Tỉnh lộ 447 dài gần 22km đi qua 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn (Ninh Bình). Dọc tuyến có 14 trường học, 7 chợ, 3 khu công nghiệp với gần 4.000 công nhân… Chính vì vậy, đây được xem là tuyến đường quan trọng, hàng nghìn lượt phương tiện vận tải cỡ lớn chở vật liệu, đất, đá từ các mỏ phục vụ cho các công trình, nhà máy xi măng, chưa kể học sinh và công nhân đi lại hàng ngày.
Ghi nhận thực tế vào những ngày đầu tháng 9/2020 tại huyện Gia Viễn cho thấy, tuyến đường được bê tông hóa nhưng đã bị rạn nứt nhiều đoạn do lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn. Không những gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, ô nhiễm môi trường.
Anh Nguyễn Văn Long, một người dân ở huyện Gia Viễn cho biết: Trước đây, bất kể ngày đêm, xe tải, xe đầu kéo chở đầy đất đá, xi măng nườm nượp chạy trên tuyến đường này; nhà ở ven đường rung lắc mạnh, ban ngày thì bụi bặm. "Tuy nhiên, thời gian gần đây, lực lượng CSGT liên tục TTKS, xử lý nhiều phương tiện vi phạm nên lưu lượng phương tiện chở quá tải qua khu vực này giảm hẳn", anh Long cho hay.
Cùng thời điểm ghi nhận, tại đoạn đường qua xã Gia Vân, một tổ TTKS của Đội CSGT đường bộ, Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình đang “dàn trận” cân xách tay trên tuyến. Tất cả những phương tiện vận tải lưu thông có dấu hiệu quá tải đều được yêu cầu dừng lại kiểm tra. Trong buổi sáng, lực lượng chức năng đã kiểm tra và lập biên bản 6 trường hợp vi phạm.
Đơn cử như xe 35C-050.71 do tài xế Bùi Hữu Nghĩa (SN 1998, ngụ ở Quảng Lạc, huyện Nho Quan, Ninh Bình) điều khiển chở đất từ Nho Quan về Gia viễn chở quá tải 7,4%; Xe 86C-150.65 do Phạm Đình Tấn (SN 1991, ở Châu Sơn, TP Phủ Lý, Hà Nam) điều khiển và xe 35C-084.87 do Đặng Đức Thoan (SN 1985, ở Gia Tân, Gia Viễn) điều khiển khi kiểm tra không quá tải trọng nhưng vi phạm về việc chở vật liệu rời có bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi trên đường.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tá Dương Phú Mạnh, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ, Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, trên tuyến trung bình có khoảng 4.000 – 5.000 lượt xe/1 ngày đêm. Khi tan ca tại các khu công nghiệp, nhà máy, công nhân tham gia giao thông rất lớn càng dễ xảy ra nguy cơ mất ATGT.
Thực hiện Tháng cao điểm ATGT, ngoài việc xử lý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, Đội CSGT sử dụng cân xách tay để kiểm soát tải trọng phương tiện trên tuyến.
Thiếu tá Mạnh cũng cho biết, hiện nay một số đơn vị, doanh nghiệp chưa tự giác chấp hành quy định về kích thước thành thùng xe, tự ý thay đổi kích thước, lén lút chở quá tải gây bức xúc cho nhan dân, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông. Trước thực tế này, Đội CSGT đường bộ đã đến từng đơn vị, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết không cơi nới thành thùng, chở quá tải lưu thông trên các tuyến đường.
“Sau khi đã ký cam kết mà các tổ chức, doanh nghiệp không thực hiện vẫn cố tình vi phạm thì chúng tôi sẽ lập biên bản, cưỡng chế cắt thùng ngay tại chỗ”, Thiếu tá Mạnh cho biết thêm.
Qua thống kê, 9 tháng đầu năm, riêng trên Tỉnh lộ 447, Đội CSGT đường bộ đã phát hiện và lập biên bản trên 2.300 trường hợp vi phạm giao thông, phạt hành chính trên 6,5 tỷ đồng. Trong đó, có trên 130 trường hợp chở quá tải với số tiền gần 1,7 tỷ đồng.
Ông Phạm Đức Tuân, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Ninh Bình cũng cho biết, riêng trong tháng 8/2020, lực lượng chức năng của tỉnh lập biên bản hơn 4.000 trường hợp, phạt tiền gần 7 tỷ đồng; tước quyền sử dụng GPLX 531 trường hợp, tạm giữ 737 xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận