Các tình nguyện viên chốt sơ cấp cứu Chữ thập đỏ xã Cao Xá sắp xếp lại hộp đồ sơ cấp cứu nạn nhân TNGT |
Cả gia đình cùng cứu người
Chiều 22/8, ông Nguyễn Quang Sáu (Chốt trưởng Chốt sơ cấp cứu nạn nhân TNGT xã Cao Xá) cùng các tình nguyện viên của chốt cẩn thận sắp xếp lại túi đồ sơ cấp cứu để sẵn sàng tới hiện trường khi nhận được tin báo TNGT xảy ra.
Căn nhà nhỏ của gia đình ông Sáu nằm ngay ngã tư “tử thần” giao giữa đường liên xã và QL32C nên ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn, va chạm giao thông xảy ra ở đây. “Vợ chồng tôi phải mở cửa 24/24h để hễ TNGT xảy đến còn nghe thấy mà chạy ra cứu giúp”, ông Sáu bộc bạch.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Phú Thọ cho biết, mô hình chốt sơ cấp cứu nạn nhân TNGT trên địa bàn hoạt động hiệu quả, thiết thực đã kịp thời cứu giúp các nạn nhân, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người do TNGT gây ra. Đây là mô hình ý nghĩa, cần được nhân rộng. |
Ông Sáu kể, gần đây, khoảng 5h sáng 25/7, khi vừa tỉnh giấc, ông nghe tiếng rầm ngoài đường. Vội chạy ra cửa, ông thấy một phụ nữ nằm trên đường ôm chân đau đớn, bên cạnh là chiếc xe máy chở rau, củ cồng kềnh và chiếc taxi vừa va chạm. Xác định nạn nhân bị gãy chân, ông cầm hộp sơ cấp cứu cùng lái xe taxi nhanh chóng dùng nẹp cố định chân người phụ nữ này rồi đưa lên xe chở đi viện. Còn xe máy và hàng hóa của nạn nhân, ông và người dân thu gọn lại đưa vào nhà để. Đến trưa cùng ngày, người nhà nạn nhân đã đến cảm ơn ông và xin nhận lại xe máy, hàng hóa.
Trước đó, vào một sáng tháng 6/2016, anh Nguyễn Khắc Cường, người khu xóm Thành, xã Cao Xá trên đường đi làm đêm về bị một xe ô tô đâm vào rồi bỏ trốn. “Khi tôi và người dân chạy ra hiện trường, chiếc xe gây tai nạn đã chạy được một đoạn, anh Cường nằm bất tỉnh bên vệ đường, MBH văng xa. Dù nhanh chóng gọi taxi đưa anh Cường đi viện, nhưng do thương tích quá nặng, anh Cường không qua khỏi”, ông Sáu nhớ lại.
Bà Bùi Thị Trung (vợ ông Sáu) cho biết, hai ông bà có cậu con trai sinh năm 1991 học trường Y trên Hà Nội, mỗi lần về nhà chơi, cậu đều hướng dẫn bố mẹ cách sơ cứu vết thương cho các nạn nhân. “Nhiều hôm con trai tôi về gặp vụ tai nạn trước nhà là cả gia đình vội vàng chạy ra kịp thời sơ cứu người bị nạn”, bà Trung nói.
Nhân rộng mô hình
Ông Tưởng Ngọc Thọ (Công an viên, Trưởng khu xóm Giữa và là tình nguyện viên chốt sơ cấp cứu) cho biết, trước đây, khi chốt sơ cấp cứu chưa được thành lập, ông cùng các thành viên của chốt hoạt động tự phát, hễ thấy tai nạn là mọi người khẩn trương có mặt, vừa làm công tác bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông, vừa hỗ trợ băng bó, sơ cứu các nạn nhân. “Thời gian gần đây, tai nạn trên tuyến đã giảm đáng kể, phần lớn là nhờ hệ thống đèn tín hiệu giao thông đã được cơ quan chức năng lắp đặt tại ngã tư “tử thần”, ông Thọ cho hay.
Bà Hoàng Thị Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cao Xá cho biết, chốt sơ cấp cứu Chữ thập đỏ của xã thành lập tháng 3/2016 đến nay hoạt động rất hiệu quả, mỗi năm cứu giúp hàng chục nạn nhân TNGT.
Theo bà Vũ Thị Minh Tâm, Phó chủ tịch thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ, hiện trên toàn tỉnh có 97 tổ chốt sơ cấp cứu Chữ thập đỏ với 657 tình nguyện viên hoạt động, đã giúp đỡ 1.168 trường hợp bị tai nạn thương tích và vận chuyển nạn nhân an toàn đến cơ sở y tế. “Hàng năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đều phối hợp với Ban ATGT tỉnh Phú Thọ tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật TTATGT và tập huấn sơ cấp cứu nạn nhân TNGT cho các tình nguyện viên của các chốt. Đồng thời, thường xuyên trang bị các thiết bị y tế như băng bông, gạc,… để các tình nguyện viên hoạt động dễ dàng, hiệu quả”, bà Tâm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận