Đường hỏng, nhiều đoạn đi bộ dễ hơn đi xe
Người phụ nữ bán hàng tạp hóa ở cổng UBND xã Quảng Phong, huyện Hải Hà cho biết: "Con đường này được làm bê tông, khi mới hoàn thành đường phẳng đẹp, đi lại rất dễ dàng, an toàn. Vậy mà chỉ được vài năm, nay đường xuống cấp, đi lại khó khăn lắm".
Mặt đường bê tông bị hỏng, tạo ra những "sống trâu" giữa đường rất nguy hiểm
PV Báo Giao thông ghi nhận, vừa qua khu vực cổng UBND xã Quảng Phong vài trăm mét, mặt đường bê tông bị bong tróc, ngổn ngang đá, sỏi, trơn trượt. Mỗi khi có ô tô ngược chiều, đá văng vào xe kêu côm cốp. Nhiều người đi xe máy thì phải lạng lách để tránh những đoạn đường bong tróc.
Ông Nông Kế Hiệu (ở thôn 7, xã Quảng Phong) vừa gò lưng dắt chiếc xe đạp cà tàng trên tuyến đường lởm chởm sỏi đá, vừa chỉ tay vào chiếc xe chở gỗ keo chất có ngọn, lặc lè đi qua, than: "Cứ thế này làm gì đường không hỏng".
Mặt đường bê tông bị cày nát
Theo ông Hiệu, trước đây, đường này bằng đất trơn trượt, gần 10 năm nay, đường được làm bê tông khang trang, đi lại thuận lợi, ai cũng mừng. Nhưng rồi những năm gần đây, xe tải chở vật liệu, chở gỗ ngày đêm chạy trên đường khiến đường nát, hư hỏng thế này.
"Tôi đạp xe cứ phải lượn tránh qua các ổ gà, vạt đá, sỏi trơn trượt trên đường, mỏi tay quá đành xuống dắt bộ", ông Hiệu than thở.
Xe chở gỗ cơi nới, chở quá tải là một trong những "thủ phạm" gây ra tình trạng đường sá hư hỏng
Ngầm tràn chắn lối lúc lũ về
Người dân Quảng Phong không chỉ ngán ngẩm khi phải lưu thông trên đoạn đường xuống cấp, mà còn thêm nỗi lo "đứng ngồi không yên" khi ngầm tràn trên tuyến đường này thường xuyên bị ngập băng khi mưa lũ về.
Ngầm tràn qua sông Pồ Lồ bị ngập băng nước làm chia cách cục bộ 3 thôn 7,8, 9 với trung tâm xã Quảng Phong
Trên tuyến đường từ trung tâm xã Quảng Phong vào khu vực Quảng Văn có 1 cầu tràn bắc qua sông Pồ Lồ, được xây dựng tại vị trí trũng, thấp nhất của tuyến đường.
Mỗi khi mưa to hay khi thủy triều dâng cao, cây cầu này bị ngập sâu trong nước, khiến cả khu vực thành "ốc đảo".
Ngầm tràn được xây thấp, khẩu độ thoát nước quá hẹp nên khi nước đổ về sẽ bị chặn lại, dâng cao
Qua quan sát của PV, việc thi công cầu dân sinh này có rất nhiều bất cập, không chỉ nằm ở chỗ trũng mà khẩu độ dòng chảy cũng quá hẹp, khi có mưa, lũ về dòng nước bị ngăn lại, dâng cao.
Cùng với đó, việc thiết kế, lắp đặt hệ thống cọc tiêu, hộ lan cũng không ít hạn chế. Điển hình là hệ thống cọc tiêu ở hướng từ trung tâm xã Quảng Phong vào, nơi cần đặt thì không có, nếu phương tiện đi từ trên dốc xuống gặp sự cố thì có thể lao thẳng xuống sông. Còn những chỗ có cọc tiêu bị gãy từ lâu, nhưng không được thay thế.
Một chiếc cọc tiêu qua cầu tràn bị "đốn gục" từ lâu, nhưng không được thay thế
Theo anh Hà Hoa, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 9 thì ở thôn cho nhiều người làm công nhân thuộc Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà. Vào mùa mưa lũ, công nhân không đi làm được, học sinh không đến trường được vì ngầm tràn ngập băng.
"Tại kỳ thi vào THPT cách đây vài năm, hàng chục học sinh của xã đã không thể đến địa điểm thi vì gặp lũ không sang được. Cũng cách đây vài năm có 2 người dân ở thôn 7 và thôn 9 khi có việc gấp, liều mình phóng xe máy qua tràn và bị lũ cuốn trôi", anh Hoa kể.
Những chiếc cọc tiêu được lắp đặt thưa lại không phù hợp, chỉ cần sơ xảy, người và phương tiện sẽ có thể lao xuống sông
Trao đổi với PV, bà Bùi Thị Cúc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Phong, huyện Hải Hà cho biết: Tuyến đường từ trung tâm xã Quảng Phong đi Quảng Văn có chiều dài gần 3km, được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2015, hoàn thành đầu năm 2016, mặt đường bê tông rộng 4m.
"Hiện nay, đã có dự án nâng cấp, sửa chữa đoạn đường này. UBND huyện Hải Hà đã đưa dự án vào nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2023-2024 với khái toán khoảng 15 tỷ đồng. Trong đó, ngầm tràn dự kiến sẽ được nâng lên thêm 1,5m", bà Cúc nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận