Hệ thống cân tự động được Tổng cục Đường bộ thí điểm trên QL5
Từ thành công của việc thí điểm hệ thống cân tự động kiểm soát xe chở quá tải trên QL5, Tổng cục Đường bộ VN đang lập đề án nhân rộng hệ thống này trên cả nước. Việc này không chỉ giúp giảm bớt tiêu cực mà còn giúp lực lượng chức năng bớt phải căng mình xử lý xe quá tải như hiện nay.
Xe quá tải giảm mạnh nhờ cân tự động
Nói về hiệu quả của hệ thống trạm cân tự động thí điểm tại Km 78+830 trên QL5 (TP Hải Phòng), ông Đặng Văn Chung, Phó vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) chứng minh bằng những con số cụ thể: Chỉ sau 5 tháng đưa bộ cân tự động do JICA tài trợ được lắp đặt trên QL5 vào hoạt động, số xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm hơn 49 lần (từ 6,9% của 7 tháng đầu năm 2020 xuống còn 0,14%).
Số xe vi phạm theo ngày đã giảm bình quân hơn 42 lần, từ 176 xe/ngày xuống còn 4,1 xe/ngày. Lực lượng chức năng đã xử lý hơn 14.000 xe vi phạm chở quá tải với tổng số tiền nộp Kho bạc Nhà nước hơn 160 tỷ đồng.
Theo ông Chung, xe quá tải hiện vẫn còn khoảng 10% nhưng bùng phát trở lại trên nhiều tuyến quốc lộ và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa...
Có thể kể đến nhiều địa phương xe quá tải bùng phát nhức nhối như: Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Bình Dương, Đồng Nai.
“Để kiểm soát bền vững xe quá tải, Tổng cục Đường bộ VN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiệu quả rõ rệt nhất là sau thời gian thí điểm kiểm soát bằng hệ thống cân tự động trên QL5. Hệ thống cân tự động tốc độ cao, ứng dụng công nghệ cảm biến lực có độ chính xác cao, ổn định sẽ giải quyết tất cả các bất cập trong kiểm soát xe quá tải trước đây”, ông Chung khẳng định.
Theo ông Chung, với hệ thống camera hiện đại, tự động chụp lại biển kiểm soát của tất cả các xe đi qua và lập tức đọc ra 15 thông tin như tên chủ xe, khối lượng bản thân xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng...
Trong khi đó, với loại hình trạm cân tải trọng cũ phải cần lực lượng thanh tra túc trực giám sát, đo lường thành thùng, khối lượng xe. Hệ thống cân sau đó sẽ tự động đo, phân tích thông số như xe nặng bao nhiêu tấn, tính toán ra xe này có vi phạm tải trọng không, vi phạm tải trọng cầu đường, tải trục bao nhiêu...
Đặc biệt, hệ thống cân này còn hỗ trợ việc áp dụng hình thức xử phạt nguội, loại bỏ tiêu cực do lái xe, chủ xe không tiếp xúc được trực tiếp với lực lượng Thanh tra giao thông hay CSGT xử lý vi phạm.
“Khi nhận được thông báo phạt nguội, nếu chủ xe, lái xe không chấp hành sẽ bị từ chối đăng kiểm. Việc phạt nguội cũng sẽ lại bỏ được tình trạng lái xe chống đối, đóng cửa bỏ đi khiến quá trình xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn như hiện nay”, ông Chung nói.
Lập đề án nhân rộng cả nước
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, nếu không quyết liệt xử lý xe quá tải sẽ làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Sau khi thí điểm xong hệ thống cân kiểm soát tải trọng tự động thực sự mang lại hiệu quả, nên sớm tham mưu Chính phủ nhân rộng thực hiện mô hình này để kiểm soát xe quá tải.
Để đưa mô hình mới này vào thực tế cần hoàn thiện thủ tục pháp lý làm cơ sở duyệt chủ trương đầu tư.
“Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN xây dựng Đề án cân tải trọng tốc độ cao tự động trình Bộ GTVT để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở pháp lý triển khai nhân rộng trong cả nước. Trong đó, cần bổ sung và làm rõ việc xác định mô hình, tiêu chuẩn quy chuẩn để tạo hành lang pháp lý, kiến nghị nguồn vốn đầu tư và chi phí quản lý, bảo dưỡng”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hành lang pháp lý đã đầy đủ, thiết bị để kiểm soát xe quá tải như hệ thống cân tự động đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Trước mắt, đề xuất cho lắp đặt cân tự động trên một số hệ thống đường bộ của Hà Nội, trong đó có đường vành đai 3, cầu Thăng Long và dự án lắp đặt cân xe trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Để có thể triển khai áp dụng rộng rãi mô hình, công nghệ kiểm tra tải trọng xe tốc độ cao, tự động, tổng cục đang lập đề án kiểm soát tải trọng xe bằng hệ thống cân tự động báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Đề án cũng xác định nguồn vốn đầu tư, đối với các dự án BOT sẽ do nhà đầu tư lắp đặt. Đối với hệ thống quốc lộ sẽ do ngân sách Nhà nước đầu tư. Bên cạnh đó, tổng cục đang xây dựng tiêu chuẩn thiết kế cơ sở hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động, tốc độ cao trước tiên áp dụng cho cầu Thăng Long và hệ thống cân tự động trên cả nước”, ông Huyện cho biết thêm.
Đầu tư hệ thống cân tự động hết bao nhiêu tiền?
Theo ông Đặng Văn Chung, hệ thống cân tự động có giá thành thấp hơn nhiều so với phải đầu tư một trạm cân cố định. Đầu tư một hệ thống cân này có tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, trong khi nếu đầu tư xây dựng trạm cân cố định như Dầu Giây hay trạm Quảng Ninh khoảng 100 tỷ đồng.
Phần mềm cân xe tự động cho phép hệ thống cân hoạt động tự động hoàn toàn, không cần thao tác vận hành và can thiệp của con người và kiểm soát được 100% xe lưu thông trên đoạn đường đặt thiết bị cân. Hệ thống cân tự động cho ra kết quả cân rất nhanh, chỉ từ 3-15 giây. Hình ảnh xe vi phạm sẽ được gửi về tổng cục, sau đó sẽ gửi thông báo cho chủ phương tiện để xử phạt nguội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận