Cô Thương trìu mến nhìn cậu con nuôi đang tập thiết kế, làm đồ da |
Sức sống diệu kỳ của cậu bé mồ côi
Mùa hè năm nay, vết mổ ở lưng Phạm Văn Hảo (SN 1989, xóm 7, thị trấn Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên) đã lành. Hảo đã có thể chống tay tự di chuyển trong căn phòng mới khang trang được xây bằng số tiền các nhà hảo tâm gần xa quyên góp. Với Hảo, ước mơ lớn của em đã thành hiện thực, sau cả chục năm nằm bất động vì một tai nạn ở mỏ đá và gần như bị bỏ quên.
Mỉm cười nhìn Hảo đang chăm chú hoàn thành nốt chiếc ví khâu tay, cô Đinh Thị Thương, mẹ nuôi Hảo bảo, em đang muốn thử sức với công việc này vì thấy phù hợp với điều kiện sức khỏe. “Giờ Hảo đã khỏe mạnh, trở về nhà, chẳng còn gì vui hơn”, cô Thương tâm sự.
"Suốt quá trình điều trị em luôn được sự hỗ trợ của các y, bác sỹ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mẹ con em, BS. Lâm Bình là ân nhân, người sinh ra em lần thứ hai. Cảm ơn những tấm lòng thiện nguyện và Báo Giao thông đã chung sức giúp em vượt qua ca mổ, có được ngày hôm nay." Phạm Văn Hảo |
Ngay TS. BS. Nguyễn Lâm Bình, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, người trực tiếp điều trị cho Hảo suốt ba năm qua cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về sức sống mãnh liệt của chàng trai này.
“Đêm đó, Hảo đến viện rất muộn trong tình trạng sốt cao. Vết thương hoại tử lan rộng cả vùng lưng, lỗ hổng ở lưng rộng gần 2 bàn tay, nhìn thấu cả ổ bụng. Khi tiến hành thay băng, những mẩu xương đen nhẻm rơi ra. Mẹ nuôi Hảo bảo, mấy bệnh viện đã trả Hảo về vì xương rơi ra, nhìn thấu cả ruột, không cứu được. Kết quả chụp X quang, xương cùng và xương cụt bị hoại tử rơi hết từ lâu”, BS. Bình kể.
Vụ tai nạn sập mỏ đá năm 18 tuổi chỉ khiến đôi chân Hảo bị liệt, nếu chăm sóc tốt, có khả năng phục hồi. Nhưng Hảo là cậu bé mồ côi mẹ từ năm 8 tuổi. Cha già yếu, bệnh tật, Hảo bỏ học đi làm thuê ở mỏ đá nuôi bố. Thế nhưng, sau khi Hảo bị đá đè liệt đôi chân, bố em cũng qua đời. Hảo gần như bị bỏ rơi trong căn nhà xập xệ. Suốt 7 năm trời, em nằm một mình trên chiếc giường khoét thủng lỗ để các chất dịch, phế thải tự động chảy xuống một chiếc chậu bên dưới. Thi thoảng, bà chủ mỏ đá hoặc chú, thím họ xa ở gần đó rẽ vào bê chậu phế thải đi đổ, mang cho Hảo chút thức ăn.
Tháng 4/2015, cô Thương tình cờ nhìn thấy Hảo khi đi cùng mấy phụ nữ trong xóm làm thiện nguyện. Xót xa chàng trai mặt mũi sáng ngời bị vứt bỏ khiến cơ thể hoại tử khắp nơi, cô Thương đón Hảo về, nhận em làm con nuôi, dù nhà cô Thương cũng nghèo và việc chăm sóc Hảo, từ thay rửa vết thương hàng ngày, vệ sinh cho em rất khó khăn.
Bài báo đăng trên Báo Giao thông viết về Phạm Văn Hảo |
Kết nối những vòng tay nhân ái
Tháng 11/2017, Báo Giao thông có bài viết “Cổ tích thời nay của chàng trai liệt nửa người” cũng là thời điểm Hảo chuẩn bị lên bàn mổ thực hiện ca mổ chưa từng có là đặt hai thanh trợ xương để kết nối, cố định xương sống và xương chậu. Do đây là thiết bị y tế không nằm trong danh mục bảo hiểm, nên dự kiến, chi phí cho ca mổ khoảng 30 triệu đồng. Trong khi đó, cô Thương đưa Hảo xuống viện mổ với hai bàn tay trắng, bởi “bao năm em nằm viện, của cải trong nhà chả còn gì”.
Nhưng qua Báo Giao thông, câu chuyện về sự sống kỳ diệu của Hảo, lòng tốt vô bờ của cô Thương đã lay động trái tim bạn đọc gần xa. Những tấm lòng thiện nguyện đã chia sẻ, kêu gọi, cùng nhau đóng góp cho ca mổ của Hảo.
Tại giải Báo chí Quốc gia lần thứ XII - năm 2017, bài báo “Cổ tích thời nay của chàng trai cụt nửa người” của Báo Giao thông đã đoạt giải C thể loại Phóng sự, ký sự điều tra. |
Chị Trần Thị Hồng Liên, Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á tâm sự: “Đọc bài viết về em Hảo trên Báo Giao thông mà không cầm được nước mắt. Mong mọi người hãy cùng san sẻ những yêu thương cho em, giúp em chiến thắng bệnh tật, để em lạc quan hơn, có niềm tin sống”.
Cô giáo Vũ Thị Mỹ Hạnh, trường Tiểu học Điện Biên (Hà Nội) nghẹn ngào: “Đọc bài báo về em Hảo thực sự thấy xúc động, thương cho em quá, mọi người cùng chung tay nhé”. Do ca mổ của Hảo đã cận kề, chị Hồng Liên, cô giáo Hạnh, chị Đoàn Thu Trang (Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) và tác giả bài viết về Hảo đã khẩn trương chạy đua vận động tài trợ cho ca mổ của Hảo trên facebook.
Với mục tiêu là 30 triệu đồng cho ca mổ của Hảo, nhưng chỉ chưa đầy 2 tuần, số tiền các bạn đọc thiện nguyện hỗ trợ qua nhóm 4 cá nhân đầu mối trên đã lên tới 50 triệu đồng, chưa kể các bạn đọc trực tiếp trao tiền, đến thăm Hảo. Ngày 11/4, tác giả bài báo cùng nhóm tài trợ vào bệnh viện, nộp viện phí và đưa Hảo vào phòng mổ, rồi hồi hộp túc trực như lo cho người thân của mình. Đến 21h, thông tin từ phòng mổ: “Ca mổ đã thành công” trong niềm vui vỡ òa của những tấm lòng thiện nguyện đã yêu thương, chăm lo cho Hảo.
Tình người còn mãi
Đây không phải là lần đầu Báo Giao thông sát cánh, kết nối những tấm lòng thiện nguyện giúp những phận đời kém may mắn vượt qua cơn bĩ cực của cuộc đời, vươn lên trong cuộc sống. Trước đó, Báo Giao thông cùng bạn đọc đã xây tặng ba chị em cô bé Nguyễn Thị Sáng (người đã hiến tạng người mẹ tử vong sau TNGT cho y học) một ngôi nhà bê tông cấp 4, trị giá 150 triệu đồng tại thôn Tân Dinh, xã Cẩm Nhương, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Báo cũng đã mở đợt quyên góp, hỗ trợ hơn 200 triệu đồng cho bé Nguyễn Quốc Huy - cậu bé văng khỏi bụng mẹ ở An Giang; hỗ trợ gần 200 triệu đồng cho cô bé mất cả gia đình trong TNGT ở Đắk Lắk…
Nguyễn Thị Yến (19 tuổi, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) nhớ lại, sau nỗi đau “tang chồng tang” vì mất mẹ sau TNGT, cha đột tử, Yến lúc ấy mới 15 tuổi. Ôm 5 đứa em lít nhít (em nhỏ nhất mới 14 tháng tuổi - NV), Yến và bà nội đã ngoài 80 khóc hoài vì không biết làm sao lo cho bầy trẻ. Báo Giao thông là một trong những tờ báo đầu tiên có mặt, thăm hỏi, trích 20 triệu đồng từ Quỹ Chung tay vì ATGT của báo ủng hộ các cháu, rồi viết bài kêu gọi cộng đồng chung sức hỗ trợ cho 6 đứa trẻ tội nghiệp. Nhờ sự chia sẻ của cộng đồng, 6 chị em Yến nhận được số tiền hơn 900 triệu đồng để ăn học. Cũng thông qua Báo Giao thông, Yến được chủ thương hiệu Minh Ký Mỳ gia tài trợ ăn học hết cấp ba, sau đó em học nghề, mở tiệm trang điểm cô dâu tại nhà để chăm sóc đàn em. “Nếu không có Báo Giao thông và bạn đọc, chị em em không có ngày hôm nay”, Yến nói.
Cũng từng là nhân vật chính trong bài viết “Chuyện tình như mơ của chàng trai tật nguyền do TNGT”, Hà Anh Mến (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) cho hay, Báo Giao thông không hỗ trợ em về tài chính, nhưng sau khi bài báo được đăng tải, câu chuyện của hai vợ chồng Mến - Loan được đông đảo bạn đọc cả nước biết đến, xúc động và ngưỡng mộ. “Điều đó giúp vợ chồng em thêm tự tin vào cuộc sống, có thêm rất nhiều bạn bè trên khắp mọi miền Tổ quốc. Công việc kinh doanh online của hai vợ chồng nhờ đó tốt hơn nhiều”, Mến cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận