Rượu, bia và những hiểm họa khôn lường
Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết, nhiều người Việt hay có thú vui uống rượu bia. Từ chỗ “vui là chính”, bia rượu quá đà dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc, thậm chí vi phạm pháp luật và gây ra những vụ TNGT thảm khốc.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lã Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, qua vụ tai nạn ở Long An và nhiều vụ khác gần đây, chúng ta thấy rằng, người lương thiện đứng chờ đèn đỏ, đi bộ trên vỉa hè, lòng đường đúng luật cũng có thể bị những người say rượu lái xe đâm tử vong. Qua kiểm tra ở các bệnh viện dịp Tết, đặc biệt là Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Việt Đức (Hà Nội), những vụ tai nạn thương tâm nhất đều do uống rượu bia, không làm chủ được tay lái.
"60% các trường hợp cấp cứu ở các bệnh viện có nguyên nhân liên quan đến rượu bia. Dịp Tết, tai nạn giao thông tăng cao khiến bác sỹ chúng tôi hầu như không được nghỉ dịp Tết”, ông Khuê nói.
TS Trần Hữu Minh, với 10 năm kinh nghiệm quy hoạch giao thông ở Anh, cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông giảm sút đáng kể khi uống rượu bia. Chỉ một ly rượu vang hay nửa cốc bia, khả năng phản ứng tăng giảm tốc, duy trì quỹ đạo của phương tiện hay xử lý tình huống đã bị ảnh hưởng. Một người có nồng độ cồn trong máu ở mức 80mg/100ml có thể gây tai nạn giao thông tăng gấp gần 3 lần so với người không có nồng độ cồn.
“Khi đã uống rượu, khả năng kiềm chế của con người giảm đi nhiều, đặc biệt có tâm lý "vẫn có thể đi xe an toàn", trong khi thực tế không phải như vậy. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới coi đây là hành vi nguy hiểm nên đã quy định mức kiểm soát nồng độ cồn từ 80/100ml xuống 50mg/100ml máu và xu hướng này diễn ra với cả các nước đang phát triển. Một số nước đã cấm tuyệt đối rượu bia khi lái xe như: Cộng hòa Séc, Rumania, Hungary, Slovakia”, ông Minh nói.
Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Bùi Huynh Long nêu quan điểm, bình quân có khoảng 27 người chết vì tai nạn giao thông trong dịp nghỉ Tết là con số đáng báo động. Đa phần các vụ tai nạn giao thông dịp Tết liên quan đến sử dụng rượu bia. Điều này cũng dễ hiểu bởi dịp nghỉ lễ, Tết, mọi người thường đi chúc nhau, nhiều khi uống quá chén nên tham gia giao thông rất dễ xảy ra tai nạn. Rất nhiều nạn nhân đã sử dụng rượu bia, không làm chủ được tốc độ nên tự gây tai nạn hoặc tông vào người khác”, ông Long lo ngại.
Theo ông Long, thực tế có người khi đi làm việc ở thành phố thì chấp hành Luật Giao thông khá nghiêm, nhưng khi về quê lại vi phạm do có tâm lý ngày Tết ở quê ít CSGT. “Hơn nữa, lực lượng chức năng cũng có tâm lý nể nang, không muốn mang lại xui xẻo cho bà con nên thường chỉ nhắc nhở khi phát hiện vi phạm. Đây là nguyên nhân lý giải lượng xử phạt trong ngày Tết có tăng nhưng không nghiêm minh được như ngày bình thường”, ông Long cho hay.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, các nghiên cứu gần đây cho thấy uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, chạy xe với tốc độ cao. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro.
“Tai nạn giao thông trong những ngày Tết vẫn gia tăng. Số ca tai nạn và số người tử vong tăng gấp đôi so với ngày thường. Riêng dịp Tết, có tới 70% số vụ TNGT có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia", ông Hùng cho biết thêm.
Đề cao vai trò người vợ, người mẹ
Theo ông Khuất Việt Hùng, vào quý I hàng năm, có nhiều lễ hội xuân diễn ra trên khắp cả nước, thu hút số lượng lớn người tham gia. Mức độ sử dụng rượu bia của người dân và khách tham quan dịp này tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự ATGT. Không tham gia giao thông khi đã uống rượu bia, đó vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng, sẽ vẫn không phải là thừa khi những con số thương vong do TNGT, do rượu bia vẫn diễn ra hằng ngày, đặc biệt trong dịp lễ, Tết.
Ông Hùng cho rằng, vai trò của người mẹ, người vợ, người yêu đối với nam giới trẻ rất quan trọng. Hội họp nhiều người cố gắng kiềm chế nhưng không tránh khỏi việc bị dồn ép chúc tụng nhau. Cho nên, tôi cho rằng, việc đầu tiên, nếu đi uống rượu nên đi taxi, không lái xe, mà tốt nhất là vợ chở mình về. Cá nhân tôi cho rằng, nếu những người phụ nữ thực sự tích cực, họ sẽ giúp đỡ rất nhiều cho công tác tuyên truyền người thân “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
"Việc phòng chống tác hại rượu bia, vai trò và trách nhiệm của những người phụ nữ, người mẹ, người vợ, người yêu cần được đặt ở vị trí trung tâm. Biện pháp tuyên truyền hạn chế uống rượu bia thông qua chị em là có tác dụng hiệu quả nhất. Những người thân cận nhất cùng nhau nhắc nhở và lên án mạnh mẽ, tôi tin, không có ông chồng nào yêu vợ, yêu con lại vẫn tiếp tục bê tha chè chén", ông Hùng nói..
Say rượu lái xe bị phạt rất nặng
Các chuyên gia pháp lý khuyến cáo người dân nên lưu ý khi uống rượu bia ngày Tết. Chỉ riêng việc phạm tội khi say rượu, người vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Luật sư Trương Xuân Tám cho biết, Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt đối với hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông như sau: vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở bị phạt 2-3 triệu đồng, tước bằng lái xe 1-3 tháng. Vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg - 0,4mg/1 lít khí thở bị phạt 7-8 triệu đồng, tước bằng lái xe 3-5 tháng. Vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở bị phạt 16-18 triệu đồng, tước bằng lái xe 4-6 tháng.
“Nếu uống bia rượu gây tai nạn mang lại hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202 Bộ Luật hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 10 năm”, luật sư Tám nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận