TP.HCM hiện có 7 điểm đen tai nạn giao thông, riêng năm 2022 phát sinh thêm 5 điểm. Ngành giao thông thành phố đã rất nỗ lực xóa các điểm đen trên, thế nhưng thực tế mỗi năm đều phát sinh thêm các điểm mới.
Những “điểm đen” tai nạn chết người
Xe máy chạy ngang đầu xe container rất nguy hiểm ở nút giao Mỹ Thủy.
Hằng ngày, lưu thông qua vòng xoay Mỹ Thủy giao cắt đường Nguyễn Thị Định và đường Võ Chí Công (TP Thủ Đức) nhiều người đều có cảm giác bất an. Vì nơi đây, mỗi ngày có hàng chục ngàn xe container, xe tải ra vào cảng Cát Lái nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Quan sát của PV, tại điểm đen trên, hiện xe container, xe tải, xe máy đều chạy chung làn đường hỗn hợp, chưa có làn riêng cho xe hai bánh.
Vòng xuyến tại đây rộng, lưu lượng lớn nhưng đèn giao thông khó thấy, nhất là vào đêm tối. Chưa kể một số "hung thần" xe container khi ra vào cảng liên tục bấm còi xin vượt, chạy nhanh, khiến những người đi xe máy giật mình, hốt hoảng rất dễ xảy ra tai nạn.
So với vài năm trước đây, số vụ TNGT nghiêm trọng tại vòng xoay Mỹ Thủy đã giảm hẳn, nhưng nguy cơ tai nạn vẫn chực chờ vì đầu tư hạ tầng tại vòng xoay Mỹ Thủy chưa được hoàn thiện.
Chị Lê Thị Hằng, ngụ P.Thạnh Mỹ Lợi, hàng ngày đi làm qua vòng xoay Mỹ Thủy cho hay: “Mỗi ngày đi trên đường Đồng Văn Cống, qua vòng xoay Mỹ Thủy, tôi cứ nơm nớp sợ hãi.
Vì nút giao này rất nhiều container, xe tải đi lại trong khi những người đi xe máy gần như lọt thỏm ở giữa, chỉ sơ sểnh là xảy ra tai nạn như chơi”.
Còn nhớ, vụ tai nạn thương tâm vào đêm ngày 8/11 xảy ra tại vòng xoay Mỹ Thủy khiến nhiều người ám ảnh.
Vụ tai nạn làm 2 thanh niên chở nhau đi xe máy trên đường Đồng Văn Cống, hướng đường Mai Chí Thọ đến phà Cát Lái, đến vòng xoay Mỹ Thủy va chạm xe container BKS: 65H-004.56 đang rẽ vào đường Võ Chí Công.
Lực va chạm mạnh khiến hai thanh niên trên xe máy ngã vào gầm xe container, tử vong tại chỗ. Vụ tai nạn này tiếp tục gióng lên một hồi chuông cảnh báo về điểm đen nguy hiểm tại nút giao này.
Tiếp đó là điểm đen đường QL1K giao đường số 8, TP Thủ Đức. Đây là một trong 5 điểm đen TNGT phát sinh trong năm 2022 cũng đã xảy ra nhiều vụ va chạm, TNGT gây tử vong trong năm qua.
Người đi đường chắc hẳn không quên vụ tai nạn thương tâm tháng 8/2022 khiến một thanh niên đi xe máy tử vong tại chỗ khi va chạm với xe tải đi cùng chiều từ hướng cầu vượt Linh Xuân.
Ghi nhận tại vị trí ngã ba QL1K - đường số 8 này chúng tôi thấy có rất nhiều xe qua lại, đặc biệt là container.
Thế nhưng nơi đây không có đèn tín hiệu hay bất kỳ cảnh báo nào khi sang đường. Các phương tiện mạnh ai nấy đi khiến giao thông rất lộn xộn.
Anh Lê Văn Huy, thường xuyên lái xe qua đoạn đường QL1K cho biết: “Tại ngã ba này nhiều xe hướng từ đường số 8 đi ra và xe từ QL1K đi vào, các dòng xe lộn xộn, canh me nhau để đi, nếu sơ sảy sẽ rất dễ dẫn đến tai nạn”.
Ngã 3 quốc lộ 1K giao với đường số 8 không có đèn tín hiệu giao thông, xe cộ đi lại lộn xộn, đã xảy ra vụ tai nạn chết người ngày 20-8
Ngoài 7 điểm đen TNGT, TP còn phát sinh thêm 6 điểm ùn tắc giao thông gồm: Ngã tư Hàng Xanh, giao lộ Phạm Văn Đồng – Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh); giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp); giao lộ Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình); giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng và khu vực Cầu Xáng trên đường Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh).
Giải pháp nào?
Thống kê của Sở GTVT TP.HCM, năm 2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 2.017 vụ TNGT, làm chết 635 người và bị thương 1.321 người; so với cùng kỳ năm 2021 tăng 243 vụ, tăng 159 người chết, tăng 277 người bị thương.
Với 7 điểm đen còn tồn tại, Sở GTVT cho biết sẽ có giải pháp công trình và phi công trình để xử lý.
Cụ thể, Sở GTVT đã kẻ vạch sơn đảo chìm, vạch giảm tốc và gắn cọc tiêu phản quang tại vị trí giao lộ trên nhánh rẽ cầu Nguyễn Tri Phương.
Lắp đặt 2 biển báo “đoạn đường hay xảy ra tai nạn” theo 2 hướng lưu thông tại 2 đầu giao lộ Ba Tháng Hai - Lê Đại Hành và Tạ Uyên.
Sơn mới các vạch sơn đi bộ, lắp đặt biển cảnh báo, sửa chữa mặt đường khu vực giao lộ đường Thoại Ngọc Hầu (đoạn từ đường Âu Cơ đến Ngã tư Bốn Xã).
Ngoài ra, Sở còn điều chỉnh giao thông phù hợp với tình hình thực tế như cấm rẽ trái, cấm quay đầu xe, cấm các loại xe trên 5 tấn lưu thông đường D2 nối dài và đường Lương Ngọc Quyến, Q. Bình Thạnh.
Đối với điểm đen phát sinh năm 2022 tại giao lộ QL1K – đường số 8, TP Thủ Đức, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng khai thác hạ tầng Sở GTVT TP.HCM cho biết, Sở đã có văn bản đề nghị Khu quản lý đường bộ 4 – đơn vị quản lý tuyến đường trên thực hiện duy tu, sửa chữa những bất cập về hạ tầng giao thông trên tuyến đường này.
Do hiện nay tuyến BOT QL1K chưa bàn giao cho thành phố quản lý. Vì vậy, Sở không có cơ sở pháp lý để triển khai công tác bảo trì, khai thác, đảm bảo ATGT xử lý điểm đen tuyến đường trên.
Riêng điểm đen vòng xoay Mỹ Thủy, trước mắt, Sở thực hiện nhiều biện pháp nhằm kéo giảm tình hình giao thông phức tạp tại vòng xoay trên. Trong đó có việc tách pha trụ đèn điều khiển giao thông, xe hai bánh đi thẳng sẽ không lưu thông cùng thời điểm với ôtô rẽ phải.
Ngoài ra, Sở GTVT đã cho bổ sung vạch sơn kẻ chữ số tốc độ tối đa cho phép và 29 biển cảnh báo, tăng cường phản quang tại các đầu dải phân cách. Đồng thời bổ sung camera giám sát, tăng cường xử phạt nguội.
“Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ý thức chấp hành luật giao thông của các "bác tài" khi di chuyển qua vòng xoay vốn được mệnh danh là "tử thần" này”, ông Đường nói.
Kế hoạch xử lý điểm đen trong năm 2023, theo Sở GTVT sẽ tập trung giải pháp như đẩy nhanh tiến độ các dự án, giải phóng mặt bằng, thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình giao thông như nút giao thông Mỹ Thủy; cải tạo kích thước hình học giao lộ Trần Văn Giàu - Võ Trần Chí…
Mỗi ngày có hàng nghìn container ra vào nút giao Mỹ Thủy rất dễ xảy tai nạn với xe máy
Về tổ chức giao thông, ứng dụng mô hình mô phỏng giao thông, lắp đặt bổ sung biển báo, đèn tín hiệu giao thông, dải phân cách, camera giám sát... Thường xuyên rà soát, điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến đường.
Nghiên cứu tổ chức phân luồng khu vực trung tâm thành phố theo hướng hạn chế xe tải, xe khách lưu thông; cấm xe sơ-mi rơ-móoc lưu thông vào một số tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ, đường trục xuyên tâm thành phố...
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP.HCM cho biết, một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông do người điều khiển vi phạm tốc độ, sai làn đường, dừng đỗ sai quy định, quá nồng độ cồn, sử dụng ma túy.
CSGT bố trí lực lượng 24/24 giờ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm tại khu vực có điểm đen.
Hiện nay các phương tiện vào khu vực cảng Cát Lái vận chuyển hàng hóa mà vi phạm giao thông, CSGT sẽ lập danh sách gửi cảng từ đó cảng sẽ có biện pháp chế tài không cho phương tiện vi phạm vào lấy hàng trong một thời gian nhất định và điều này sẽ khiến chủ phương tiện có trách nhiệm hơn trong công tác giáo dục, tuyên truyền cho lái xe.
Trong năm 2022 phát sinh mới 5 điểm đen gồm: Giao lộ Thoại Ngọc Hầu - Lũy Bán Bích, quận Tân Phú; đường Ba Tháng Hai, quận 11 (đoạn từ đường Lê Đại Hành đến đường Tạ Uyên); giao lộ Quốc lộ 1K – Đường số 8, TP Thủ Đức; giao lộ Võ Trần Chí – Trần Văn Giàu, quận Bình Tân; cầu Thủ Thiêm 2 (giao giữa nhánh cầu chính và nhánh dẫn từ đường Tôn Đức Thắng lên cầu).
Trong số này có 2 “điểm đen” không tiếp tục xảy ra TNGT là Võ Trần Chí - đường dẫn cao tốc Bình Thuận - Chợ Đệm và cầu Nguyễn Tri Phương, Sở GTVT đang phối hợp với các đơn vị liên quan để công bố xóa 2 “điểm đen” nêu trên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận