Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Thanh Hóa đang kiểm tra nồng độ cồn vào buổi trưa |
Từ khi Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 1/8) tăng mức phạt với nhóm vi phạm nồng độ cồn, đã có tác động răn đe tích cực đến người tham gia giao thông. Các vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã giảm hẳn, kéo theo TNGT liên quan đến rượu bia cũng giảm.
Phạt cao là sợ
14h30 ngày 20/9, tại Km6, QL4B qua xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Tổ công tác của Đội TTKS giao thông số 2 (Phòng CSGT Lạng Sơn) phối hợp với Công an huyện Cao Lộc lập chốt kiểm tra vi phạm giao thông. Thấy tài xế Đinh Văn Kiên (trú xã Tân Liên, huyện Cao Lộc) điều khiển xe máy BKS 12K8-6536 rồ ga vụt lên, Tổ công tác ra tín hiệu dừng xe, kiểm tra hành chính rồi đề nghị tài xế Kiên thử nồng độ cồn. Khi kết quả chỉ số nồng độ cồn đo được mức 0,256 mg/lít khí thở, tài xế Kiên trình bày: “Em mới uống hai chai, cán bộ đừng giam xe để em còn về...”. Phải mất 20 phút thuyết phục, Kiên mới chịu ký vào biên bản vi phạm và gọi điện thoại để người thân đón về.
10 phút sau, phát hiện ông Luân Văn Hậu (trú xã Gia Cát, huyện Cao Lộc) điều khiển xe máy BKS 12F5-8964 loạng choạng, liên tục bật tín hiệu xi-nhan, Tổ công tác liền ra tín hiệu dừng xe kiểm tra. Ông Hậu thừa nhận đã say nên đang cố chạy nhanh về nhà nghỉ ngơi. Khi Tổ công tác đề nghị kiểm tra nồng độ cồn, ông Hậu gục lên gục xuống đến 10 lần mới ngậm được vào máy để thổi, kết quả là 0,785mg/lít khí thở. Sau khi ông Hậu ký biên bản vi phạm, Tổ công tác đã gọi xe ô tô nhờ đưa về nhà an toàn.
Nghị định 46/2016 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐB, đường sắt, thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014 có hiệu lực từ ngày 1/8/2016, đã tăng mức phạt tiền tất cả hành vi vi phạm của tài xế ô tô: Tăng mức phạt từ 10-15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước GPLX 4-6 tháng. |
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 1/8 đến nay, đã kiểm tra, lập biên bản 149 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ra quyết định xử phạt 88 trường hợp, tước GPLX 72 trường hợp.
Trước đó, 20h30 tối 17/9, tại Km 114+700 QL18, Tổ công tác gồm 16 cán bộ, chiến sỹ của Đội CSGT Trung tâm và dẫn đoàn (Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh) và cảnh sát cơ động tỉnh lập chốt kiểm tra nồng độ cồn “siêu nhanh” theo kinh nghiệm quốc tế. CSGT yêu cầu xe ô tô BKS 14C1- 3877 vào làn kiểm tra, tài xế Nguyễn Tiến Thành (trú Xuân Trường, Nam Định) thổi nhanh lấy lệ vào máy đo nồng độ cồn, liền bị yêu cầu thổi lại. Tài xế Thành vừa dứt một hơi thổi dài, Thiếu tá Nhâm Ngọc Hùng, Phó đội trưởng Đội CSGT Trung tâm và dẫn đoàn thông báo: “Nồng độ 0,166mg/lít khí thở, vượt quy định cho phép ở mức 1, phạt 2 - 3 triệu đồng”.
Tài xế Thành thắc mắc: “Tôi chỉ uống một chai nước tăng lực, không thể có nồng độ cồn được?”. Thiếu tá Hùng bèn lấy một chai nước lọc cho tài xế Thành uống và súc miệng trước khi kiểm tra lần hai. Sau một hơi thổi dài, kết quả trên máy vẫn thông báo 0,166mg/lít khí thở. Tài xế Thành gãi đầu thừa nhận trước đó có uống hai cốc bia nhưng không nghĩ còn “dư âm” như vậy.
Đo nồng độ cồn đối với tài xế Vũ Anh Tuấn (trú phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn), điều khiển xe ô tô BKS 30D-1420 cho kết quả là 0,380 mg/lít khí thở. Sau một hồi phân bua không được, tài xế Tuấn liền rút điện thoại gọi người thân can thiệp, tuy nhiên Tổ công tác cương quyết xử lý tài xế Tuấn ở mức phạt 7 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX ba tháng. “Uống có đôi chén rượu mà trả giá đắt thế này, lần sau tôi xin chừa”, anh Tuấn nói.
Thiếu tá Nhâm Ngọc Hùng cho biết, với mức phạt sửa đổi tăng nặng theo Nghị định 46, đã tạo được tính răn đe đối với các tài xế. Bởi vậy, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn từ tháng 8 đến nay đã giảm rõ rệt. Nhiều tài xế nói, chỉ bị xử phạt lỗi nồng độ cồn một lần thì không dám tái phạm nữa vì mức phạt cao và bị tước GPLX.
Giảm mạnh TNGT liên quan đến rượu bia
Ngày 19/9, trên tuyến QL47 qua địa phận huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), PV Báo Giao thông ghi nhận trong vòng 30 phút, lực lượng CSGT Đội số 2 (Phòng CSGT Thanh Hóa) đã dừng và kiểm tra trên 30 trường hợp, trong đó chỉ phát hiện được một trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đó là trường hợp tài xế Lê Khắc Thành (SN 1964, ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) điều khiển xe tải BKS 36C-172.36 bị “dính” nồng độ cồn 0,13 mg/lít khí thở.
Tài xế Thành phân trần: “Tôi cũng biết là hiện nay mức phạt về nồng độ cồn rất cao, nể lắm lúc trưa uống đúng một chén nhỏ rượu mà đã bị phạt. Lần sau uống rượu nhất định gọi xe ôm về, chỉ tốn bằng... 1/20 chỗ phạt này”.
Thượng úy Đỗ Quốc Dũng, Tổ trưởng Tổ TTKS Đội CSGT số 2 cho hay: “Từ khi mức phạt áp dụng với nhóm vi phạm nồng độ cồn cao, các trường hợp vi phạm giảm rất mạnh. Có những hôm kiểm tra cả ngày chẳng phát hiện trường hợp nào vi phạm”.
Ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính từ ngày 1/8-15/9, toàn tỉnh đã kiểm tra, xử phạt 204 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (trong đó ô tô là 148 trường hợp, xe máy là 56 trường hợp), tước GPLX đối với 204 trường hợp, tổng số tiền phạt trên 545 triệu đồng. “Do mức phạt cao, thêm vào đó các quán nhậu, quán ăn cũng tuyên truyền, nhắc nhở hành khách nên người sử dụng rượu bia tham gia giao thông giảm đi rất nhiều, TNGT liên quan đến rượu bia cũng giảm khoảng 20%”, ông Linh cho biết.
Trung tá Ngô Sỹ Chính, Trạm trưởng Trạm CSGT Diễn Châu (Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An) cho biết: Từ khi triển khai áp dụng mức phạt mới theo quy định tại Nghị định 46, Trạm CSGT Diễn Châu đã bố trí riêng một tổ thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn đối với các lái xe trên tuyến QL1. Kết quả, vi phạm về nồng độ cồn có chiều hướng giảm. Nếu như trước đây vi phạm nồng độ cồn thường chiếm từ 7-8% tổng số trường hợp vi phạm, thì nay chỉ chiếm 6- 6,5%.
Từ ngày 15/8 – 15/9, lực lượng CSGT Nghệ An đã xử phạt 560 trường hợp vi phạm nồng độ cồn với số tiền phạt 1 tỷ đồng và số người tử vong vì TNGT trên địa bàn tỉnh đã giảm sâu, lên tới 21% so với tháng 7/2016.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận