Tàu SAR 412 trong một lần nỗ lực cứu nạn tàu cá bị nạn trên biển trong điều kiện sóng to, gió lớn (Ảnh do thuyền viên tàu SAR cung cấp) |
Tàu cứu nạn SAR của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (VNMRCC) được coi là lực lượng chủ công trong tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Tuy nhiên, cũng có nhiều vụ việc tàu SAR không thể ra cứu nạn do “tầm với” quá ngắn.
Vừa thiếu, vừa yếu
Tàu cứu nạn SAR của VNMRCC được coi là lực lượng chủ công trong tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Trong năm 2016, lực lượng này đã cứu được hơn 930 người và hơn 800 tàu bị nạn trên biển. Khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào có tàu và ngư dân cũng như thuyền viên cần cứu nạn là lực lượng của tàu SAR sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, cũng có nhiều vụ việc ở khoảng cách quá xa và điều kiện sóng to gió lớn, quá sức chịu đựng của tàu nên không thể ra cứu nạn được.
Ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng phòng Phối hợp tìm kiếm cứu nạn (VNMRCC) nhớ lại ngày 20/8/2016 tàu cá QNg 96569 TS bị nổ bình gas. Tàu này bị nạn tại vị trí 15-50 N; 114-12 E, cách Đà Nẵng 350 hải lý (thuộc phạm vi quần đảo Hoàng Sa), khiến hai thuyền viên trên tàu bị thương rất nặng. Thuyền trưởng yêu cầu được cứu nạn gấp. Nhưng do khoảng cách ở quá xa, ngoài tầm hoạt động của tàu SAR nên không thể điều động tàu ra cứu nạn được.
“Chúng tôi cũng đã thông báo và yêu cầu phía Trung Quốc trên đảo Bombay cấp cứu nhưng phía Trung Quốc đã từ chối do không đủ khả năng y tế. Lúc này, tàu cá QNg 96569 TS cố gắng tự di chuyển để đưa người bị nạn vào bờ, nhưng đến ngày 21/8, một thuyền viên đã tử vong”, ông Phương nói
Theo thống kê của VNMRCC trong năm 2016, có 7 vụ trung tâm không thể điều tàu SAR đi cứu nạn. Điển hình là vụ tàu cá KH 99216 TS có 5 ngư dân bị hỏng máy thả trôi trên biển tại vị trí cách mũi Sơn Trà - Đà Nẵng 245 hải lý. Do khoảng cách quá xa, VNMRCC không thể điều động tàu SAR đi hỗ trợ tàu cá và ngư dân bị nạn. Rất may sau đó, Ủy ban Quốc gia TKCN đã điều động tàu Hải quân 635 ra hỗ trợ tàu cá bị nạn về bờ.
Một vụ việc tương tự xảy ra cách bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng 290 hải lý, tàu cá KH 96640 TS bị “tàu lạ” đâm chìm. 5 thuyền viên đã xuống thuyền thúng và trôi dạt trên biển. Do khoảng cách xa không thể điều động tàu SAR, VNMRCC đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng chỉ đạo các tàu hoạt động tại khu vực tham gia hoạt động tìm kiếm. Rất may, cả 5 thuyền viên đều được an toàn.
Xem thêm video:
Cần tàu lớn, hiện đại
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc VNMRCC cho biết, VNMRCC đang quản lý 7 tàu cứu nạn chuyên dụng. Trong đó, có 4 tàu loại 27m và 3 tàu loại 41m. Các tàu này được đặt tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu và Nha Trang để sẵn sàng ứng cứu khi có thông tin tàu gặp nạn trên biển.
“Cái khó nhất hiện nay chính là tầm hoạt động chỉ dưới 350 hải lý đối với các tàu 41m và trên 150 hải lý đối với tàu 27m, nên rất khó khăn trong việc điều động tàu đến những nơi xảy ra tai nạn cách xa bờ”, ông Hùng nói và cho biết thêm, tầm hoạt động của các tàu này thực tế đã được cải tiến rồi.
VNMRCC vừa đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư đóng mới hai tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn xa bờ có khả năng hoạt động dài ngày trên biển, tầm hoạt động trên 350 hải lý và chịu được sóng to gió lớn cấp 8. Trong đó, một tàu được đóng theo nguồn phí bảo đảm hàng hải vượt thu để thực hiện một số dự án quan trọng và cấp bách của ngành Hàng hải và một tàu phục vụ cho việc cứu nạn tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các tàu này lớn hơn, dài khoảng hơn 60m có thể hoạt động dài ngày trên biển. |
Cụ thể, năm 2014, VNMRCC đã tham khảo ý kiến của DAMEN - nhà thiết kế, đóng loại tàu TKCN và quyết định hoán cải két chứa nước thải sinh hoạt thành két chứa nhiên liệu, từ đó nâng thêm tầm hoạt động xa bờ của tàu lên đến 100 hải lý. Nhờ vậy, tàu 41m (SAR 41) có thể hoạt động tìm kiếm cứu nạn tới khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Tuy nhiên, hiện nay, đội tàu tìm kiếm, cứu nạn của VNMRCC còn quá ít và không đáp ứng được với vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn theo đường bờ biển dài 3.200km. Hơn nữa, cùng với sự phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển kéo theo nhiều hoạt động đánh bắt, khai thác dầu mỏ, du lịch... Ước tính có khoảng 130.000 tàu cá và hàng nghìn tàu biển hoạt động nên sự cố và tai nạn xảy ra trên biển cũng tăng theo.
“Các tàu cứu nạn SAR cũng chỉ chịu được sóng gió cấp 6-7 là cùng. Hơn nữa, do sức chứa nhiên liệu thấp nên tàu không thể hoạt động dài ngày trên biển. Hiện nay, với tàu SAR 27 chỉ chứa được 7 khối dầu và ra cứu nạn được trong vòng 150 hải lý. Còn tàu SAR 41 chỉ chứa được 27 khối dầu. Sau khi cải tiến có thể chứa được 33 khối, nhưng với điều kiện hoạt động ở tốc độ cao nhất khoảng 26 hải lý/h, tàu tiêu thụ trung bình khoảng gần 1 khối dầu/h. Như vậy, bình quân tàu này chỉ có thể hoạt động tối đa 33 tiếng trên biển trong điều kiện hoạt động cao nhất và trong phạm vi dưới 350 hải lý. Còn ở điều kiện bình thường, tàu cũng chỉ có thể hoạt động tối đa trên biển trong khoảng 3 ngày. Thường thì ra cứu nạn xong tàu phải về ngay chứ không thể thực hiện được nhiệm vụ tìm kiếm”, ông Nguyễn Hữu Phương chia sẻ thêm.
“Tàu đi cứu nạn thì trước tiên phải đảm bảo điều kiện an toàn cho chính mình, chứ chưa ra đến nơi đã bị sự cố giữa biển thì cứu được ai nữa. Nếu có tàu lớn hơn, chúng tôi có thể tìm kiếm, cứu nạn xa hơn và có thể ra tìm kiếm ngay khi điều kiện thời tiết xấu, sóng gió trên cấp 8. Vì thế, các ngư dân cũng như tàu hoạt động trong vùng biển của Tổ quốc sẽ yên tâm hơn”, ông Phương nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận