Nhiều cao điểm nhỏ, hiệu quả lớn
Những ngày này, diện mạo đường phố ở TP Đồng Hới đã hoàn toàn thay đổi. Đường thông, hè thoáng, các phương tiện đậu đỗ ngăn nắp. Ngay cả khu vực tượng đài Mẹ Suốt và Chợ Đồng Hới - 2 “điểm nóng” của thành phố về vi phạm TTATGT cũng trở nên thông thoáng, ngăn nắp hơn.
Chị Nguyễn Thị Quy (trú phường Hải Đình) cho biết: “Trước kia khu vực này ùn tắc, nhếch nhác lắm. Phần vì khách du lịch đông, xe đậu đỗ tràn lan, phần vì hàng quán đua nhau bày bán trên vỉa hè, lòng đường gây ra cảnh lộn xộn, rác thải khắp nơi.
Từ khi công an thành phố và lực lượng dân quân của phường xuống cắm chốt điều tiết giao thông, xử lý vi phạm, tình trạng này mới được cải thiện”.
Trung tá Hồ Ngọc Nhất, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an TP Đồng Hới cho biết, từ tháng 3/2020, Công an thành phố đã mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông, trật tự công cộng, huy động toàn bộ lực lượng CSGT, CSTT khép kín địa bàn với 4 ca/ngày.
Các lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền đảm bảo TTATGT, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, buôn bán, họp chợ, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định tại khu vực chợ Đồng Hới, tượng đài Mẹ Suốt, các tuyến đường Mẹ Suốt, Quách Xuân Kỳ (thuộc phường Đồng Hải).
“Thành công của đợt cao điểm này không chỉ giải toả được các “điểm nóng” về vi phạm TTATGT, trật tự công cộng mà còn chứng minh hiệu quả của việc phối hợp giữa các lực lượng, tới tận phường, xã, tổ dân phố theo mô hình “Chốt duy trì trật tự công cộng, trật tự đô thị”.
Đây là lực lượng nòng cốt để tiếp tục duy trì có hiệu quả các kết quả đạt được khi cao điểm kết thúc”, Trung tá Nhất nói.
Một giải pháp khác được triển khai hiệu quả là việc liên tục lập các kế hoạch, cao điểm ngắn tập trung xử lý các hành vi phạm nổi cộm trên địa bàn.
Các đợt cao điểm này cũng đều có sự tham gia của nhiều lực lượng, nhiều cấp. Trung tá Nhất cho biết, từ đầu năm đến nay, ngoài 3 đợt cao điểm thực hiện theo Kế hoạch của Cục CSGT (Bộ Công an), CSGT TP Đồng Hới còn lập nhiều kế hoạch riêng bám sát thực tiễn địa bàn.
Nổi bật là 2 kế hoạch: Cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT, bảo vệ Đại hội Đảng các cấp (bắt đầu từ 1/5/2020); Kế hoạch đảm bảo TTATGT, trật tự đô thị, xây dựng tuyến đường văn minh đô thị để phục vụ đón du khách, đại biểu về dự Lễ kỷ niệm 63 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957 - 16/6/2020)...
Cả 2 kế hoạch này đều đang được triển khai song song. Nếu như tỉnh có lực lượng 141 thì thành phố cũng có 2 tổ phản ứng nhanh có sự tham gia của Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát Môi trường để kiểm tra xử lý vi phạm giao thông, điều tra trấn áp tội phạm, từ 18h - 23h.
Ban ngày các lực lượng còn lại sẽ phối hợp với 9 phường, 6 xã chấn chỉnh lập lại trật tự đô thị trên địa bàn. “Lực lượng mỏng, địa bàn rộng nhưng nếu nỗ lực, phối hợp tốt với các lực lượng khác xử lý trước các điểm nóng, điểm phức tạp thì vẫn tạo được sự lan tỏa và hiệu quả rõ rệt”, Trung tá Nhất nhấn mạnh.
Một trong số ít tỉnh tiếp tục duy trì trạm cân
Là người theo hoạt động trạm cân từ khi Bộ GTVT trang cấp đến giờ, ông Trần Hồng Phong, Đội trưởng Đội số 1 TTGT Quảng Bình cho biết, từ khi đặt trạm, tình hình xe chở hàng hoá, vật liệu vi phạm chở quá tải giảm liên tục qua các năm.
Mức độ vi phạm cũng giảm rõ rệt. Nếu như trước đây, QL12 là trục đường nóng về xe quá tải bởi tập trung nhiều mỏ đất đá, xí nghiệp, nhà máy xi măng... nhưng nay có khi cả tuần mới có 1 xe vi phạm.
Mở cuốn sổ nhật ký theo dõi hoạt động trạm cân, ông Phong lần lượt chỉ cho chúng tôi xem danh sách các xe được yêu cầu vào cân, kết quả cân của từng xe. Có đến trên 90% xe qua cân không quá tải, 1 vài xe quá tải ở mức dưới 10%.
Thực tế, khi lực lượng TTGT cân kiểm tra ngẫu nhiên 2 chiếc xe đầu kéo chở xi măng thì cả 2 xe đều chỉ chở 30 tấn hàng (chưa vượt quá tải trọng cho phép). Tuy nhiên, do chủ quan trong lúc giám sát xếp hàng lên xe mà 1 tài xế đã bị lập biên bản lỗi vi phạm quá tải cầu đường trên 20%.
Tài xế Nguyễn Quốc Kh. (SN 1991, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phân trần: “Em nào dám chở quá tải đâu, trong nhà máy họ xếp sao em chở vậy. Ai ngờ khi qua cân, do người ta xếp dồn xi măng về 1 góc khiến xe bị quá tải trục”.
Ông Hoàng Ngọc Dũng, Chánh thanh tra Sở GTVT Quảng Bình cho biết, Quảng Bình là một trong số ít tỉnh còn duy trì hiệu quả hoạt động của trạm cân. Điều này thể hiện sự kiên trì, quyết tâm xử lý đến cùng vấn nạn xe quá tải. 6 tháng đầu năm, lực lượng thanh tra Sở đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt VPHC 115 trường hợp, trong đó có 88 trường hợp chở quá tải.
5 tháng giảm 9 người chết, 11 người bị thương
Trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh Quảng Bình xảy ra 54 vụ TNGT, làm 28 người chết, bị thương 43 người. So với cùng kỳ 2019, giảm 23 vụ (-30%), giảm 9 người chết (-24%), giảm 11 người bị thương (-20%).
“Nếu kết quả này tiếp tục được duy trì thì Quảng Bình sẽ có năm thứ 11 liên tiếp giảm TNGT. Tới đây khi bước vào năm học mới, Ban sẽ phối hợp với Công ty Honda Việt Nam trao 18.786 mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 và mở các đợt tuyên truyền ATGT mới tại các trường học”, đại diện Ban ATGT tỉnh Quảng Bình cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận