Đường bộ

Quảng Nam: Cầu Câu Lâu cũ nguy cơ sập vì thiếu tiền sửa chữa

03/10/2023, 08:00

Sau hơn 4 tháng cầu Câu Lâu cũ bị sập lan can, việc sửa chữa, gia cố gặp khó vì thiếu vốn, thất lạc hồ sơ thiết kế.

Thất lạc hồ sơ thiết kế cầu 

Giữa tháng 5/2023, lan can bảo vệ phía nam cầu Câu Lâu cũ nối thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) bất ngờ bị đổ, tạo ra một khoảng trống hoác trên trên cầu, gây mất ATGT.

Ghi nhận của PV, tại nhịp cầu số 8 từ mố phía nam (địa phận huyện Duy Xuyên) cầu trụ lan can và tay vịn phía đông đã đứt gãy hoàn toàn với chiều dài gần 12m.

photo-1696258349701

Hệ thống lề bộ hành, lan can cầu Câu Lâu cũ bị đổ, trụ cầu bong tróc bê tông, lộ cốt thép hoen gỉ.

Cạnh đó, trụ lan can và tay vịn phía tây cũng nứt, vỡ bê tông. Mặt cầu xuất hiện rạn nứt dọc tim cầu. Các mố trụ cầu cũng đã quá cũ kỹ, hư hỏng, lộ cốt thép gỉ sét tại nhiều vị trí.

Sau hơn 4 tháng xảy ra sự cố, việc đảm bảo an toàn cho các phương tiện đi lại trên cầu chỉ dừng lại ở mức hàn thép, bịt lại các vị trí lan can bị đổ và hạn chế tải trọng xe qua cầu ở mức 5 tấn.

Tuy nhiên, việc hạn chế tải trọng đã ảnh hưởng đến các tuyến xe buýt và việc đi lại, buôn bán của người dân hai địa phương.

Trong đó, có khoảng 585 hộ dân với hơn 2.400 nhân khẩu của thôn Triêm Nam (phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn) bị ảnh hưởng lớn bởi đường đi chính của thôn này kết nối với đoạn gần giữa cầu.

Theo tìm hiểu, từ năm 2008, Khu Quản lý đường bộ III đã bàn giao tuyến quốc lộ 1A cũ, bao gồm cầu Câu Lâu cũ cho địa phương quản lý, bảo trì. Trong đó, nội dung bàn giao có cả tuyến đường và hồ sơ lý lịch cầu, số liệu quản lý, hồ sơ hoàn công sửa chữa…

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, Sở GTVT đề nghị UBND huyện Duy Xuyên cho mượn hồ sơ của cầu Câu Lâu cũ để thực hiện công tác quản lý, sửa chữa. Tuy nhiên, UBND huyện Duy Xuyên cho biết, trong kho lưu trữ của huyện và các phòng, ban không thấy hồ sơ của cầu Câu Lâu cũ.

Nguy cơ sập cầu bất cứ lúc nào

Không chỉ đứt gãy lan can, hư hỏng bề mặt, hiện trụ số 8 cầu Câu Lâu cũ cũng sụt lún trụ cầu khiến một đoạn cầu bị võng xuống, có thể thấy bằng mắt thường.

Đến đầu tháng 10/2023, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam vẫn chưa nhận được hồ sơ của cầu Câu Lâu cũ. Do đó, không thể biết được độ sâu của các trụ cầu trước đây được đóng sâu bao nhiêu. Việc này ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo an toàn và tính bền vững của cây cầu.

photo-1696258350459

Chính quyền địa phương rào chắn tạm sau khi lan can và lề bộ hành cầu Câu Lâu cũ bị đổ vào tháng 5.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, lòng sông đoạn cầu Câu Lâu cũ từ trụ số 18 đến trụ số 22 và trụ số 31 đến trụ số 33 có tình trạng xói lở lớn, làm lòng sông sâu thêm từ 4,67-7,84m.

"Tám trụ cầu suy giảm khả năng chống đỡ, nếu không khắc phục kịp thời, cầu Câu Lâu cũ có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào", ông Thanh cho biết.

Theo ông Thanh, Sở đã đề xuất UBND tỉnh cho sửa chữa cầu Câu Lâu cũ theo phương án sửa chữa dầm chủ, cánh dầm, dầm ngang, xà mũi, hệ liên kết ngang và các mối nối bị hư hỏng. Sửa chữa các cọc bằng bê tông cốt thép bị hư hỏng, hệ cọc khía bị gỉ, mục và lấp đầy bê tông trong cọc bị rỗng, quét nhựa bitum để bảo vệ…

Đồng thời, xây dựng lại toàn bộ lề bộ hành đã hư hỏng bằng bê tông cốt thép và lan can thép mạ kẽm để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại. Tổng kinh phí cho các hạng mục này vào khoảng 30,5 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023- 2024.

Tuy nhiên, Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam cho biết, nguồn thu ngân sách gặp khó khăn, việc sửa chữa cầu Câu Lâu cũ không thuộc kế hoạch bảo trì định kỳ trong năm nên khó cân đối kinh phí thực hiện. Sở Tài chính cho rằng cần thiết quản lý theo kênh đầu tư để đảm bảo chặt chẽ.

Theo ông Trần Ngọc Thanh, việc sửa chữa, gia cố các trụ chống đỡ cầu Câu Lâu cũ rất cấp thiết, nếu không kịp xử lý, nguy cơ cầu đổ sập trong mùa mưa lũ là rất dễ xảy ra.

Cầu Câu Lâu cũ nằm trên quốc lộ 1A cũ, nối liền huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn. Cầu dài 841m bắc qua sông Thu Bồn, được xây cách đây 60 năm.

Cầu có 34 nhịp dầm đơn giản bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Mặt cắt ngang gồm 9 dầm bê tông cốt thép dạng chữ T. Tuy nhiên, đến nay cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, cần gấp rút sửa chữa, gia cố trụ cầu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại, giao thông thông suốt.

Theo các chuyên gia xây dựng cầu đường, hệ thống trụ cầu xuống cấp nghiêm trọng lại gánh 9 dầm bê tông (mỗi dầm nặng khoảng 50 tấn) thì việc sập cầu rất dễ xảy ra.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.