Chưa kể việc lạm dụng rượu bia còn làm giảm sức khỏe, năng lực nhận thức, năng suất lao động, ảnh hưởng thần kinh và nòi giống dân tộc. Rượu bia gia tăng đồng nghĩa với thiệt hại càng lớn, TNGT ngày càng nhiều.
Không nơi nào tiêu thụ rượu bia dễ dãi như chúng ta
Ở Việt Nam, bất kỳ ai cũng có thể uống rượu bia, không phân biệt nam, nữ hay độ tuổi. Buồn cũng uống, vui cũng uống, thậm chí uống mọi lúc, mọi nơi từ sáng đến trưa, chiều, tối với đủ lý do nào là ngoại giao, hợp tác, thể hiện bản lĩnh đẳng cấp... Tửu lượng càng cao được cho là nhiệt tình, biết điều, biết chơi.
Hiếm nơi nào việc uống rượu bia dễ dàng như ở ta, từ miền quê đến các đô thị lớn. Tiện hơn nữa, giá rượu, bia quá rẻ, nhiều nơi có cả làng nhậu, phố nhậu đông đúc, nhộn nhịp.
Trong lần đi nhậu với một nhóm công nhân xây dựng uống bia hơi, quan sát tôi thấy quán rất đông khách, phần lớn là sinh viên và dân lao động. 8 người ngồi nhậu cả buổi chiều tối, uống tới 30 lít bia giá chỉ 125.000 đồng, tiền mồi khoảng 200.000 đồng, cộng lại tất cả chỉ có 325.000 đồng, chia đều mỗi người chỉ tốn 40.000 đồng. Đó là bia hơi, chứ nếu uống rượu đế còn rẻ hơn.
Rượu bia tiêu thụ quá mức ở nước ta trở thành gánh nặng cho cá nhân, gia đình, xã hội. Bộ Y tế từng thống kê, ở nước ta rượu bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ mất sức khỏe hàng đầu. Khoảng một tháng trước khi đưa dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia ra bàn thảo ở Quốc hội, liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ TNGT liên quan rượu bia làm chết nhiều người khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Hiện, tình trạng sử dụng rượu bia lái xe rất phổ biến, nhất là những người sử dụng xe cá nhân đi ăn nhậu rồi tự lái xe về. Nhiều người biết như vậy là vi phạm quy định khi tham gia giao thông và dễ gây ra TNGT nhưng họ vẫn bất chấp. Việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng cũng gặp phải không ít khó khăn và còn những hạn chế nhất định. Trong đó, việc ra quân kiểm tra thường phải có kế hoạch chuyên đề được phê duyệt, bố trí tập hợp đủ lực lượng làm việc, không thể cùng lúc xử lý khắp mọi nẻo đường. Người vi phạm nồng độ cồn đủ chiêu đối phó, tìm cách tránh né sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Dù chế tài những năm gần đây đã tăng nặng nhưng việc kiểm tra, xử phạt chưa đồng bộ nên có tình trạng nhờn luật.
Chúng ta không thể mãi thờ ơ
Theo tôi, để ngăn chặn ma men lái xe nên làm từ gốc, không thể để việc sử dụng rượu bia tràn lan như hiện nay. Một khi chưa thể cấm hẳn rượu bia, chúng ta phải kiểm soát chặt nhằm hạn chế đến mức tối đa. Không thể chỗ nào cũng được phép kinh doanh và mua bán rượu bia. Chúng ta cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia khiến người uống phải cân nhắc vì tốn kém. Đồng thời, cấm quảng cáo đồ uống có cồn dưới mọi hình thức; Nghiêm cấm việc bán rượu bia cho trẻ em và vị thành niên như nhiều nước trên thế giới đã làm.
Theo tôi, chúng ta cũng nên quy định việc mua bán rượu bia trong khung thời gian nhất định. Địa điểm kinh doanh như nhà hàng và quán nhậu sử dụng rượu bia phải đăng ký, không thể tràn lan như lâu nay. Nhiều nước đã làm được, nếu chúng ta đồng lòng, tôi tin cũng sẽ làm tốt.
Luật Phòng chống tác hại rượu bia cần bổ sung những quy định ràng buộc, chế tài xử lý vi phạm trong giao thông. Như uống rượu bia nhiều hay ít cũng không lái xe, nếu vi phạm ngoài phạt tiền thì tạm giữ phương tiện, gây tai nạn là bị tước GPLX vĩnh viễn. Nếu phát hiện có nồng độ cồn khi lái xe, người vi phạm phải bị phạt lao động công ích góp phần cho giao thông tốt đẹp hơn. Bất kỳ vi phạm nồng độ cồn khi lái xe đều bị công khai tên tuổi nơi làm việc, nơi ở để nhắc nhở và tuyên truyền. Nếu những việc này làm đồng bộ sẽ dần loại bỏ hành vi lệch chuẩn.
Nhưng theo tôi được biết, dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia được nhân dân chờ đợi sau nhiều lần bàn thảo có dấu hiệu yếu dần trong ngăn chặn nạn lạm dụng rượu bia, say xỉn lái xe gây tai nạn. Cụ thể, so với những lần dự thảo trước, lần này lại loại bỏ những nội dung cốt lõi mang tính quyết định như: Tăng thuế, siết chặt quảng cáo, kiểm soát kinh doanh trên mạng, uống theo giờ…
Lạm dụng rượu bia đang lấy đi sinh mạng không biết bao nhiêu người mỗi ngày và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nòi giống dân tộc... Chúng ta không thể mãi thờ ơ. Dư luận đang mong chờ Đại biểu Quốc hội đại diện cho nhân dân có tiếng nói mạnh mẽ và quyết liệt, sự quyết tâm của cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền để Luật Phòng chống tác hại rượu bia đủ sức hạn chế, đẩy lùi vấn nạn này. Luật phải đủ mạnh thì các quy định trong đó sẽ được triển khai giúp quản lý tốt, thực thi hiệu quả sẽ góp phần ngăn chặn ma men lái xe.
Mỗi tuần trao 4 giải thưởng hấp dẫn
Bạn đọc có thể tham gia diễn đàn dưới nhiều hình thức như gửi bài, ảnh, video, chia sẻ câu chuyện của chính mình hoặc cung cấp ý tưởng, kinh nghiệm, giải pháp để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ngăn chặn hành vi sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Các tác phẩm đạt chất lượng, được đăng tải trên Báo Giao thông sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định của Báo. Nơi nhận tác phẩm tham gia diễn đàn: Trụ sở Báo Giao thông, số 2 đường Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; Email: thang.nguyen@baogiaothong.vn; Điện thoại đường dây nóng: 0914799709.
Mỗi tuần Ban tổ chức sẽ trao: 1 giải Nhất tuần trị giá 2 triệu đồng + 2 mũ bảo hiểm đạt chuẩn có gắn logo Báo Giao thông; 1 giải Nhì trị giá 1 triệu đồng + 2 mũ bảo hiểm; 2 giải Khuyến khích: mỗi giải 2 mũ bảo hiểm.
Đừng để thốt lên tiếng “trời ơi” muộn màng giành giải Nhất tuần thứ ba
Trong tuần thứ ba, Diễn đàn Khẩn cấp chặn “ma men” lái xe do Báo Giao thông tổ chức tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các tác giả từ Bắc chí Nam với gần 20 bài viết gửi về và được đăng tải trên báo giấy, báo điện tử baogiaothong.vn. Qua quá trình đánh giá, Báo Giao thông đã lựa chọn, trao giải cho 4 tác phẩm xuất sắc nhất.
Cụ thể, giải Nhất tuần được trao cho tác phẩm: “Đừng để thốt lên tiếng “trời ơi” muộn màng” của tác giả Trần Kiêm Hạ. Giải Nhì thuộc về tác phẩm: “Ám ảnh cái chết tích tắc sau tay lái của “ma men” của tác giả Trần Nam Anh. Giải Khuyến khích được trao cho hai tác phẩm: “Chuẩn hóa khung kiểm tra mới chặn được “ma men” lái xe” của TS. Nguyễn Hữu Đức và “Lập “kỷ luật thép” ngăn “ma men” lái xe” của tác giả Đỗ Ngô Trần.
Với mục đích truyền tải đến cộng đồng thông điệp “Say xỉn lái xe là tội ác”, các bài viết đăng tải trên Diễn đàn tuần thứ ba tiếp tục xoay quanh những vụ TNGT thương tâm xảy ra để lại sự đau đớn cho cả người ra đi và người ở lại.
Ngược dòng thời gian, tác giả Trần Kiêm Hạ đã tái hiện bi kịch của một anh tài xế cừ khôi tên Ph. trên công trường Đại thủy nông Nam sông Thạch Hãn. Trong ngày mừng thắng lợi công trình vượt lũ hoàn thành, cuộc rượu, bia bạt ngàn của Ph. và những chiến hữu không chỉ khiến Ph. bị người yêu giận bỏ về ngay trong đêm mà trong men say, Ph. chính là thủ phạm gây ra một tai nạn thảm khốc, điều khiển chiếc xe ben hạng nặng đâm trực diện vào chiếc xe khách 50 chỗ, quá nửa hành khách trên xe khách phải bỏ mạng khiến Ph. phải thốt lên hai chữ “trời ơi” muộn màng.
Trong khi đó, tác giả Trần Nam Anh lại đưa đến độc giả câu chuyện về sự ám ảnh của một thanh niên mới lớn khi nhớ lại cái chết bất chợt của người bạn thân. Đó là một ngày bạn bè cùng chìm vào cơn say, cùng leo lên chiếc xe và giao tính mạng mình cho một “ma men” cầm lái. Rượu ngấm, người điều khiển xe mất kiểm soát, trong một phút “hưng phấn” lạng lách, bốc đầu, một trong ba người trên xe cũng bị “hất” khỏi cuộc đời mãi mãi do không kịp phản xạ, chống đỡ khi rơi tự do xuống mặt đường.
Diễn đàn tuần 3 còn quy tụ những giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn “ma men” hiệu quả. Đó là đề xuất chuẩn hóa khung kiểm tra của TS. Nguyễn Hữu Đức với khái niệm DUI (Driving Under the Influence) cùng 3 bài kiểm tra phát hiện trường hợp lái xe dưới ảnh hưởng (có hại) bao gồm: Kiểm tra rung giật nhãn cầu (HGN), Kiểm tra đi và xoay người (WAT) và Kiểm tra đứng một chân (OLS).
Tác giả Đỗ Ngô Trần thông qua bài viết của mình cho rằng, song song với gia tăng mức phạt với người gây tai nạn, cơ quan chức năng Việt Nam cũng cần nghiên cứu, áp dụng thêm biện pháp với người uống rượu bia chưa gây tai nạn nhằm ngăn chặn nguy cơ gây tai nạn ngay từ đầu.
Nam Khánh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận