Ngày 7/10, ông Phạm Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Tây Bình (huyện Tây Sơn, Bình Định) cho biết, chính quyền địa phương vừa phá bỏ cầu tre An Chánh bắc qua sông Kôn để ngăn người dân qua lại vào mùa mưa bão, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng con người.
"Vào đầu mùa mưa, khoảng cuối tháng 9, chúng tôi sẽ cho phá bỏ cây cầu này bởi nước lũ chảy xiết, nguy cơ sập, trôi cầu thường trực. Nếu để cầu tồn tại, sợ nhiều người liều mình đi qua sẽ dẫn đến bị nước lũ cuốn trôi, nguy hiểm đến tính mạng. Sau đó, đến khoảng đầu năm sau sẽ để cho người dân làm lại cầu", ông Thương nói.
Cầu tre An Chánh bắc qua sông Kôn bị phá bỏ vào mùa mưa để ngăn người dân qua lại
Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo UBND xã Tây Bình, để làm lại cây cầu tre này phải tốn từ khoảng 50-60 triệu đồng. Tuy nhiên, buộc phải phá bỏ vào mùa mưa rồi sau đó mới cho làm lại vào mùa khô để tiếp tục lưu thông bởi không có cách nào khác. Nếu để người dân qua lại vào mùa mưa bão, lỡ sập trôi cầu, thiệt hại về con người sẽ lớn hơn.
Ông Văn Minh Thiện - Ban quản lý cầu tre An Chánh cho biết thêm, cầu tre này mỗi lần làm lại phải tốn vài chục đến hàng trăm triệu đồng tùy vào giá tre và vật liệu. Số tiền này trích từ tiền thu phí người dân qua lại cầu vào các tháng mùa nắng.
Cầu tre An Chánh được làm từ năm 2000 do nhu cầu qua sông Kôn để vào trung tâm huyện Tây Sơn của người dân. Cầu có chiều dài 600m, nối hai xã Bình Nghi và Tây Bình (huyện Tây Sơn). Đây là cây cầu tre dài nhất còn lại ở tỉnh Bình Định. Cầu phục vụ nhu cầu đi lại cho khoảng 200 hộ dân ở xã Tây Bình. Mỗi ngày, có hàng trăm lượt phương tiện qua lại.
Người dân vẫn liều mình qua cầu tre An Chánh mỗi ngày
Dù vậy, theo quan sát của PV Báo Giao thông, kể cả mùa nắng, việc qua lại cầu tre này vẫn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thường trực. Bởi cầu chỉ được làm tạm bợ bằng những thanh tre mỏng được đan lại với nhau và chằng buộc bằng sợi thép. Phần chân cầu cũng chỉ là những thanh cây gỗ cắm sâu xuống lòng sông để cố định làm bệ đỡ gánh trọng tải thân cầu. Mỗi lần có xe máy chạy qua, những thanh tre rung lên bần bật.
Theo các cán bộ UBND xã Tây Bình, việc người dân té ngã, rơi xuống sông, hư hỏng phương tiện khi qua cầu tre An Chánh xảy ra thường xuyên. Dù biết nguy hiểm, nhưng họ vẫn hằng ngày qua lại miệng "hà bá" vì đây là con đường ngắn nhất dẫn vào trung tâm huyện. Bởi nếu đi đường vòng xuống cầu An Thái (TX An Nhơn) phải mất thêm gần 20km. Hoặc lên phía trên để đi qua cầu Phú Phong thì cũng phải mất quãng đường xa hơn. Người dân vẫn mong mỏi có một cây cầu bắc qua đây để họ có thể dễ dàng đi lại vào mùa mưa bão hay có việc khẩn cấp.
Tuy nhiên, theo ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, qua khảo sát, nguồn vốn đầu tư cho cầu này lên đến gần 250 tỷ đồng nên việc xây dựng cây cầu qua đây rất khó thực hiện trong giai đoạn này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận