CSGT Công an Thanh Hóa đo nồng độ cồn người đi xe máy |
Một lần là chừa hẳn
Lần theo danh sách vi phạm nồng độ cồn được CSGT TP Thanh Hóa xử phạt, PV Báo Giao thông gặp anh Nguyễn Văn Thành (24 tuổi, trú tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), vi phạm nồng độ cồn trên 0,4 ml trong khí thở, bị phạt 2,5 triệu đồng, giữ xe từ cuối tháng 11. Anh Thành kể, hôm đó, có công việc trên TP Thanh Hóa, anh gặp bạn bè rủ đi nhậu, nhậu lâng lâng thì rủ nhau đi hát.
“Vừa từ quán nhậu ra được một đoạn đường ngắn, chúng tôi thấy CSGT ra tín hiệu dừng xe, rồi được hướng dẫn dùng miệng thổi vào cái ống nhựa. Thổi xong, CSGT thông báo tôi vi phạm nồng độ cồn, phạt tới 2,5 triệu đồng và bị giữ xe. Mấy đứa bạn đi cùng cũng “dính” lỗi này vì nhậu say quá. Nhậu hết tiền giờ bị phạt lại giữ xe thế là cả mấy đứa cuốc bộ. Mãi hơn một tuần sau, tôi mới lên lấy xe và nộp phạt. Đúng là nhớ mãi, giờ nhậu xong đi taxi, xe “ôm” cho an toàn”, anh Thành nói.
Anh Trịnh Văn Hùng (35 tuổi, ở xã Quảng Tân, Quảng Xương, Thanh Hóa) cho hay, hôm mùng 2/9, sau khi cả nhà tổ chức ăn uống nhậu nhẹt thì rủ nhau chạy ô tô lên TP Thanh Hóa chơi. Đến khách sạn Thiên Ý nằm trên đường Bà Triệu (TP Thanh Hóa), CSGT dừng xe yêu cầu thổi vào ống thổi. Thổi xong, chúng tôi được thông báo vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, phạt 12,5 triệu, tước GPLX và giữ xe hai tháng.
“Lúc đó, mấy anh em bức xúc lắm, nhưng CSGT nói nếu lái xe mà uống rượu không làm chủ được tốc độ thì số tiền phạt chẳng có ý nghĩa gì so với tính mạng của bao người trên xe. Tỉnh rượu mới thấm điều CSGT nói là rất đúng”, anh Hùng chia sẻ.
Biển xanh, biển đỏ cũng vi phạm nồng độ cồn
Thiếu tá Nguyễn Hồng Hải, Đội trưởng Đội CSGT TP Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh Thanh Hóa, lực lượng CSGT TP Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp để “săn” ma men trên những tuyến đường trọng điểm, gần nhà hàng, quán nhậu. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được thực hiện tất cả các ngày trong tuần và nhằm vào các khung giờ cao điểm (từ 19h - 22h30).
“Việc xử lý vi phạm thường được các tổ triển khai tại các tụ điểm nhà hàng ăn uống, tuyến đường ra vào khu ăn uống. Trong quá trình xử lý chúng tôi gặp không ít khó khăn bởi đa số những người uống rượu vào rồi thường hay thể hiện tính cách ngang bướng, có trường hợp dọa dẫm, bất hợp tác với lực lượng làm nhiệm vụ. Không những thế nhiều trường hợp vi phạm thường dùng điện thoại gọi cho các mối quan hệ để can thiệp nên khi xử lý vi phạm thì chúng tôi phải xử lý nhanh, tránh trường hợp xin xỏ”, Thiếu tá Hải nói.
Theo Thượng úy Hoàng Mạnh Tiến, Đội CSGT TP Thanh Hóa, việc xử lý các trường hợp ma men điều khiển phương tiện không dễ dàng, khó giải quyết, nhưng nếu không quyết liệt dễ dẫn tới việc người điều khiển phương tiện bất chấp hoặc không quan sát, làm chủ được tay lái rất dễ gây tai nạn. “Tại thời điểm xử lý thì những phương tiện đều bị tạm giữ không để cho người vi phạm tiếp tục điều khiển”, Thượng úy Tiến nói.
Đại úy Bùi Khắc Vân, Phó đội trưởng Đội CSGT TP Thanh Hóa cho hay, tính từ tháng 2/2015 đến nay, Đội đã lập biên bản xử lý 193 trường hợp, phạt tiền trên 1 tỷ đồng, tước GPLX 193 trường hợp và tạm giữ 93 xe ô tô. “Tất cả các trường hợp vi phạm nồng độ cồn chúng tôi đều xử lý rất nghiêm, bởi tài xế có nồng độ cồn vượt ngưỡng lái xe rất nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông. Trong số xe vi phạm có một xe biển số xanh và một xe mang biển đỏ với mức phạt từ 7,5 triệu - 12,5 triệu đồng”, Đại úy Vân cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận