ATGT địa phương

Thừa Thiên - Huế: Sẽ xóa các bến đò ngang không phép

05/11/2017, 20:05

Trao đổi với Báo Giao thông sau bài viết “Bến thuyền tự phát, chủ đò lấy áo phao “làm cảnh” phản ánh thực trạng...

32

Bài viết “Bến thuyền tự phát, chủ đò lấy áo phao “làm cảnh” (số 174, ra ngày 30/10)

Trao đổi với Báo Giao thông sau bài viết “Bến thuyền tự phát, chủ đò lấy áo phao “làm cảnh” (số 174, ra ngày 30/10) phản ánh thực trạng bát nháo hoạt động tàu, thuyền, bến thủy trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, Chánh văn phòng Ban ATGT Thừa Thiên - Huế Trần Bá Trung cho biết, mới đây đoàn kiểm tra liên ngành đã đề nghị UBND TX Hương Thủy và Hương Trà xem xét lại nhu cầu hoạt động của các bến thượng nguồn sông Hương để công bố xóa các bến đò ngang không còn hoạt động, không có giấy phép mở bến theo quy định.

Cũng theo ông Trung, đoàn công tác cũng đề nghị UBND TP Huế xem xét xóa bỏ ba bến Cồn Hến, Đập Đá, Phú Bình không còn nhu cầu phục vụ khách, bến không được cấp phép hoạt động, không đảm bảo các điều kiện an toàn; nghiêm cấm hoạt động thuyền chèo tay phục vụ khách.

Theo kết quả kiểm tra liên ngành về công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn, phần lớn các phương tiện có động cơ đều có đủ hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm còn thời hạn hoạt động, bố trí đủ áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh, người lái phương tiện có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Tuy nhiên, việc triển khai công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa chưa được các xã, phường, thị trấn vào cuộc quyết liệt, thiếu kiểm tra đôn đốc. Việc chấn chỉnh, đảm bảo các điều kiện an toàn đường thủy nội địa tại một số bến chưa đầy đủ, cần đầu tư nâng cấp và kiên cố hóa thêm.

Ông Trần Bá Trung cho biết thêm, Ban ATGT tỉnh yêu cầu Ban ATGT các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm đối với các bến, phương tiện phục vụ khách du lịch trên sông Hương và các bến đò ngang, đặc biệt là các bến thuyền dân sinh phát sinh phục vụ khách ăn uống, nhà hàng nổi trên đầm phá...

Ông Võ Hoài Nam, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, để thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, nhất là các khu vực như đầm Chuồn, cần phải có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương cơ sở. Ngoài việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức của người dân, địa phương cần thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm, phương tiện vận chuyển không đảm bảo các điều kiện hoạt động.