Quyết liệt truy tìm, khởi tố hành vi không cứu giúp nạn nhân TNGT
Ngày 7/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với tài xế Mai Văn Khởi (39 tuổi, tỉnh Sóc Trăng) để điều tra về hành vi “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.
Hiện trường vụ TNGT trên cao tốc Trung Lương, tài xế xe đầu kéo bỏ đi không cứu giúp nạn nhân
Tài xế Khởi là người điều khiển xe đầu kéo BKS 50H-059.18 chở hàng từ Vĩnh Long đi TP. HCM lúc 20h ngày 1/2/2023. Do phương tiện bị trục trặc nên tài xế Khởi cho xe chạy chậm vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Đến gần 1h20 ngày 2/2, khi phương tiện lưu thông đoạn Km40+60m tuyến cao tốc trên thì nghe va chạm mạnh phía sau. Lúc này, tài xế dừng xe, mở cửa bước xuống kiểm tra, phát hiện ô tô khách 16 chỗ BKS 67F-001.06 bị biến dạng phần đầu, tài xế Nguyễn Hồng Hoàng (51 tuổi, tỉnh An Giang) điều khiển xe đã tử vong do kẹt cứng trong cabin.
Trên xe có nhiều hành khách bị thương cầu cứu nhưng lo sợ trách nhiệm. Khởi lên cabin tiếp tục chạy xe nhanh rời khỏi hiện trường, không thông báo cơ quan chức năng và cũng không nhờ ai khác đến cứu giúp.
Khám nghiệm hiện trường, đồng thời trích xuất camera giám sát cao tốc, CSGT phụ trách cao tốc và Công an huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) xác nhận số xe đầu kéo và tài xế cầm lái gây ra tai nạn nên tiến hành các biện pháp tố tụng hình sự là khởi tố vụ án, ra lệnh bắt giữ nghi phạm.
Trước đó, ngày 6/2, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, quá trình điều tra, truy tìm, đã xác định được người bỏ mặc nạn nhân tại hiện trường sau vụ TNGT tại đường Quy hoạch số 14 (huyện Long Điền) lúc 3h46 ngày 31/1 khiến 1 người bị thương tích nặng.
Theo đó, thời điểm trên, P.T.N.T (SN 2007; trú tại TP Vũng Tàu) điều khiển xe mô tô 72L9 - 3900 đi theo hướng đường Võ Thị Sáu về phía đường Dương Bạch Mai đã va chạm với một người đan ông 69 tuổi sau đó, T. rời khỏi hiện trường, bỏ mặc nạn nhân, không đưa đi cấp cứu.
Tương tự, tại Hà Tĩnh, Viện kiểm sát nhân dân huyện Can Lộc cũng quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hằng (31 tuổi, trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.
Trước đó, khoảng 22h ngày 2/10/2022, Hằng điều khiển ô tô BKS 84L - 4036 lưu thông trên QL1A qua khu vực thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc). Trên xe lúc này có Vương Kim Trực (38 tuổi) và Vương Đình Quang (20 tuổi, cùng trú tại huyện Yên Thành).
Khi đi đến Km 491+390 thuộc TDP 10 (thị trấn Nghèn), Hằng đã dừng xe bên đường để xuống đi vệ sinh. Sau đó, xe máy BKS 38P1 - 053.18 do Nguyễn Công Ph. (32 tuổi, tỉnh Thừa Thiên-Huế) điều khiển theo hướng TP Hà Tĩnh ra TP Vinh bất ngờ xảy ra va chạm với ô tô của Hằng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Đinh Đức Duy (VP luật sư Kết nối) cho biết, theo quy định của pháp luật hiện nay, việc không cứu giúp người bị TNGT là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nếu để xảy ra hậu quả chết người, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Các chế tài xử phạt được pháp luật quy định đã góp phần vào việc duy trì trật tự, kỷ cương, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội.
Tuy nhiên, để pháp luật thực sự đi vào đời sống, xử lý nghiêm được những hành vi vi phạm như vậy cần có việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước trong đó có cơ quan công an và hệ thống tòa án.
“Ngoài ra, việc cứu giúp nạn nhân TNGT còn là vấn đề đạo đức, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Để những truyền thống tốt đẹp được giữ gìn, để giảm thiểu các hành vi vi phạm, việc thực hiện thường xuyên việc điều tra, xử lý những cá nhân vi phạm là vô cùng cần thiết”, luật sư Duy nhấn mạnh.
Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia
Đánh giá cao việc quyết liệt trong công tác điều tra tai nạn, củng cố hồ sơ tài liệu, chứng cứ, truy tìm người không cứu giúp nạn nhân TNGT của cơ quan chức năng trong những vụ TNGT xảy ra gần đây, Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, công tác này là cần thiết và nên được truyền thông rộng rãi để tăng cường nhận thức của người dân về việc cứu giúp nạn nhân TNGT không chỉ là đạo đức mà còn là quyền và nghĩa vụ của mỗi người khi tham gia giao thông đã được quy định trong Luật GTĐB.
Tuy nhiên, Thượng tá Công cũng lưu ý, để xác định được hành vi không cứu giúp nạn nhân TNGT không phải dễ dàng, cơ quan công an phải thu thập tài liệu, hồ sơ điều tra để có đủ căn cứ chứng minh họ có mặt tại hiện trường vụ TNGT, có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ cứu giúp nạn nhân TNGT nhưng không làm mà bỏ đi, bỏ mặc nạn nhân.
Hiện nay, camera giám sát giao thông, camera của nhà dân, camera hành trình của các phương tiện giao thông là một trong những công cụ đắc lực hỗ trợ cơ quan chức năng thực hiện công tác này.
Luật sư Đinh Đức Duy (VP luật sư Kết nối)
Để không còn nỗi đau TNGT
Thượng tá Phạm Việt Công cũng cho biết, việc cơ quan chức năng quyết liệt truy tìm và khởi tố người không cứu giúp nạn nhân TNGT trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn giúp giảm thiệt hại do tai nạn gây ra khi kịp thời hỗ trợ nạn nhân được sơ cấp cứu vào thời gian “vàng”.
Hiện nay, có không ít người không có kỹ năng về sơ cấp cứu, lo ngại 1 số vấn đề như bị hiểu lầm gây tai nạn và cho rằng không phải trách nhiệm của mình nên còn thờ ơ trong việc cứu giúp nạn nhân TNGT khi tham gia giao thông.
Việc khởi tố các trường hợp trên cũng là một cách tuyên truyền quy định của Luật GTĐB đến người dân, từ đó, có sự chủ động tìm hiểu về kỹ năng sơ cấp cứu để kịp thời cứu giúp nạn nhân TNGT trên đường tham gia giao thông khi cần thiết, góp phần giảm bớt hậu quả do TNGT gây ra.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia y tế cho biết, việc sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân TNGT hiện còn nhiều hạn chế, chỉ có khoảng 5% nạn nhân TNGT được xe cấp cứu chuyển đến bệnh viện trong thời gian "vàng”. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có việc thiếu kỹ năng sơ cấp cứu, hệ thống cấp cứu ngoại viện còn hạn chế.
Theo kết quả nghiên cứu về cấp cứu trước viện tại các bệnh viện tuyến trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế chỉ có khoảng 7% bệnh nhân được xe cấp cứu đưa đến và gần 54% bệnh nhân tới bệnh viện bằng phương tiện cá nhân. Bệnh viện Bạch Mai, khoảng 10% bệnh nhân được đưa đến bằng xe cấp cứu và hơn 62% bệnh nhân tới bệnh viện bằng phương tiện cá nhân…
Điều đáng nói, nhiều bệnh nhân khi được đưa tới bệnh viện đã không được sơ cấp cứu ban đầu, không được kiểm soát các chức năng sống, như: đường thở, tuần hoàn…, không được băng bó, cầm máu, cố định xương gãy...Thực tế, việc cấp cứu TNGT đường bộ trong thời gian qua chủ yếu dựa vào cộng đồng.
Một chuyên gia giao thông cho biết, kỹ năng sơ cấp cứu nên được đưa vào chương trình học từ bậc phổ thông để mọi người dân được tiếp cận cách thức cấp cứu trong các tình huống nguy hiểm đến tính mạng với các thao tác đơn giản, không cần kỹ năng cao, cũng không cần máy móc phức tạp nhưng có thể giúp người bệnh vượt qua thời điểm khó khăn nhất.
Luật sư Đinh Đức Duy cho biết, thực tế, không ít người cho rằng việc giúp người gặp nạn có thể đem đến không ít phiền phức cho bản thân như: Bị cơ quan công an mời lên làm việc nhiều lần, bị người nhà nạn nhân hiểu lầm rồi hành hung... từ đó dẫn đến tâm lý e ngại, không nhiệt tình trong việc cứu giúp những người gặp nạn.
“Có rất nhiều cách để giảm thiểu những tình huống “làm phúc phải tội” như gọi cấp cứu 115 và gọi cảnh sát 113, đồng thời kêu gọi người đi đường cùng chứng kiến, sử dụng điện thoại quay lại hiện trường cũng như toàn bộ quá trình cứu giúp người. Như vậy, ngay khi cảnh sát đến, có thể bàn giao video vừa quay được để hỗ trợ quá trình điều tra và sẽ không bị người thân của nạn nhân hiểu lầm”, luật sư Duy chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận