm đối với ô tô. Tuy nhiên, khi đối chiếu với Công ước Viên lại cấm hành vi sử dụng điện thoại cầm tay khi điều khiển phương tiện cơ giới mà Việt Nam cũng là thành viên và cam kết thực hiện”, ông Minh dẫn chứng và khẳng định: “Chúng ta có đầy đủ căn cứ để lực lượng chức năng có thể dừng xe phạt nếu phát hiện hành vi sử dụng điện thoại chứ không cần thiết phải chờ sửa Luật GTĐB”.
Về vấn đề này, TS. Vũ Anh Tuấn cho biết, một số nước để phát hiện lái xe ô tô sử dụng điện thoại khi lái xe họ có hệ thống camera trên đường và chụp ảnh biển số xe, lái xe đang sử dụng điện thoại làm bằng chứng để xử phạt. Bên cạnh đó, họ cũng có thiết bị phát hiện lái xe sử dụng điện thoại đặt ở ven đường. Tuy nhiên, không thể lắp camera ở tất cả hệ thống quốc lộ hay cứ mấy trăm mét lại lắp thiết bị phát hiện mà họ đang nghiên cứu can thiệp bằng kỹ thuật phá sóng điện thoại trên xe, trong phạm vi ghế lái người lái xe không nhận được sóng điện thoại. Hay như trên điện thoại sẽ có chế độ báo đang lái xe cho người gọi. Tại Việt Nam có thể áp dụng hình thức phá sóng là cần thiết.
Đại diện Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, sử dụng điện thoại khi lái xe là hành vi rất phổ biến, nguy hiểm đến ATGT. Về vấn đề xử phạt, vị đại diện này khẳng định, xe máy trong luật đã quy định rõ, nhưng xử phạt đối với lái xe ô tô thì chưa. Tuy nhiên, Công ước Viên đã quy định chúng ta cần phải theo, bởi công ước cao hơn luật. Sắp tới khi sửa Luật GTĐB chúng ta cập nhật hành vi này theo công ước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận