Bến thuyền tự phát, chủ đò lấy áo phao “làm cảnh” |
Vô tư chạy “chui”
Trở lại bến đò Cồn Tộc (xã Quảng Lợi, Quảng Điền, TT-Huế) những ngày gần đây, PV Báo Giao thông ghi nhận tình trạng tàu thuyền chở khách du lịch, người dân ngược xuôi vượt phá Tam Giang qua bến Vĩnh Tu (xã Quảng Ngạn, Quảng Điền) vô tư không mặc áo phao. Mỗi chuyến đò tròng trành vượt phá Tam Giang mất chừng 20 phút, nhưng áo phao chủ yếu chỉ để “làm cảnh”. Làm khách trên chuyến đò vượt Tam Giang ngày 16/10 mới đây, PV bất ngờ được chủ đò thông báo việc đối phó mặc áo phao vì “có CSGT quay phim chụp hình, xử lý vi phạm”, nhưng bản thân lái thuyền, phụ lái lại “phớt lờ” quy định mặc áo phao.
Ông Trần Thế Lữ, Phó chủ nhiệm HTX đường sông Quảng Điền cho hay: “Đã có nhiều chương trình tặng, hỗ trợ áo phao, phao cứu sinh cho cả chủ đò, thuyền nhưng phần lớn hành khách đều không chấp hành. Nhiều người sau khi vận động cũng chỉ cầm áo phao cho có lệ khi ngược xuôi trên đò”.
Ông Phan Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết, hầu hết lái thuyền chở khách có chứng chỉ đường thủy, nhưng thuyền được cải hoán từ thuyền cá nên không hợp quy chuẩn, không đăng ký, đăng kiểm và khu vực đưa đón khách chưa được cấp phép bến thủy nội địa. Lãnh đạo xã Phú An thừa nhận việc xử lý thuyền tự phát, cải hoán khó khăn do các thuyền ngư dân thỏa thuận miệng với khách. |
Tại bến đò Than (xã Thủy Bằng, TX Hương Thủy, TT-Huế), gần thượng nguồn sông Hương, tàu thuyền hoạt động khá tấp nập nhưng “quên” đưa áo phao cho hành khách. Thậm chí, bến đò này chưa hoàn chỉnh thủ tục cấp phép mở bến. Ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng xác nhận địa phương mới đang làm thủ tục xin cấp phép mở bến đò Than. Trong khi đó, nhiều bến đò khác như Tuần, Tân Ba... không hoạt động từ năm 2013-2014 sau khi có cầu phao bắc qua nhánh sông Tả Trạch nhưng đến nay vẫn bị xã Thủy Bằng “quên” làm thủ tục xóa bến theo quy định.
Đáng nói, 11h trưa ngày 16/10, tại bến đò lăng Minh Mạng (xã Hương Thọ, TX Hương Trà), 2 chiếc thuyền rồng TTH-0091DL và TTH-0035DL tấp vào mép sông Hữu Trạch đậu chờ khách, nhưng theo quan sát, hạ tầng bến thuyền du lịch này chẳng có gì, ngoài những bậc cấp bê tông tiếp nối xuống bãi đất rộng ra đến mép sông nham nhở. Theo xác nhận của Đội Tuần tra đường thủy nội địa (Sở GTVT TT-Huế), bến Minh Mạng hoạt động “tự phát” từ nhiều năm nay. Do địa giới hành chính của bến thuộc xã Hương Thọ, nhưng khách tham quan lại thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nên khó phân định trách nhiệm lập bến thủy nội địa.
Tương tự, ghi nhận của PV những ngày cao điểm, lượng khách đổ về đầm Chuồn (thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang) rất đông nhưng bến đỗ tàu thuyền du lịch tại đây hoàn toàn “tự phát”. Hầu hết thuyền chở khách ở đầm Chuồn đều không đảm bảo quy chuẩn, không đăng ký, đăng kiểm. Lúc khách đông, mỗi thuyền nhỏ chở khoảng 12-14 người, trên thuyền có áo phao nhưng hầu như không ai mặc. Tình trạng người dân sử dụng thuyền cá để chở khách đi tham quan đầm Chuồn khá phổ biến.
Bát nháo vận tải bờ
Trao đổi với Báo Giao thông, nhiều hành khách đến khu vực du lịch tâm linh Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Phú Lộc, TT-Huế) không khỏi bức xúc trước tình trạng “tận thu” giá vé xe trung chuyển của HTX Dịch vụ du lịch thanh niên Lộc Hòa (xã Lộc Hòa, Phú Lộc, T.T-Huế) đi đến giữa bến xe và bến thuyền Hồ Truồi. Hai địa điểm này cách nhau khoảng 1km gây khó khăn, bất lợi cho việc di chuyển của hành khách.
Theo ông Nguyễn Hiểu, Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa, xã thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo ATGT, đăng ký, đăng kiểm, áo phao, phao cứu sinh của các thuyền du lịch tại đây. Thời gian qua, HTX Lộc Hòa đã đầu tư hơn chục thuyền du lịch, bến xe và bến thuyền. Đồng thời, tổ chức xe trung chuyển đưa khách từ bến xe xuống bến thuyền (từ tháng 4/2017). Tuy nhiên, ông Hiểu cho hay: “Mức giá trung chuyển 15.000 đồng/khách của HTX này bị nhiều người phản ứng vì quá cao. Nhận thông tin, UBND huyện Phú Lộc vừa yêu cầu HTX xây dựng lại giá, điều chỉnh từ 40.000 đồng xuống 30.000 đồng/khách, bao gồm cả giá vé đi thuyền và đi xe trung chuyển”.
Đáng nói, 2 xe trung chuyển BKS 51B-216.14, 70K-5741 không có phù hiệu xe hợp đồng, xe trung chuyển theo quy định. Ở thời điểm PV ghi nhận (ngày 17/10), là ngày cuối chiếc xe 51B-216.14 hết hạn kiểm định, xe 70K-5741 cũng hết hạn kiểm định từ 13/10. Các xe này chỉ có thời hạn đăng kiểm 3 tháng/lần.
Trao đổi với PV ngày 17/10, ông Trần Quang Hồng, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch Thanh niên Lộc Hòa cho biết, thời điểm hiện tại lượng khách khá ít. Việc chưa có phù hiệu xe trung chuyển, ông Hồng cho rằng “mới chạy… 3 tháng nên chưa lên đăng ký”. Về vấn đề hết hạn đăng kiểm, vị giám đốc này thản nhiên trả lời “hết hạn thì sẽ kiểm định thôi”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận