Sau tuyên truyền sẽ xử lý
Sáng 6/3, tại huyện Bình Chánh, Ban ATGT TP HCM tổ chức lễ phát động Chiến dịch tuyên truyền kết hợp cưỡng chế về thắt dây an toàn với sự tham dự của hơn 500 đại biểu là đại diện các sở, ngành, đoàn hội, CSGT, các hiệp hội vận tải, taxi, bến xe và đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên trong toàn thành phố.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM cho biết, công tác tuyên truyền chiến dịch thắt dây an toàn bắt đầu từ ngày 6/3 - 17/6; công tác cưỡng chế từ ngày 17/3 - 17/6. Chiến dịch đặc biệt chú trọng tại Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, một số hãng taxi hoạt động trên địa bàn… Tại đây, các doanh nghiệp yêu cầu nhân viên, tài xế luôn luôn đảm bảo tuân thủ quy định thắt dây an toàn, nhắc nhở khách thắt dây an toàn khi ngồi trên xe.
Sáng 6/3, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại Bến xe Miền Đông, các xe khách hoạt động trong bến đều được trang bị dây an toàn. Tuy nhiên, việc thắt dây an toàn hay không lại phụ thuộc vào các tài xế. Vừa thắt dây an toàn trên xe khách giường nằm tuyến TP HCM - Đắk Nông, ông Hoàng Quang Thắng (SN 1957) cho biết, ông ủng hộ việc thắt dây an toàn và thường tự giác thắt dây trước khi xe lăn bánh. “Trước kia, tôi đọc báo thấy có vụ TNGT người đi xe giường nằm không thắt dây an toàn khi xe bị sự cố văng ra ngoài chấn thương, nên tự nhủ luôn thắt dây để khi gặp sự cố, chạy qua chỗ xóc cũng không bị va đập, văng ra đường”, ông Thắng nói.
Anh Trần Đức Chín, tài xế nhà xe Duyên Hà chạy tuyến TP HCM chia sẻ, lộ trình dài, hành khách thắt dây an toàn sẽ tránh được tình trạng xộc xệch, nhà xe yên tâm hơn.
Chung nhận định, tài xế Lê Tuấn Đức, nhà xe Phương Trang cho hay việc thắt dây an toàn là để bảo vệ hành khách. Trước khi xe rời bến, nhân viên nhà xe đều đi kiểm tra, nhắc nhở hành khách nhưng nhiều hành khách vẫn không chấp hành hoặc thắt vào nhưng lúc đi đường lại cởi ra cho… thoải mái.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, bến đã thành lập Tổ kiểm tra chuyên giám sát điều kiện phương tiện và người lái, nếu phát hiện các xe không có dây đai an toàn thì sẽ không bố trí xuất bến. “Hiện bến đang phối hợp với Ban ATGT thành phố tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền việc thắt dây an toàn qua hình thức dùng tờ rơi, loa phát thanh trong bến để hành khách tuân thủ, chấp hành”, ông Huy nói.
Tương tự, tại Nghệ An, từ ngày 1/3, lực lượng CSGT địa phương được chỉ đạo tăng cường kiểm tra, phát hiện các trường hợp điều khiển ô tô không thắt dây an toàn. Đại úy Phan Văn Lực, Trạm phó Trạm CSGT Diễn Châu cho biết: Việc kiểm tra vi phạm này được các tổ lồng ghép trong quá trình TTKS trên tuyến. Riêng trong đợt này, trạm đã chỉ đạo các tổ tăng cường kiểm tra và đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với các lái xe, hành khách và người ngồi trên ô tô để họ hiểu rõ, nghiêm chỉnh chấp hành quy định đã đề ra. Sau thời gian này, lực lượng CSGT sẽ tiến hành xử phạt nghiêm, nhất là với các xe ô tô khách, xe hợp đồng du lịch và taxi.
Lái xe hay đối phó
Theo thống kê, việc sử dụng dây an toàn có thể giảm thiểu hậu quả khi có sự cố giao thông. Hành khách không cài dây an toàn tại thời điểm xảy ra va chạm có thể dẫn tới chấn thương nghiêm trọng. Nếu thắt dây an toàn sẽ giúp giảm thiểu 50% nguy cơ tử vong cho tài xế và các hành khách ngồi phía trước, 25% đối với hành khách ngồi sau trong các vụ va chạm.
Từ ngày 1/1/2018, mức phạt từ 100 - 200 nghìn đồng đối với hành vi không thắt dây an toàn và hành vi chở người trên ô tô không thắt dây an toàn khi xe đang chạy.
Tuy nhiên, để xử lý lỗi vi phạm không thắt dây an toàn đối với xe đang chạy không dễ dàng. Trung tá Lê Ngọc Hiến, Đội trưởng Đội CSGT phía Nam, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trong quá trình TTKS trên tuyến nếu phát hiện tài xế hoặc người ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn theo quy định thì đội cũng xử lý bình thường như các hành vi vi phạm khác.
Tuy nhiên, theo Trung tá Hiến, lúc tuần tra trên đường, rất khó phát hiện lỗi vi phạm không thắt dây an toàn bằng mắt thường. Bởi xe ô tô thường lưu thông với tốc độ cao; dây an toàn lại rất nhỏ, bó sát vào người nên nhìn từ xa sẽ rất khó thấy. Chưa kể, lúc phát hiện ra tín hiệu dừng xe thì tài xế, người ngồi trên xe cũng có đủ thời gian đối phó bằng cách cài dây an toàn vào. Do đó, phạt được vi phạm này rất khó.
Cùng quan điểm, Trung tá Lê Ngọc Sáng, Đội trưởng Đội CSGT phía Bắc, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm: Ngay cả khi phát hiện và ra hiệu lệnh dừng xe, tài xế thường cãi cự lại là có thắt dây an toàn nhưng vừa tháo ra nên rất khó xử lý.
“Tôi đã gặp trường hợp khi ra hiệu lệnh dừng xe và thông báo lỗi không cài dây an toàn thì tài xế cho biết là có cài nhưng vừa tháo ra để xuống xe làm việc với lực lượng. Vì không đủ bằng chứng, cơ sở để xử lý nên những trường hợp như vậy đội thường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ quy định của pháp luật và những nguy hiểm mà tài xế và người ngồi trên xe phải đối diện khi xe gặp sự cố”, Trung tá Sáng nói.
Trung tá Phương Thúc Định, Đội trưởng Đội TTKSGT số 2 (Phòng CSGT Lạng Sơn) cho biết, tất cả những ai ngồi trên xe tại vị trí có trang bị dây an toàn. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, xử phạt cũng gặp không ít khó khăn. Một phần do kính trước của xe ô tô phản chiếu ánh sáng bị mờ, khó quan sát; Phần khác, hầu hết kính xe hai bên của xe ô tô hiện nay đều sử dụng loại kính đen, ở ngoài không thể nhìn thấy bên trong, nên rất khó phát hiện người ngồi sau có thắt dây an toàn hay không. Và nhiều lái xe sau khi bị phát hiện lỗi vi phạm thì chối, lấy lý do vì lực lượng chức năng yêu cầu xuống xe nên phải tháo dây an toàn ra chứ trước đó vẫn chấp hành quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận