Chứng kiến niềm vui của hàng vạn người dân khi cây cầu Vàm Xáng trị giá 450 tỷ hợp long, sắp được đưa vào sử dụng, ông Bảy Thôn vui lây song cũng thoáng chút chạnh lòng. Bởi dù gì, ông cũng đã có ngót 20 năm gắn bó với bến sông này.
Phà Vàm Xáng phục vụ 3 khung giờ một ngày và miễn phí cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch
Bến phà cũ sắp trôi vào ký ức
Ngày 28/12/2021, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ và các đơn vị có liên quan tổ chức hợp long cầu Vàm Xáng.
Cầu Vàm Xáng được xây dựng trên sông Cần Thơ kết nối giữa xã Nhơn Nghĩa với thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền và cũng kết nối đường Nguyễn Văn Cừ đến QL61C.
Qua đó, góp phần cho TP Cần Thơ cũng như huyện Phong Điền hoàn chỉnh một phần kết cấu hạ tầng giao thông, giúp cho người dân xã Nhơn Nghĩa phát triển kinh tế - xã hội và thuận tiện hơn cho việc đi lại của người dân qua con sông này, kết nối giao thương hàng hóa giữa khu vực với các tỉnh, thành ở ĐBSCL.
Ngày cây cầu được hợp long, ông Bảy Thôn (Huỳnh Văn Thôn, 60 tuổi) hết đi ra rồi lại đi vào. Chiếc cầu Vàm Xáng cách nhà ông chỉ vài trăm mét.
“Mấy đứa con tui buồn lắm. Tụi nó nói, cầu Vàm Xáng hợp long, không bao lâu nữa thông thương, rồi bến phà và 15 nhân công, 4 chiếc phà 80 tấn và 3 chiếc phà nhỏ của gia đình mình sẽ về đâu?”, ông kể.
Cầu Vàm Xáng đã được hợp long
Nhưng sâu xa hơn, ông lại nghĩ, gia đình mình buồn một, nhưng hàng vạn người khác lại vui bởi có chiếc cầu này, cảnh qua sông phải lụy phà sẽ chấm dứt.
Nhớ lại chuyện mấy chục năm trước, ông Bảy Thôn kể, lúc đó, khoảng năm 1990, người dân ở Kênh B, xã Thạnh Thắng (nay thuộc huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) phải qua sông bằng chiếc đò nhỏ, chèo tay.
Rồi xã kế bên, chủ đò đầu tư ghe lớn, hút hết khách, bến đò gần nhà ông bỏ hoang phế. Ông bàn với lãnh đạo xã khôi phục bến đò để bà con qua sông nhanh chóng, an toàn.
Người dân xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền kể rằng, trung tâm xã chỉ cách trung tâm huyện hơn 2km. Nhưng từ trước đến giờ, để đến trung tâm huyện, từ tờ mờ sáng người Nhơn Nghĩa phải kéo nhau đứng ở bến đò Vàm Xáng để chờ, có khi mất 15 phút mới qua được sông. Do không có cầu nên bà con nông dân phải vận chuyển nông sản bằng ghe hay vỏ lãi.
Năm 2019, UBND TP Cần Thơ đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Vám Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến QL61C (thuộc huyện Phong Điền) với tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến gần 3,3km, gồm 3 nhánh. Trong đó, nhánh chính dài hơn 2,4km, từ nút giao đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, vượt qua sông Cần Thơ nối vào QL61C. Trên tuyến có cầu Vàm Xáng, cầu Xà No Cạn, cầu Hòa Hảo và 3 cống ngang đường. Cầu Vàm Xáng có bề rộng mặt cầu 14m. Cầu Xà No Cạn và cầu Hòa Hảo có bề rộng mặt cầu 12m.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cầu Vàm Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến QL61C là công trình quan trọng của TP, giúp kết nối giao thông liên hoàn cho khu vực, thúc đẩy huyện Phong Ðiền và TP Cần Thơ phát triển.
“Phải chơi lớn, không thể cứ ghe chèo”, ông Bảy nghĩ rồi bàn với vợ bán 1 lượng vàng là của hồi môn ngày cưới, thêm cái đồng hồ Citizen quý giá nhất của ông. Chiếc chẹt (tựa như chiếc phà nhỏ, làm bằng gỗ - PV) lớn được huy động thợ đóng gấp. Và bến đò hoành tráng nhất vùng quê Thạnh Thắng ra đời, chẹt rộng 1,4m chạy bằng máy, xe lên xuống, quay đầu thoải mái, không còn chịu cảnh bắc ván mới đưa xe lên được đò như trước đây…
Gần một đời đưa khách sang sông an toàn
Một bữa, ông Bảy Thôn về quê ở xã Trường Thành (hiện thuộc huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) ăn giỗ. Qua sông bằng chiếc ghe nhỏ, chủ đò dắt xe ẩu nên chiếc Honda quý giá của ông bị gãy mũi chắn bùn.
Ở đám giỗ, ông kể lại chuyện này. Một người ngồi chung bàn chợt la lớn: “Sao ông làm chủ bến phà ngon lành trên Thạnh Thắng mà không về đây đấu thầu? Chiếc ghe nhỏ đưa đò ở đây từng chìm 9 lần rồi đó! Ông về đi, làm chẹt đưa dân qua sông cho an toàn”.
Bàn chuyện đấu thầu bến đò này, lãnh đạo xã hoan nghênh. Khi công bố đấu giá, ông Bảy trúng thầu với giá 39 triệu đồng/năm. Còn chủ đò cũ bỏ giá… 4 triệu đồng/năm. Nhưng khổ thay, chủ đò cũ thuộc gia đình chính sách, có người thân làm cán bộ lãnh đạo địa phương nên chuyện chẳng trơn tru như dự tính. Mãi lâu sau mọi chuyện được giải quyết xong.
Cuối cùng, “trùm đò” Bảy Thôn đấu giá thành công bến phà Vàm Xáng, đó là năm 1999. Ban đầu, ông và vợ che cái chòi ở tạm bên bờ phía xã Nhơn Nghĩa, rồi dần dà mua đất, cất căn nhà ngay sát bến đò hiện nay, thuộc địa phận thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền.
Mấy chục năm đưa đò, lúc cao điểm ông Bảy làm chủ trên 10 bến phà ở các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ… Trong tay ông có hơn 30 chiếc phà, mà mỗi chiếc phà lớn thời ấy phải bỏ 20 lượng vàng mới sắm được. Những chuyến phà, đò đưa khách qua sông an toàn, chưa từng gặp sự cố…
Tiền thu được, ngoài nộp ngân sách địa phương, ông ủng hộ quỹ khuyến học, góp tiền ủng hộ người nghèo…
“Tôi từng có nhiều bến phà trong tay, nhưng “rơi rụng” dần vì xã hội phát triển thì phải có những cây cầu hiện đại để người dân đi lại. Đó là quy luật tất yếu. Như bến phà Vàm Xáng này, tôi cũng sắp mất nó sau mấy chục năm gắn bó...
Tiếc nuối thì không, nhưng 15 nhân công đã gắn bó với tôi suốt những năm qua chưa biết đi về đâu. Tôi chỉ có chút suy nghĩ thế thôi, chứ thực lòng rất vui vì hiểu được nỗi lòng của người dân hai bên bờ sông. Ước vọng bao đời nay của họ giờ đã thành hiện thực”, ông tâm sự.
Tấm lòng của ông lão lái đò
Ông Bảy Thôn bên bến phà đã gắn bó với mình suốt thời gian dài
Đợt dịch Covid-19 vừa qua, ngay lúc TP Cần Thơ bắt đầu “Chiến dịch xanh” xét nghiệm toàn dân, sàng lọc cộng đồng để bóc tách F0, tăng cường lực lượng hỗ trợ cho huyện Phong Điền, hơn 130 cán bộ y tế, tình nguyện viên đã về chi viện tại đây. Ông Bảy và anh Huỳnh Quốc Trung (37 tuổi, con trai lớn) bàn nhau, quyết định hiến cả khách sạn tại thị trấn Phong Điền cho đoàn tình nguyện ở miễn phí.
Đặc biệt, khi toàn TP Cần Thơ thực hiện giãn cách, phà Vàm Xáng nối thị trấn Phong Điền và xã Nhơn Nghĩa là chuyến phà duy nhất ở Cần Thơ hoạt động để phục vụ công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân đi mua hàng hóa thiết yếu.
Việc này đã giúp công tác phòng chống dịch cũng như đời sống của người dân xã Nhơn Nghĩa bớt khó khăn rất nhiều. Bởi lẽ xã Nhơn Nghĩa địa thế giống như một “xã cù lao”, lại thuộc diện “3 không”: Không cửa hàng bách hóa lớn, không nhà thuốc lớn, không máy ATM.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận