Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang triển khai một số giải pháp nâng cao ATGT tại các đường đèo dốc nguy hiểm (Trong ảnh: Đèo Mã Pì Lèng nối liền TP Hà Giang, huyện Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc) |
Cả nước còn 136 điểm đen TNGT
Ông có thể cho biết thực trạng các điểm đen TNGT trên hệ thống quốc lộ hiện nay. Các điểm đen TNGT ảnh hưởng thế nào đối với công tác bảo đảm ATGT?
TNGT xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân do ý thức người tham gia giao thông là chủ yếu, chiếm tới trên 70%. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như phương tiện nổ lốp, mất phanh, mất lái, thời tiết thiên tai, hoặc do các yếu tố khác như: Tình trạng họp chợ, lấn chiếm, dừng đỗ trái phép và một phần liên quan đến yếu tố hạ tầng. Do đó, khi xử lý điểm đen TNGT cần có nhiều giải pháp đồng bộ của các cơ quan chức năng, hệ thống chính trị, đặc biệt tại địa phương.
Khi xác định điểm đen TNGT liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến yếu tố cầu đường, chúng tôi tập trung xử lý. Những điểm đen không liên quan đến cầu đường, chúng tôi phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương để xử lý.
Sau khi rà soát các điểm đen TNGT liên quan đến yếu tố hạ tầng, hiện nay, trên hệ thống quốc lộ còn 136 điểm. Ngoài ra, có 161 điểm tiềm ẩn TNGT (chưa ở mức điểm đen).
Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ TNGT xe khách nghiêm trọng tại các điểm đường đèo dốc như đèo Lò Xo và QL3 tỉnh Cao Bằng. Để ngăn chặn các trường hợp tương tự, tổng cục sẽ triển khai giải pháp đảm bảo ATGT như thế nào đối với đường đèo dốc?
Các vụ tai nạn nêu trên gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân, nhưng sơ bộ chủ yếu do ý thức của người lái xe. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan công an đẩy mạnh và xử lý kiên quyết với doanh nghiệp vận tải và lái xe về chấp hành tốc độ, ý thức người lái xe, không để tình trạng luồn lách, chạy quá tốc độ, tắt thiết bị giám sát hành trình.
Ở lĩnh vực hạ tầng, đối với các đoạn đèo nguy hiểm, nguy cơ TNGT cao, ngoài các giải pháp tăng cường hệ thống báo hiệu, chúng tôi đã và đang triển khai một số giải pháp nâng cao an toàn như: Lắp dựng biển báo hiệu trên các giá long môn để lái xe nhìn trực diện, dễ hiểu như các biển cảnh báo như: “Dốc dài nguy hiểm - Đi số thấp” cho chiều xuống dốc, “Đi đúng làn đường”.
Ngoài ra, chúng tôi cũng cắm biển báo hạn chế tốc độ, sơn kẻ đường, sơn gờ giảm tốc dạng vạch đơn liên tục, lắp đặt đinh tiêu phản quang và dùng màng phản quang cấp cao - cấp sương mù. Đồng thời, xây dựng đường cứu nạn, hốc lánh nạn, điểm kiểm tra kỹ thuật xe khi xuống dốc kết hợp các biển tuyên truyền kỹ thuật lái xe đèo dốc.
Cùng đó, tại các vị trí vực sâu, vách đá cua gấp, chúng tôi sẽ bố trí hộ lan 2 tầng, kết hợp các tường lốp nhằm giảm thương vong. Hiện việc này đã thực hiện tại Dốc Cun, Thung Khe - QL6, Hòa Bình, đèo Khánh Lê - QL27B, Khánh Hòa, đang triển khai đèo Lò Xo.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN |
Vẫn khó xử lý triệt để
Tại hội nghị Tổng kết công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2017, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu xử lý triệt để điểm đen TNGT trong năm 2018. Công tác này đã triển khai đến đâu, thưa ông?
Hiện nay, trên hệ thống quốc lộ còn 136 điểm đen TNGT liên quan đến yếu tố hạ tầng và 161 điểm tiềm ẩn TNGT. Trong điều kiện nguồn vốn bảo trì đường bộ còn nhiều khó khăn, trong khi đó còn nhiều việc khác cũng rất cấp bách như: Khắc phục bão lũ, cầu yếu, sửa chữa đột xuất cầu đường, êm thuận mặt đường… Ngoài ra, gần đây tình hình phương tiện, lưu lượng giao thông tăng cao, mặc dù các đơn vị quản lý đã tích cực khắc phục, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT nhưng nhiều vị trí nguy hiểm vẫn tiếp tục phát sinh và tồn tại trong quá trình khai thác nên rất khó xử lý triệt để.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT, tổng cục đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, đôn đốc các Cục Quản lý đường bộ, các sở GTVT tập trung xử lý những điểm đen; đối với các điểm tiềm ẩn TNGT xét theo mức độ nguy hiểm để đưa vào xử lý trướ một số điểm ngăn ngừa với phương châm tiết kiệm, hiệu quả nhất. Trong quá trình khai thác sẽ cập nhật những diễn biến phát sinh để có kế hoạch xử lý.
Ông có khuyến cáo gì về kỹ năng đi đường đèo dốc đối với lái xe để hạn chế rủi ro và TNGT?
Đường đèo dốc có những yếu tố bất lợi như: Cong cua, đổi chiều liên tục, dốc dọc lớn và dài, dễ trơn trượt. Nếu lái xe sử dụng phanh nhiều gây nóng và mất hoặc giảm tác dụng phanh. Vì vậy, các lái xe trước khi vượt đèo, xuống đèo cần kiểm tra kỹ thuật xe, nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe, tinh thần.
Khi xuống dốc đi số thấp (tương ứng lên số nào về số đó), sử dụng số thấp để kìm máy giảm tốc độ là chính, phanh chỉ hỗ trợ. Khi xuống dốc, tuyệt đối không được tắt máy đi số mo để tiết kiệm xăng. Khi xuống dốc, tốc độ xe sẽ tăng dần theo quán tính nên lái xe phải chấp hành quy định về tốc độ. Khi lưu thông cần đi đúng làn đường để đề phòng các xe ngược chiều chém cua. Đặc biệt, cần chấp hành tốt các quy định chung về trật tự ATGT như: Không chở quá khổ quá tải, không sử dụng rượu bia, chất kích thích.
Cảm ơn ông!
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng công tác bảo đảm trật tự ATGT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình chỉ đạo ưu tiên sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ để xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên đường bộ. Phó Thủ tướng cho rằng, khi thấy rõ nguyên nhân, phải tập trung xử lý dứt điểm. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận