Mặt đường QL62 và đoạn chồng lấn giữa QL62 và QLN2 quá nhỏ hẹp gây ùn tắc giao thông |
QL62 là tuyến huyết mạch của vựa lúa khu vực Đồng Tháp Mười và Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, tỉnh Long An, dài hơn 70km. Sau gần 20 năm đưa vào sử dụng, tuyến đường trở nên quá tải, mặt đường nhỏ, hẹp, xuống cấp, TNGT, ùn tắc, kẹt xe xảy ra thường xuyên, nhất là dịp lễ, Tết.
Đầu tháng 5, PV Báo Giao thông có mặt trên QL62, chạy dọc hai bên đường có nhiều đoạn người dân dựng lều, cất nhà tạm… để kinh doanh mua bán, lấn chiếm hành lang lộ giới. Có khoảng 100 xí nghiệp, doanh nghiệp… kinh doanh lúa gạo xây nhà xưởng, kho bãi nằm dọc QL62 và QLN2, mỗi khi xe vào nhận hàng gây cản trở giao thông. Nghiêm trọng nhất, đoạn chồng lấn giữa QL62 và QLN2 từ Thạnh Hóa đến Tân Thạnh khoảng 20km mặt đường nhỏ hẹp, chỉ có 2 làn xe, hầu hết không còn vạch sơn ở giữa để phân làn đường.
Anh Nguyễn Ngọc Hải, tài xế xe tải ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) than: “Mặt đường quá nhỏ, mỗi chiều chỉ vừa một xe, mặt đường xuống cấp, nhiều đoạn bị hư hỏng nặng. Nhiều lần, tôi chứng kiến đồng nghiệp bị lật xe không phải do tài xế phóng nhanh, vượt ẩu mà do đường hẹp và phải tránh phương tiện đi ngược chiều”.
Theo anh Hải, đoạn từ huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đến huyện TP Tân An (Long An) dài hơn 71km, nhưng phải mất 3-3,5 tiếng lưu thông. “Nhiều khi chúng tôi muốn di chuyển theo cung đường khác nhưng ngặt nỗi cả vùng Đồng Tháp Mười chỉ cho duy nhất tuyến đường này”, anh Hải cho biết.
Ông Trần Thiện Trúc, Trưởng phòng Tài chính kế hoạch, Sở GTVT Đồng Tháp cho biết, những năm qua, kinh tế phát triển, lưu lượng xe tải, xe khách, container lưu thông qua QL62 tăng cao. Đặc biệt, trên tuyến QL62 có đoạn từ Km29 - Km42 chồng lấn với QLN2 khiến số lượng xe tải lớn, xe khách từ các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… lưu thông qua tuyến quốc lộ này tăng vọt. “Thống kê của Công ty CP Công trình xây dựng giao thông 674 cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, trung bình có khoảng 3.000 lượt ô tô/ngày, gần 10.000 lượt xe gắn máy, xe thô sơ di chuyển trên QL62. Chưa nói đến khi cầu Vàm Cống, Cao Lãnh hoàn thành đưa vào sử dụng, QLN2 sẽ được rất nhiều tài xế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lựa chọn để di chuyển đi miền Đông, miền Trung, TP HCM…” , ông Trúc nói.
Ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc Sở GTVT Long An cho biết, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng QL62, đoạn QLN2 đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Hiện, Sở GTVT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xin Chính phủ hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn dự phòng, ước trên 1.000 tỷ đồng. Khi có vốn, QL62 sẽ được mở rộng toàn tuyến, mặt đường rộng 12m theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Trước mắt, ngành chủ động đẩy mạnh công tác duy tu, bảo dưỡng tại các điểm hư hỏng với kinh phí gần 20 tỷ đồng/năm từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ để bảo đảm giao thông thông suốt và hạn chế TNGT trên tuyến đường này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận