Ngày 26/12, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, trên hệ thống đường thủy toàn quốc hiện có gần 8.200 bến thủy bốc dỡ hàng hóa, nhưng chỉ 75% trong số trên hợp pháp, còn lại 25% hoạt động "chui" (hơn 1.700 bến).
Trong đó, số lượng bến không phép trên đường thủy quốc gia nhiều hơn 3 lần so với đường thủy địa phương, với gần 1.300 bến, đường thủy địa phương hơn 400 bến.
“Nguyên nhân bến thủy không phép chiếm tỷ lệ cao và có chiều hướng gia tăng do quy hoạch bến thủy ở nhiều địa phương chưa được xây dựng và tổ chức theo quy định. Việc giao đất và cho thuê đất xây dựng bến gặp nhiều khó khăn”, Cục Đường thủy nội địa VN thông tin.
Theo quy định hiện hành, Sở GTVT các địa phương cấp phép hoạt động cho bến bốc dỡ hàng hóa trên đường thủy quốc gia, còn trong quá trình hoạt động do cảng vụ đường thủy Trung ương thực hiện. Phương tiện khi ra, vào cảng bến phải làm thủ tục, kiểm tra các điều kiện an toàn đường thủy và nộp lệ phí, lệ phí theo quy định.
Lãnh đạo một cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, cảng vụ chỉ có thẩm quyền quản lý và thu phí, lệ phí đối với phương tiện hoạt động tại cảng, bến thủy được cấp phép hoạt động, dẫn đến tình trạng phương tiện hoạt động tại bến không phép không phải chịu sự quản lý nhà nước, không phải nộp phí, lệ phí, gây thất thu ngân sách và bất bình đẳng trong vận tải đường thủy. Trong khi đó, ít khi thấy chính quyền địa phương kiểm tra, giải tỏa đối với bến không phép.
Tương tự bến hàng hóa, theo Cục Đường thủy nội địa VN, toàn quốc hiện có 2.526 bến khách ngang sông và tỷ lệ bến không phép gần 20% (468 bến), không giảm so với năm trước. Việc cấp phép hoạt động bến khách ngang sông do cũng Sở GTVT các địa phương giải quyết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận