Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia |
TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí
Ông đánh giá thế nào về công tác đảm bảo trật tự ATGT 10 tháng đầu năm. Liệu năm 2014 công tác đảm bảo trật tự ATGT có đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, thưa ông?
Sau 10 tháng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT với chủ đề Năm ATGT “Siết chặt kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”. Sau 10 tháng, TNGT đã tiếp tục được kéo giảm cả ba tiêu chí. Cả nước xảy ra 20.801 vụ TNGT, làm chết 7.475 người, làm bị thương 19.973 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 3.568 vụ (-14,64%), giảm 337 người chết (-4,31%) và giảm 4.414 người bị thương (-18,1%).
"Chúng tôi tin rằng, năm 2014 số vụ TNGT, số người chết chắc chắn giảm sâu và sẽ thực hiện bằng được mục tiêu kéo giảm số người chết dưới 9 nghìn người. Tại sao tôi nói như vậy, bởi kết quả cho đến thời điểm này đã tạo cho chúng ta niềm tin”. Ông Khuất Việt Hùng |
Tại buổi làm việc của Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả đảm bảo ATGT của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia. Công tác đảm bảo ATGT đã tạo ra sự đột phá lớn, phần nào chấn chỉnh, nâng cao được chất lượng, an toàn trong kinh doanh vận tải, tinh thần trách nhiệm, đạo đức của lực lượng thực thi công vụ... đã tạo được lòng tin trong nhân dân. Khi người dân đã tin rồi đồng tình ủng hộ và thực hiện thì việc gì cũng có thể làm được.
Chưa bao giờ các đường dây nóng của Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT, Công an, các địa phương lại tiếp nhận được nhiều phản ánh của người dân như thời gian vừa qua. Điều này có được do chúng ta tạo được niềm tin rất lớn trong nhân dân. Đây chính là tác động mang tính đột phá giúp cho công tác đảm bảo ATGT 10 tháng đầu năm 2014 có những chuyển biến rất tích cực và rõ rệt.
Nhưng đâu là những giải pháp trọng tâm, trọng điểm thưa ông?
Việc chúng ta chọn trọng tâm chỉ đạo là rất đúng nhưng chọn trọng tâm phải có nhóm giải pháp đồng bộ như: Chỉ đạo điều hành, rồi điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2014 Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện. Chúng ta thay đổi, điều chỉnh, siết chặt và giải quyết từ gốc rễ các vấn đề liên quan đến vận tải như: Kích thước thùng hàng, quy định xếp dỡ hàng hoá theo đúng tiêu chuẩn, ứng dụng thông tin dữ liệu từ Trung tâm giám sát hành trình.
Đầu năm 2014, Bộ GTVT cũng tiến hành tái cơ cấu các ngành Vận tải, đặc biệt là mở các tuyến vận tải ven biển, chia sẻ gánh nặng cho vận tải đường bộ. Khi bắt đầu thực hiện kiểm soát tải trọng xe, không ít người lo ngại sẽ bùng nổ giá cước vận tải. Tuy nhiên, qua theo dõi, ngay trong tháng 4 và các tháng sau đó, giá cước vận tải không thay đổi. Khi vận tải đường bộ được chia sẻ, sẽ giảm áp lực về giao thông, giảm nguy cơ xảy ra TNGT đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến những đóng góp của ngành Công an, đặc biệt là CSGT đã đẩy mạnh công tác tuần lưu, tạo được hiệu lực rất lớn, đồng thời đã ứng dụng công nghệ thông tin, xử phạt qua camera, áp dụng hiệu quả mô hình phối hợp của Hà Nội (Tổ kiểm tra 141) vừa ngăn chặn nguy cơ xảy ra TNGT, bảo đảm an ninh trật tự, ATGT trên các tuyến giao thông.
CSGT lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn TP Bắc Ninh |
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mạnh
Dù công tác đảm bảo ATGT đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng TNGT vẫn còn cao, đặc biệt là khu vực ngoài đô thị và nông thôn. Theo ông, đâu là những vấn đề chúng ta phải quan tâm để tiếp tục thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT?
Trong báo cáo của Chính phủ cũng như sơ kết công tác đảm bảo ATGT 9 tháng có nhận định, mặc dù chúng ta đạt được kết quả khả quan, tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, tình hình trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp, TNGT vẫn ở mức cao. Số người chết, bị thương và thiệt hại còn lớn, vẫn xảy ra những vụ TNGT thảm khốc, đặc biệt nghiêm trọng. TNGT ở những khu vực ngoài đô thị, đặc biệt trên tuyến QL1 đang trong quá trình thi công vẫn có dấu hiệu tăng. TNGT khu vực nông thôn tiếp tục diễn biến phức tạp. Số nạn nhân bị thương và tử vong do TNGT khi điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia còn ở mức cao. Còn một bộ phận người dân chưa đội và đội mũ không phải là MBH...
Trước thực trạng trên, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt công tác kiểm soát tải trọng xe và siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải, sớm ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai tại các địa phương về Nghị định 86. Hoàn thiện phần mềm từ Trung tâm Giám sát hành trình để tất cả các Sở GTVT có thể sử dụng trong công tác quản lý.
Cùng với đó, việc kiện toàn Ban ATGT các cấp, đặc biệt là cấp huyện, xã, lấy công an xã là trọng tâm và đưa những người có uy tín tại địa phương vào làm công tác tuyên truyền vận động, giáo dục nhắc nhở, bảo đảm ATGT sẽ được chú trọng. Công tác tuần lưu, sử dụng hiệu quả phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ trong công tác TTKS, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế sẽ được quan tâm đặc biệt.
Dịp cuối năm, tình hình trật tự ATGT, ùn tắc giao thông thường “nóng” và diễn biến phức tạp hơn. Năm nay, người dân về quê hoặc đi lại trong dịp này có bớt được nỗi lo tắc đường, ép giá, mất an toàn không, thưa ông?
Rút kinh nghiệm về công tác vận tải, đảm bảo ATGT Tết 2014, ngay từ bây giờ các bộ, ngành, địa phương đã triển khai ngay kế hoạch bán vé, vận tải cho cao điểm vận tải Tết Ất Mùi 2015. Ngành Đường sắt, Hàng không đã bắt đầu bán vé qua mạng. Cùng với đó hạ tầng phục vụ vận tải đang gấp rút hoàn thành như nhà ga T2 Nội Bài, thêm máy bay. Đường bộ cùng các địa phương đã lên phương án vận tải hành khách, phương tiện dự phòng, phân luồng, vận tải khi có nhu cầu tăng đột biến và giải quyết ùn tắc khi QL1 và QL14 đang triển khai thi công.
Ngoài việc chuẩn bị tốt phương tiện, kế hoạch vận tải, trọng tâm cuối năm sẽ tăng cường kiểm tra an ninh vận tải từ kiểm soát hàng hoá, hành lý... không để xảy ra tình trạng chở hàng cấm, hàng cháy, nổ trên phương tiện chở khách, phương tiện chuyên dụng. Phương châm của chúng tôi là không để một người dân nào phải ở lại bến tàu, bến xe mà không có phương tiện về quê trong dịp Tết và đảm bảo cho hành khách đi lại trong dịp này an toàn và thuận tiện.
Giám sát của Quốc hội giúp công tác đảm bảo ATGT hiệu quả hơn
Ông có thể cho biết vì sao năm nay Uỷ ban ATGT Quốc gia tiếp tục kiến nghị Quốc hội giám sát công tác đảm bảo trật tự ATGT?
Kết quả đảm bảo ATGT 10 tháng là rất khả quan và có nhiều tiến bộ so với năm trước, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Nhưng tại sao tiếp tục đề xuất, bởi nhiệm vụ đảm bảo ATGT là thường xuyên, liên tục. Tình hình trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp, còn rất nhiều vấn đề mà chúng ta cần sự giám sát của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các cấp, của nhân dân. Có sự giám sát này thì việc thực thi pháp luật sẽ tích cực, hiệu quả hơn. Có như vậy tinh thần, thái độ, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ sẽ tốt hơn. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, đại biểu Quốc hội là đại diện cho nhân dân, người dân sẽ dùng quyền giám sát của đại biểu để kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các hoạt động bảo đảm ATGT. Đồng thời đại biểu quốc hội cung cấp thông tin, gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng, vấn đề mà họ quan tâm trong đó có công tác đảm bảo ATGT.
Giám sát của Quốc hội giúp cho đại biểu Quốc hội hiểu đúng hơn, rõ hơn những khó khăn vướng mắc trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước. Chính vì thế mà Chính phủ, Uỷ ban ATGT Quốc gia tiếp tục đề nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện giám sát chặt chẽ công tác này.
Cảm ơn ông!
Khánh Hà (Thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận